Sáu giải pháp xử lý nợ công của Thủ tướng

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng 

Thủ tướng cho hay Chính phủ đã trả nợ đầy đủ, đúng hạn, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý nợ công đã tăng sát trần cho phép (không quá 65% GDP), áp lực trả nợ lớn trong ngắn hạn. “Thực trạng này gây lo lắng, bức xúc trong xã hội. Nếu chủ quan, buông lỏng, không tiếp tục chủ động kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả sẽ gây mất an toàn tài chính quốc gia và ổn định kinh tế vĩ mô” - Thủ tướng cảnh báo và đưa ra sáu giải pháp về nợ công.

Một là quản lý chặt chẽ nợ công, nhất là các khoản vay mới, bảo đảm theo đúng quy định và trong giới hạn cho phép. Phấn đấu đến năm 2020 nợ công giảm còn khoảng 60,2% GDP, nợ Chính phủ khoảng 46,6% GDP (quy định là không quá 55% GDP). Tỉ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách nhà nước khoảng 20% (quy định là không quá 25%). Đồng thời kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ khác.

Hai là nợ công chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển, xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế-xã hội quan trọng, thiết yếu theo quy hoạch. Rà soát, phê duyệt chặt chẽ danh mục sử dụng vốn vay của Chính phủ, vốn vay được Chính phủ bảo lãnh và vốn vay của chính quyền địa phương. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, bảo đảm hiệu quả đầu tư… Chủ động ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

Ba là khẩn trương cơ cấu lại nợ công, giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn và chi phí vay vốn. Các khoản vay mới, kể cả vay để đảo nợ chủ yếu phải có kỳ hạn từ năm năm trở lên. Tăng tính thanh khoản của thị trường trái phiếu chính phủ; kiểm soát chặt chẽ việc trả nợ đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh và thu đủ nợ đối với các khoản Chính phủ vay về cho vay lại. Bố trí nguồn từ ngân sách nhà nước trong giới hạn quy định và sử dụng quỹ tích lũy trả nợ để bảo đảm trả nợ đúng hạn.

Bốn là nợ nước ngoài của quốc gia đến cuối năm 2014 khoảng 39,9% GDP và dự kiến đến năm 2020 khoảng 46% GDP (quy định là không quá 50% GDP). Chính phủ sẽ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tăng cường quản lý việc vay ngắn hạn của các tổ chức tín dụng để từ năm 2015 bảo đảm tỉ lệ nghĩa vụ trả nợ này trong giới hạn quy định (dưới 25% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa dịch vụ hằng năm).

Năm là từng bước chủ động điều chỉnh cơ cấu thu chi ngân sách nhà nước theo hướng lành mạnh hơn, tập trung tăng tỉ trọng thu nội địa, triệt để tiết kiệm và giảm tỉ trọng chi thường xuyên, tăng tỉ trọng chi đầu tư và bố trí đủ nguồn trả nợ. Phấn đấu đến năm 2020 tỉ trọng thu nội địa chiếm khoảng 80% tổng thu; tỉ trọng chi đầu tư khoảng 25%-30%, chi thường xuyên khoảng 50%-55%, chi trả nợ khoảng 20% trong tổng chi ngân sách nhà nước và bội chi khoảng 4% GDP.

Sáu là rà soát, hoàn thiện thể chế, sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công, Chiến lược quản lý nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia, Chương trình quản lý nợ công trung hạn. Cùng đó, bảo đảm quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả nợ công, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

Không dùng ngân sách để xử lý nợ xấu

Về vấn đề giải quyết nợ xấu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho hay Chính phủ sẽ phấn đấu đến cuối năm 2015 đưa tỉ lệ nợ xấu xuống còn khoảng 3%, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Để thực hiện được mục tiêu này, Thủ tướng khẳng định không dùng ngân sách để xử lý nợ xấu và đưa ra sáu giải pháp về xử lý nợ xấu, trong đó có việc phát triển mạnh thị trường mua bán nợ. Điều này sẽ khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước mua bán nợ xấu và tài sản bảo đảm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm