“Sao cho được lòng dân?”

Hai câu thơ này là của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc dõng dạc hỏi kẻ bắt mình khi ông bị chính quyền Tưởng Giới Thạch (Trung Quốc) tống giam năm 1942-1943. Đến khi trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945, lòng yêu nước yêu dân càng được ông chăm lo củng cố phát triển cho các đồng chí của mình, cho những người làm việc trong bộ máy chính quyền mới.

Kỷ niệm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh là thêm một lần nhớ tới bài học vì dân, vì nước ông để lại cho những người kế tục. Đây là tư tưởng xuyên suốt của người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam và nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây là niềm đau đáu lo nghĩ suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của ông. Đây là điều ông thường xuyên nhắc nhở các đảng viên, các đồng chí của mình. Ngay sau ngày cách mạng thành công, lập ra một nhà nước mới trên lãnh thổ Việt Nam, Hồ Chí Minh trong khi phải đương đầu với nhiều thách thức đối với sự sống còn của chế độ mới non trẻ nhưng ông vẫn không quên cảnh báo về những nguy cơ mất còn này ngay từ trong nội bộ đảng và chính quyền, ngay trong hàng ngũ những người cách mạng.

Ngay sau ngày đọc Tuyên ngôn Độc lập, Hồ Chí Minh ở cương vị Chủ tịch Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã có một tuyên bố rõ ràng cho các nhân viên bộ máy nhà nước: “Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi của dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh” (báo Cứu Quốc, số 46, 19-9-1945). Điều khẳng định này được ông nhắc lại nhiều lần trong các bài viết, bài nói của mình, tại nhiều cuộc gặp gỡ, trò chuyện với các “công bộc, đầy tớ” của dân. Chưa đầy một tháng sau bài viết chứa đựng tuyên bố này, Hồ Chí Minh đã có ngay một bài viết khác đặt ra câu hỏi “Sao cho được lòng dân?” để giáo dục cán bộ.

Sau khi nêu lên hiện tượng có một số ông chủ tịch, vị ủy viên các ủy ban địa phương bị dân ghét vì cậy thế cậy quyền, làm nhiều việc quá tệ, Hồ Chí Minh viết: “Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dầu khó đến đâu mặc lòng, những vấn đề quan hệ tới đời sống của dân. Phải chấp đơn, phải xử kiện cho dân mỗi khi người ta đem tới. Phải chăm lo việc cứu tế nạn nhân cho chu đáo, phải chú ý trừ nạn mù chữ cho dân. Nói tóm lại, hết thảy những việc có thể nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân phải được ta đặc biệt chú ý” (báo Cứu Quốc, số 65, 12-10-1945). Nói vậy mà vẫn chưa yên tâm nên chưa tới một tuần sau, Hồ Chí Minh lại có một thư gửi UBND các kỳ, tỉnh, huyện và làng, trong đó ông lại nhắc lại việc phải làm và phải tránh đối với dân, đồng thời chỉ ra những “lỗi lầm rất nặng nề” của các nhân viên bộ máy chính quyền, đó là: trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo (báo Cứu Quốc, số 69, 17-10-1945).

Tôi chỉ dẫn ra mấy đoạn viết của Hồ Chí Minh liên tiếp trong gần một tháng ngay sau ngày thành lập nước để thấy ông lo sợ nhất là những người cách mạng khi có chính quyền trở thành “quan cách mạng” làm hại dân hại nước. Những lời này ngót 70 năm trước vẫn còn thời sự cấp bách cho hiện nay. Học tập tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh không phải là nói những cái gì cao xa chung chung mà là phải thấm nhuần thành hành động cụ thể nỗi lo cho nước cho dân.

“Sao cho được lòng dân?” - đó là câu hỏi của Hồ Chí Minh. Một câu hỏi lớn mang tầm vóc tư tưởng lớn và tình cảm lớn của ông. Một câu hỏi mà một chính quyền muốn thực sự là của dân, do dân, vì dân phải thường trực đối diện và trả lời.

PHẠM XUÂN NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm