Quyền tiếp cận thông tin: Vẫn bị phiền hà!

Các quy định về quyền tiếp cận thông tin và quyền được thông tin của nước ta hiện nay được thể hiện rất nhiều trong các văn bản pháp lý như Hiến pháp, Pháp lệnh thực hiện dân chủ cơ sở ở xã, phường, thị trấn, Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Khiếu nại tố cáo, Luật Báo chí... Tuy nhiên, việc thực hiện quyền này của người dân hiện kém hiệu quả. Đó là ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu về quyền con người tại hội thảo “Quyền tiếp cận thông tin - Lý luận và thực tiễn ở Việt Nam” do Viện Nghiên cứu quyền con người tổ chức hôm qua (7-1) tại TP.HCM.

TS Ngô Đức Mạnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, cho rằng việc tổ chức thực hiện quyền được thông tin và tiếp cận thông tin tuy đã đạt được những bước tiến đáng kể nhưng “trong nhiều trường hợp, việc khai thác thông tin từ các cơ quan nhà nước vẫn bị phiền hà. Quyền làm chủ, quyền được thông tin của người dân có lúc, có nơi vẫn bị hạn chế, thậm chí bị vi phạm nghiêm trọng”.

Theo TS Cao Đức Thái, Chủ tịch Hội đồng khoa học của Viện Nghiên cứu quyền con người, quyền được thông tin của công dân hiện không được thực hiện sát sao. Chẳng hạn, thông tin quy hoạch còn rất mù mờ. Thậm chí những thông tin lẽ ra phải công khai nhưng người dân lại phải bỏ tiền ra mua mới có!

Đi vào từng khía cạnh của những quy định về quyền tiếp cận thông tin và được thông tin, một đại biểu khác cho rằng: “Các quy định của pháp luật còn chung chung. Chẳng hạn, quy định cụ thể trường hợp nào, loại thông tin gì gọi là “mật” không cụ thể hết nên cơ quan công quyền thường lạm dụng chữ “mật” để “ém” thông tin. Hay như Điều 2 Luật Phòng chống tham nhũng mới chỉ xác định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc công bố các văn bản chính thức. Như vậy, công dân sẽ hạn chế trong rất nhiều các thông tin về các quyết định, quy chế... ở dạng dự thảo.

Thạc sĩ Vũ Công Giao, Hội Luật gia Việt Nam, nhấn mạnh thêm: “Pháp luật nước ta hiện chưa có một quy định cụ thể nào về những vi phạm, biện pháp xử lý vi phạm đối với các cơ quan nhà nước vi phạm quy định về công khai thông tin cũng như hoạt động về cung cấp thông tin cho công chúng. Ngay cả trong quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí hiện nay, việc tổ chức hoạt động phát ngôn cũng chỉ mang tính định kỳ, theo một số vụ việc chứ không thường xuyên, bắt kịp với đời sống xã hội và nhu cầu thông tin của dân chúng”.

Điều cần thiết bây giờ là “Cần xây dựng một đạo luật riêng về tiếp cận thông tin. Vì việc chưa có một thiết chế chuyên trách đáp ứng các yêu cầu về thông tin của công chúng tất yếu sẽ dẫn tới sự luộm thuộm, thiếu chu đáo và chuyên nghiệp trong công tác này” - thạc sĩ Vũ Công Giao nhấn mạnh.

MINH CƯỜNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm