Sở Tư pháp TP.HCM: Đẩy mạnh cải cách thủ tục để thuận tiện cho dân

Trong năm 2013, Sở Tư pháp TP.HCM đã có nhiều cải cách tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi đi làm thủ tục, ví dụ mô hình “3 trong 1” trong lĩnh vực hộ tịch-hộ khẩu-BHYT; cấp phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) số 2 qua đường bưu điện… Đây cũng là đơn vị cấp Sở duy nhất hai năm liền xếp hạng xuất sắc và nhận cờ thi đua của Bộ Tư pháp. Trước thềm hội nghị tổng kết ngành tư pháp TP (khai mạc hôm nay 10-1), Pháp Luật TP.HCM trao đổi với bà Ung Thị Xuân Hương, Giám đốc Sở Tư pháp TP, về những cải cách nhỏ mang ý nghĩa lớn ấy.

Cán bộ chịu vất vả thay dân

. Phóng viên:Bộ Tư pháp nhận định mô hình một cửa liên thông trong lĩnh vực hộ tịch-hộ khẩu-BHYT cho trẻ dưới sáu tuổi được TP.HCM và một số tỉnh thực hiện đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và cần nhân rộng. Đến nay, thủ tục hành chính trong lĩnh vực này đã thực sự liên thông hay chưa, thưa bà?

+ Bà Ung Thị Xuân Hương: Thực hiện chủ trương cải cách hành chính, trong đó có thực hiện một cửa liên thông, Sở đã nghiên cứu và trình UBND TP ban hành quy chế liên thông để giải quyết đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú/tạm trú; cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới sáu tuổi; đăng ký khai tử, đăng ký xóa thường trú/tạm trú (gọi tắt là mô hình 3 trong 1). Trước đây nếu người dân đi làm các thủ tục trên thì sẽ mất 26 ngày, giờ thì rút ngắn chỉ còn 11 ngày thôi. Như vậy vừa tiết kiệm thời gian vừa tiết kiệm công sức cho dân. Đến nay thì các cơ quan đã thực hiện rất chặt chẽ việc này.

Có một cái khó là trong tình hình hiện nay, khi chưa liên thông hoàn toàn bằng công nghệ thông tin được thì cán bộ tư pháp rất vất vả. Nhưng chúng tôi kiên quyết làm, vì nếu nói cán bộ tư pháp vất vả, vậy dân không vất vả à? Anh cán bộ gom một lần đi 10 hồ sơ sẽ tiện hơn là 10 người dân ôm 10 hồ sơ chạy đi chứ. Một người cán bộ cực còn hơn 10 người dân phải cực. Tất nhiên, về lâu dài, muốn đỡ mất công sức nhiều thì phải liên thông bằng phần mềm công nghệ thông tin. Hiện nay tuy nói là liên thông nhưng ở nhiều khâu cán bộ vẫn phải ôm hồ sơ đi, như vậy cũng mới chỉ giải quyết một phần, chưa triệt để.

Sở Tư pháp TP.HCM là đơn vị cấp sở duy nhất hai năm liền xếp hạng xuất sắc và nhận cờ thi đua của Bộ Tư pháp. Trong ảnh: Giám đốc Sở Tư pháp Ung Thị Xuân Hương nhận cờ thi đua do Bộ trưởng Hà Hùng Cường trao tặng. Ảnh: NGUYỄN TRUNG

Gỡ vướng về cấp phiếu lý lịch tư pháp

. Năm qua, Sở cũng có đổi mới là cấp phiếu LLTP số 2 cho người Việt Nam định cư, học tập ở nước ngoài qua đường bưu điện. Người dân có hưởng ứng với cách làm này không?

+ Trong năm vừa rồi, Sở thực hiện hai việc mới rất được người dân ủng hộ: Phát chuyển kết quả qua dịch vụ bưu điện cho người dân và giải quyết ách tắc trong việc cấp phiếu lý LLTP số 2.

Nhu cầu xin cấp phiếu lý LLTP số 2 chủ yếu rơi vào các du học sinh. Theo luật, muốn được cấp phiếu này thì các du học sinh phải về nước trực tiếp đi làm thủ tục. Đang học mà phải về nước để làm thủ tục thì gây nhiều phiền hà cho dân quá. Chúng tôi đề xuất với UBND TP tháo gỡ bằng cách cho cấp phiếu lý LLTP số 2 đối với người Việt Nam đang định cư, học tập ở nước ngoài qua đường bưu điện. Người dân ngồi trên máy tải hồ sơ về, điền vào (ghi tên và địa chỉ người thân ở Việt Nam để chúng tôi liên hệ đóng phí) và gửi về cho chúng tôi. Sau khi có kết quả, chúng tôi gửi trả kết quả qua đường bưu điện, đảm bảo bí mật. Người dân rất phấn khởi. Đến nay, TP.HCM là địa phương duy nhất đã gỡ được điểm vướng trên.

. Nhưng trong việc cấp phiếu LLTP nói chung, người dân vẫn kêu ca là còn chậm, thưa bà?

+ Theo luật quy định, thời hạn trả kết quả trong nước là 10 ngày, nếu ở nhiều nơi qua nhiều tỉnh, thành thì 15 ngày. Nếu cá nhân đang sinh sống ở nước ngoài hoặc có hồ sơ phức tạp thì 20 ngày. Thực tế cho thấy đối với người dân từ 14 tuổi trở lên chỉ sống tại TP.HCM thì chúng tôi cấp đúng thời hạn gần 100%, trừ trường hợp có án tích phải xác minh lâu hơn. Với những người 14 tuổi trở lên sống qua nhiều tỉnh, thành khác nhau hoặc có thời gian ở nước ngoài thì gần như 100% trường hợp là bị cấp quá hạn.

Có nhiều trường hợp dân bức xúc: “Luật quy định vậy, mấy anh làm không xong là sao?”. Họ yêu cầu phải cho biết bao giờ thì có nhưng chúng tôi cũng không thể trả lời được. Vì ngay cả công an TP là đơn vị đi xác minh để làm phiếu LLTP cũng không biết bao giờ xong, bởi họ cũng phải phụ thuộc vào công an các tỉnh nơi người đó từng sinh sống. Đây là khó khăn lớn nhất của chúng tôi.

Chúng tôi đề nghị Bộ Công an có cách khắc phục sớm, chẳng hạn xây dựng dữ liệu công nghệ thông tin để đẩy nhanh quá trình xác minh. Nếu có cơ sở dữ liệu tốt thì chỉ cần năm ngày cũng đã xong rồi. Chúng tôi rất mong người dân chia sẻ thông cảm trong điều kiện hiện nay như vậy.

Rà soát để đơn giản thủ tục

. Trong năm 2014, Sở có kế hoạch gì để tiếp tục có những đổi mới mang lại hiệu quả cao như vừa qua, thưa bà?

+ Năm 2014, Bộ Tư pháp xác định là năm “thể chế”, chúng tôi cũng tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính hơn nữa. Cụ thể, với những thủ tục hộ tịch không cần trực tiếp đến Sở làm thì chúng tôi sẽ tạo điều kiện cho người dân làm thủ tục hộ tịch ở các điểm bưu điện. Kết quả nhận tại nhà hay bưu điện do người dân chọn. Hiện nay có những quận có đến ba điểm bưu điện, rất thuận tiện cho dân. Từ đó, chúng tôi cũng tiến tới làm luôn bản sao hộ tịch qua đường này.

Chúng tôi cũng rà soát để đơn giản hóa hơn nữa các thủ tục hành chính ở các lĩnh vực khác để tiện lợi cho người dân.

. Xin cảm ơn bà.

THANH MẬN thực hiện

Sở Tư pháp TP.HCM hai năm liền xuất sắc

Ngày 9-1, Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp 2014 đã bế mạc sau hai ngày làm việc. Thay mặt lãnh đạo Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền đã phát động phong trào thi đua năm 2014 với chủ đề: “Toàn ngành tư pháp đồng thuận, vượt khó, thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao”.

Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng Nguyễn Bá Yên nhận định năm 2013 công tác lãnh đạo, chỉ đạo phong trào thi đua của ngành đã có bước đổi mới, đi vào chiều sâu. Lần đầu tiên, bộ trưởng đã ban hành kế hoạch riêng để chỉ đạo phong trào thi đua; đồng thời, đề ra các giải pháp để đẩy mạnh và đổi mới công tác thi đua, khen thưởng nhằm thúc đẩy việc hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Những đơn vị đi đầu trong phong trào thi đua năm 2013 là Văn phòng Bộ, Trường ĐH Luật Hà Nội, báo Pháp Luật Việt Nam, Vụ Tổ chức cán bộ và Cục Công tác phía Nam. Sở Tư pháp TP.HCM là đơn vị cấp Sở duy nhất hai năm liền xếp hạng xuất sắc và nhận cờ thi đua của Bộ Tư pháp. Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Ung Thị Xuân Hương cũng vinh dự nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua của ngành.

Thừa phát lại không phải là đi đòi nợ thuê

Tại buổi làm việc giữa lãnh đạo Bộ Tư pháp với các tỉnh, thành nơi thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại (TPL) chiều 9-1, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính, thành viên Ban chỉ đạo thí điểm TPL, cho biết TPL là người được bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm theo tiêu chuẩn rất chặt chẽ, không phải là một cán bộ tự do. Nếu chúng ta không thoát được cái này thì rất khó chia sẻ. “Trình tự thủ tục TPL làm hết sức chặt chẽ. Có nơi vẫn hiểu TPL là đi đòi nợ thuê là rất không ổn. Khi TPL tổ chức thí điểm thì chắc chắn sẽ có mâu thuẫn với hệ thống pháp luật, sẽ có nhiều khó khăn. Do vậy, về phía Nhà nước, cần có thái độ hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện, chấp nhận có sự vênh với hệ thống pháp luật hiện hành” - ông Chính nói.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định TPL, cho biết trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chế định TPL. Bộ trưởng đề nghị từ nay đến trước tết Nguyên đán, 12 tỉnh, thành thí điểm phải thực hiện tối đa kế hoạch trong đề án đã phê duyệt, ít nhất phải thành lập được một văn phòng TPL.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm