Sửa đổi Hiến pháp 1992: Kiểm soát quyền lực, tăng dân chủ trực tiếp

Những người nắm giữ quyền lực nhà nước thường có xu hướng lạm dụng quyền lực. Vì thế, cần phải thiết lập một cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước để chống lại sự lạm dụng này. Đây là một trong những nội dung được nhiều đại biểu nêu ra tại hai hội thảo cùng bàn về việc sửa đổi Hiến pháp 1992, một do MTTQ VN tổ chức và một do Văn phòng QH tổ chức vào ngày 7-12.

Thiết lập cơ chế bảo hiến

Theo ông Vũ Đức Khiển, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, cần phải có cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước để bảo đảm được quyền lực nhà nước là thống nhất, tránh được tình trạng vượt quyền, lạm quyền và bảo đảm cho bộ máy nhà nước hoạt động nhịp nhàng, đồng bộ.

TS Ngô Huy Đức và TS Lưu Văn Quảng (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng để tạo ra cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước thì cần thiết lập một cơ chế bảo hiến và các cơ quan tư pháp phải có vị thế độc lập. Đồng tình, GS-TS Trần Ngọc Đường, Chuyên viên cao cấp Văn phòng QH, cũng phân tích ngoài việc các nhánh quyền lực kiểm soát lẫn nhau thì phải thiết lập cơ chế kiểm soát quyền lực có tính độc lập tương đối. Từ đó, có thể hình thành cơ chế tòa án hiến pháp hay hội đồng bảo hiến.

“Đại hội Đảng lần thứ X đã đề cập tới việc phải thiết lập một cơ chế để kiểm soát việc tuân theo hiến pháp của ba cơ quan hành pháp, lập pháp, tư pháp, tức là “bật đèn xanh” cho chúng ta xây dựng một cơ chế để kiểm soát hoạt động hợp hiến của ba nhánh quyền lực. Nên chăng lần sửa đổi hiến pháp này có thể xây dựng một thiết chế như thế” - ông Đường bày tỏ.

Sửa đổi Hiến pháp 1992: Kiểm soát quyền lực, tăng dân chủ trực tiếp ảnh 1

Các đại biểu dự hội thảo do Văn phòng QH tổ chức. Ảnh : TTXVN

Mở rộng dân chủ trực tiếp

Theo GS Trần Ngọc Đường, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân là nguyên tắc đã được quy định trong các bản hiến pháp của nước ta. Điều đó có nghĩa là nhân dân không trao toàn bộ quyền lực của mình cho một cơ quan mà trao cho ba cơ quan khác nhau và nhân dân là chủ thể phân công quyền lực nhà nước. “Công cụ để nhân dân giao quyền, ủy quyền, đó là thực hành quyền lập hiến. Bằng việc thực thi quyền này, nhân dân ủy thác quyền lập pháp cho QH, quyền hành pháp cho Chính phủ và quyền tư pháp cho tòa án” - GS Đường phân tích.

Tuy nhiên, theo ông Đường, Hiến pháp 1992 quy định QH là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp là không thống nhất với nguyên tắc “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” quy định ở Điều 2. “Phải chuyển quyền lập hiến về cho nhân dân. Khi đó, chủ thể phân công quyền lực nhà nước là nhân dân chứ không phải QH” - ông Đường đề nghị.

Ông Vũ Đức Khiển cho rằng cần có hình thức dân chủ trực tiếp để khẳng định nhân dân không trao hết quyền lực nhà nước của mình cho cơ quan đại diện. “Đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 6 Hiến pháp 1992 một số nội dung mới như: Nhân dân quyết định những vấn đề đặc biệt quan trọng của đất nước bằng việc bỏ phiếu thể hiện ý chí của mình trong các cuộc trưng cầu ý dân. Đối với những vấn đề đặc biệt quan trọng của đất nước phải trưng cầu ý dân và quy trình, thủ tục tổ chức thực hiện cuộc trưng cầu ý dân do luật định” - ông Khiển nói.

Ông Lù Văn Que, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn về dân tộc của MTTQ VN, cũng phân tích: Hiện nay nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước bằng hai hình thức: dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện (thông qua QH và HĐND các cấp). Tuy nhiên, dân chủ trực tiếp mới chủ yếu thể hiện ở quyền bầu cử, ứng cử và như vậy là hạn chế. “Tôi đề nghị phải mở rộng thêm các hình thức dân chủ trực tiếp. Ví dụ phải trưng cầu ý dân, việc quan trọng do dân quyết định, dân phải được biểu tình, phải được trực tiếp đối thoại với quan chức nhà nước…” - vị này nhấn mạnh.

Sớm ban hành đạo luật về Đảng lãnh đạo

Hiến pháp 1992 đã xác lập chức năng lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội (tại Điều 4) nhưng chưa xác định nội dung phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, quyền hạn và trách nhiệm của các tổ chức Đảng trong quá trình lãnh đạo. Vì thế cần cụ thể hóa điều này, đồng thời sớm ban hành đạo luật quy định vấn đề Đảng lãnh đạo.

GS LÊ QUANG ĐẠT, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ pháp luật của Ủy ban Trung ương MTTQ VN

Không nên phân biệt tầng lớp, giai cấp

Điều 2 Hiến pháp hiện hành quy định: “[…] tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”. Quy định như vậy là chưa hợp lý. Bởi lẽ dân tộc thì tồn tại bền vững, lâu dài còn thành phần giai cấp có thể biến động. Hơn nữa hiện nay, nhiều chủ doanh nghiệp, chủ trang trại tạo việc làm cho nhiều lao động, đóng góp nhiều tiền của vào công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước nhưng họ lại không thuộc liên minh giữa giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức.

Theo tôi, để tạo sự đoàn kết, phát huy sức mạnh của dân tộc, Điều 2 của Hiến pháp nên sửa thành “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là khối đại đoàn kết toàn dân tộc với mục tiêu là xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp; chấp nhận những điểm khác nhau, không trái với lợi ích chung của dân tộc…”.

Ông VŨ ĐỨC KHIỂN,
nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH

THÀNH VĂN - ĐỨC MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm