Quyền lấy tin và được thông tin

Trong hoạt động truyền thông, người ta hay nói về quyền tìm kiếm (freedom to seek), quyền tiếp nhận các thông tin, ý kiến (receive information and ideas) để truyền bá cho mọi người biết bằng các hình thức phương tiện truyền thông, gọi nôm na đó là quyền lấy tin.

Quyền lấy tin được pháp luật bảo hộ

Ở nước ta, Hiến pháp 1992 khẳng định: “Công dân có quyền được thông tin”. Để bảo đảm “quyền được biết” ấy của công dân, pháp luật trong lĩnh vực báo chí đã nêu rõ: Không một tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động. Các cơ quan tổ chức có nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí, giúp cho báo chí thông tin chính xác, kịp thời và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin của mình. Không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu; cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật…

Để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà báo thực hiện quyền lấy tin, pháp luật quy định từng chi tiết cụ thể như:

- Nhà báo được đến các cơ quan, tổ chức, thư viện, bảo tàng… để thu thập thông tin, tra cứu tài liệu, làm nghiệp vụ báo chí. Các cơ quan, tổ chức không được từ chối cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu nếu không thuộc bí mật nhà nước và bí mật đời tư của công dân.

- Nhà báo được thực hiện nghiệp vụ tại các đại hội, hội nghị và các buổi lễ, hoạt động lễ tân; được lấy tin, chụp ảnh, quay phim, ghi âm tại các phiên tòa xét xử công khai, được phỏng vấn các người liên quan.

- Khi liên hệ đến các cơ quan, tổ chức, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Nơi đó không được đòi hỏi thêm giấy tờ nào khác…

Quyền lấy tin và được thông tin ảnh 1

Các nhà báo đang tác nghiệp tại TAND TP.HCM. Ảnh: HTD

Thực tế vẫn còn khó khăn, cản trở

Lấy tin là cơ sở quyết định chất lượng thông tin. Dù được pháp luật bảo hộ, song hiện nay công việc này vẫn còn một số trở ngại cần sớm khắc phục. Đơn cử như Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí đã được ban hành ngày 28-5-2007. Theo đó, các cơ quan hành chính nhà nước phải cử người phát ngôn và cung cấp những thông tin (đột xuất và định kỳ) thuộc lĩnh vực, thẩm quyền mình phụ trách cho báo chí theo quy định.

Cũng tại quy chế này, Thủ tướng nói rõ người phát ngôn là chính thủ trưởng cơ quan (hãn hữu mới ủy quyền người khác và nêu rõ các tiêu chuẩn của người phát ngôn). Bốn năm sau, tại hội nghị báo chí toàn quốc (tháng 5-2011), Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn đã chính thức kiến nghị: “Cho phép tổng kết Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí để sửa đổi, bổ sung phù hợp, bảo đảm cho báo chí được cung cấp đầy đủ các thông tin chính xác, chính thống”.

Quyền lấy tin và được thông tin ảnh 2
Lý do của kiến nghị này, theo một cán bộ chức năng thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, do thực tế một số cơ quan cử người phát ngôn chưa phù hợp, không hiểu rõ về ngành, lĩnh vực quản lý nên khi đối thoại với báo chí có sự lúng túng. Ngoài ra tình trạng thiếu chủ động (của cơ quan nhà nước) trong cung cấp thông tin trước những vấn đề đột xuất cũng chưa được giải quyết tốt.

Đặc biệt, việc né tránh cung cấp thông tin cho báo chí vẫn còn diễn ra. Người chuyên trách am hiểu vấn đề có lý do để né tránh cung cấp thông tin và đẩy lên cho “người phát ngôn”. Trong khi đó, báo chí lúc nào cũng cần có những thông tin chính xác, kịp thời.

Một số quy định pháp lý chưa được bổ sung, hoàn thiện khiến hoạt động tác nghiệp của nhà báo còn gặp khó khăn, vướng mắc. Chẳng hạn vấn đề chụp ảnh tại tòa. Từ đó dẫn tới một số trường hợp, giữa chốn công đường, dù pháp luật đã quy định rõ, một số người có trách nhiệm vẫn ngang nhiên ngăn cấm nhà báo chụp ảnh, ghi âm, ghi hình.

Một chuyện tưởng như nhỏ nhưng cũng ảnh hưởng đến quyền lấy tin của nhà báo: Có nơi nhà báo đến làm việc xuất trình thẻ nhà báo vẫn bị đòi có thêm giấy này giấy kia…

Biện pháp bảo vệ nhà báo chưa đủ nghiêm

Ngày càng xảy ra nhiều vụ nhà báo bị trả thù, đe dọa, uy hiếp, đánh giết. Nghề báo là một nghề nguy hiểm song pháp luật chưa có quy chế đặc thù bảo vệ việc hành nghề của nhà báo.

Lâu nay hành vi cản trở nhà báo trong tác nghiệp (như xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo khi đang hoạt động nghiệp vụ đúng pháp luật; cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp; đe dọa, uy hiếp tính mạng nhà báo; hủy hoại, cố ý làm hư hỏng hoặc thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo); vi phạm quy định về cung cấp thông tin cho báo chí (như cản trở hoặc không cung cấp thông tin cho nhà báo) dù đã có quy định xử lý nhưng thực tế ít khi được thực hiện. Những hành vi vi phạm nghiêm trọng lại càng ít khi bị truy cứu trách nhiệm hình sự!

Đó là một thực tế đáng lo ngại. Báo chí chỉ có thể thực hiện tốt chức năng đáp ứng quyền được thông tin của công dân khi quyền lấy tin và được thông tin được bảo đảm bằng các quy định pháp luật ngày càng hoàn thiện và được thực thi nghiêm túc, kịp thời.

Hiểu sai về quy chế phát ngôn

Nhiều người, nhiều nơi cứ nghĩ đã cử người phát ngôn thì mọi việc phát ngôn, từ thông báo tình hình chung theo định kỳ đến thông tin về các sự kiện đột xuất, các diễn biến nóng trong lĩnh vực quản lý của cơ quan, kể cả thông tin việc xử lý, giải quyết các công việc, hồ sơ cụ thể, nhất nhất đều phải thông qua người phát ngôn.

Báo chí thường gặp phải “bức tường thông tin” khi người có trách nhiệm vin vào cách hiểu này đùn đẩy, né tránh trách nhiệm thông tin.

Thực tế cho thấy có những vụ việc, sự kiện, vấn đề mang tính chuyên biệt, chuyên sâu, người phát ngôn, phần lớn là chánh văn phòng khó có thể nắm cụ thể, đầy đủ thông tin như người trực tiếp giải quyết. Từ đó dẫn tới nghịch lý: Người được nói thì không rành rẽ để nói, để cung cấp thông tin cho báo chí. Còn người nắm rõ vụ việc, có đầy đủ thông tin thì lại không được nói.

Rõ ràng là không hợp lý, hiểu và thực hiện không đúng quy chế khi dồn chuyện phát ngôn, cung cấp thông tin vào một đầu mối duy nhất. Quy chế phát ngôn ra đời là để mở thêm kênh phát ngôn, cung cấp thông tin chứ không phải thu hẹp lại. Dù người có trách nhiệm ở Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông đã nhiều lần giải thích nhưng xem ra một số nơi vẫn chưa thông. Thậm chí ở một số bộ, ngành, sở, nhiều người vẫn còn ngại trao đổi với báo chí dù chỉ là để thể hiện ý kiến, quan điểm chuyên môn về một vấn đề nào đó, bởi “mình không phải là người phát ngôn, không được phát ngôn nếu thủ trưởng chưa cho phép”…

HC

Quyền lấy tin và được thông tin ảnh 3

Chiều 27-1, khi tác nghiệp viết bài về những công nhân nghèo bị Tập đoàn Charm Vit, Hàn Quốc nợ tiền, hai phóng viên Sỹ Lực và Lê Hân của báo Nông Thôn Ngày Nay đã bị một nhân viên người Hàn Quốc (người chỉ tay) của tập đoàn này hành hung, cản trở (ảnh: CTV).

Quyền lấy tin và được thông tin ảnh 4

Ngày 30-5, PV Võ Thanh Mai của báo Nông Nghiệp Việt Nam thường trú tại Nghệ An đã bị chém nhiều nhát vào tay trái. Đáng nói là hung thủ rất táo tợn, ngang nhiên vào tận cây xăng để chém phóng viên trước mặt rất nhiều người.Phóng viên Mai đã phải vào bệnh viện điều trị (ảnh: CTV).

Quyền lấy tin và được thông tin ảnh 5

Sáng 14-6, trong khi đang tác nghiệp việc lấn chiếm hành lang đường sắt làm điểm kinh doanh vật liệu xây dựng tại ga Phú Diễn, huyện Từ Liêm, Hà Nội, phóng viên Phạm Hồng Phong, quay phim của kênh VTC 14, đã bị một người tên Thanh dùng lời lẽ lăng mạ và giằng máy quay (ảnh: CTV). Phóng viên Lê Duy Khánh thuộc chương trình truyền hình ATV của báo An Ninh Thủ Đô đã ghi lại hành động này. Phát hiện mình bị ghi hình, ông Thanh lao đến chửi bới, đấm vào mặt và bóp cổ phóng viên Khánh.

PV phải đi lòng vòng

Đi tìm hiểu khiếu nại của một bạn đọc ở xã T., huyện B., tỉnh Bình Dương, buổi sáng tôi đến UBND xã T. thì được nhân viên ủy ban tiếp và vào trình bày sự việc với chủ tịch xã. Một lúc sau, nhân viên này quay ra nói: “Chút nữa chủ tịch bận phải đi đám tang nên chủ tịch hẹn anh vào đầu giờ chiều”. Đầu giờ chiều, quay lại thì “chủ tịch xã đã đi họp ở trên huyện nên hẹn phóng viên bữa khác quay lại”. Tôi gọi điện thoại trực tiếp cho chủ tịch xã thì ông này nói đang bận họp và nói chờ khoảng nửa tiếng phó chủ tịch xã sẽ ra tiếp.

Ngồi chờ mỏi mòn gần 2 tiếng đồng hồ giữa không khí oi bức, tôi nhắc thì một nhân viên nam lấy máy điện thoại ra gọi cho phó chủ tịch xã, rồi nói vị phó chủ tịch này “bận đi công chuyện đột xuất nên hẹn phóng viên bữa khác quay lại”.

Mấy bữa sau, tôi liên hệ lại thì chủ tịch xã T. yêu cầu phải có giấy giới thiệu của huyện mới tiếp. Lòng vòng thêm một thời gian thì phóng viên mới nhận được lời giải thích cho chuyện khiếu nại của bạn đọc! Có vậy thôi mà sao khó khăn dữ vậy?

MINH HIẾU

Người phát ngôn “đi công tác”?

Ngay sau vụ chìm tàu du lịch nhà hàng Dìn Ký, ngày 25-5, đoàn kiểm tra của Bộ GTVT làm việc với Sở GTVT tỉnh Bình Dương cùng các ban, ngành liên quan.

Trước khi buổi làm việc diễn ra đã có trên 10 phóng viên các báo, đài có mặt tại Sở GTVT tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, chánh văn phòng sở này cho biết đây là cuộc họp nội bộ nên báo chí không được tham dự, đề nghị phóng viên chờ tại văn phòng, sau cuộc họp sẽ thông báo một số vấn đề. Nhưng khi cuộc họp kết thúc, ông này lại thông tin: “Giám đốc là người phát ngôn của Sở GTVT tỉnh Bình Dương nhưng ông ấy đã đi công tác ở Hà Nội rồi”.

Khi một phóng viên phát hiện ông giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Dương vừa mới tham gia buổi họp thì ông chánh văn phòng bèn “đính chính”: Ông giám đốc chuẩn bị đi Hà Nội, “3 giờ chiều mới bay” (?!).

M.PHONG

Né bằng… quy chế phát ngôn

Ở cấp quận, một số nơi chấp hành “quy chế phát ngôn” quá triệt để. Việc lớn nhỏ gì cũng “phải gặp,  phải xin phép người phát ngôn”. Thậm chí có lần khi tôi hỏi về chuyên môn trong ngành chứ không phải trường hợp cụ thể nào, một vị trưởng phòng ở quận X cũng né vì: “Lên báo là phải xin ý kiến của chủ tịch quận”.

Ấy là chưa kể lãnh đạo cao nhất cơ quan thường xuyên đi họp, muốn gặp họ đôi khi phải đăng ký trước cả tuần. Việc gì cũng có hai mặt. Khi nhà báo bị hạn chế thông tin, bị né trả lời từ nguồn chính thống thì buộc lòng họ phải lấy từ các nguồn khác. Nếu nội dung bài viết chưa được chính xác, đa chiều thì không chỉ nhà báo bị ảnh hưởng mà chính những cơ quan, cá nhân có trách nhiệm cũng bị ảnh hưởng. Khi ấy phải thấy đó là phần lỗi rất lớn của những người vin “quy chế phát ngôn” để né báo chí.

HÀ NGUYỄN

LS-TS PHAN ĐĂNG THANH - PHAN MAI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm