Sửa Luật Báo chí: Cần quy định quyền miễn trừ cho nhà báo

“Sau 10 năm được thực hiện, Luật Báo chí hiện hành đã phát sinh nhiều lạc hậu, không còn phù hợp với xu hướng phát triển. Vì vậy, sửa đổi Luật Báo chí là vô cùng cần thiết”. Ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT), nhấn mạnh tại hội thảo Đánh giá thực hiện Luật Báo chí hiện hành và những kiến nghị, đề xuất cần sửa đổi, bổ sung tổ chức tại Thừa Thiên-Huế ngày 12-12.

Đáng lưu ý, dự kiến trong lần sửa đổi này, luật sẽ cho phép những tập đoàn kinh tế lớn có trên 50% vốn nhà nước có thể trở thành chủ quản báo chí.

Hiểu sai quy chế phát ngôn

Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là thực trạng báo chí đang rất khó tiếp cận thông tin. Thứ trưởng Bộ TTTT Đỗ Quý Doãn cho biết: “Luật Báo chí nêu rõ tổng biên tập có quyền yêu cầu các tổ chức, cá nhân trả lời những vấn đề báo chí nêu. Thực tế việc thực thi điều này lại rất hạn chế. Vì vậy mới phải ra quy chế người phát ngôn để tạo điều kiện cho báo chí nhưng nhiều cơ quan lại lợi dụng điều này”.

Sửa Luật Báo chí: Cần quy định quyền miễn trừ cho nhà báo ảnh 1

Nhà báo luôn cần những thông tin sốt dẻo để phục vụ bạn đọc. Trong ảnh: Các phóng viên đang tác nghiệp tại một phiên tòa. Ảnh: HTD

“Hiện có nhiều thông tin công chúng rất quan tâm và cần được công khai. Tuy nhiên, khi phóng viên đến tìm hiểu thông tin thì những người đứng đầu lại cứ khất lần. Nếu chúng tôi cứ đợi theo lịch hẹn của lãnh đạo thì thông tin đó đã trở thành lạc hậu, lạnh ngắt rồi!” - ông Lưu Vinh, Phó Tổng biên tập báo Công an Nhân dân, bức xúc.

Ông Vũ Mạnh Cường, Phó Tổng biên tập báo Lao Động, cũng dẫn chứng: “Ví như vấn đề của tiểu học thì làm sao ông chánh văn phòng (người phát ngôn) rõ bằng vụ trưởng Vụ Tiểu học? Mục đích của quy chế người phát ngôn là tốt nhưng hiện các bộ ngành quá vin vào quy chế này để làm khó báo chí. Cần quy định rõ chỉ những vấn đề khẩn cấp mới phải có người phát ngôn để quy đầu mối”.

Giải đáp những điều này, Thứ trưởng Doãn khẳng định: “Người phát ngôn là người được thay mặt cơ quan nhà nước để phát biểu những vấn đề của cơ quan với báo chí. Còn những thông tin bình thường thì mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền cung cấp theo tư cách cá nhân và chịu trách nhiệm về thông tin đó”.

Chế tài người không cung cấp thông tin      

Cơ chế nào khắc phục việc không cung cấp thông tin cho báo chí cũng được các đại biểu bàn sâu. Ông Lưu Vinh đề xuất cần phải luật hóa để chế tài trách nhiệm của những người từ chối, không chịu cung cấp thông tin cho báo chí. “Trách nhiệm trong luật phải ghi rõ để người làm báo không bị hạn chế trong tác nghiệp” - ông Nguyễn Quang Thông, Tổng biên tập báo Thanh Niên, đồng tình.

Ông Phan Lợi, Trưởng Văn phòng đại diện tại Hà Nội báo Pháp Luật TP.HCM,phân tích: Điều 7 Luật Báo chí đã quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cơ quan cung cấp thông tin cho báo chí. Nhưng trách nhiệm này lại không bị chế tài ở Nghị định 56 và dự thảo sửa đổi, từ đó nhiều người đã từ chối cung cấp thông tin hoặc có người cung cấp thông tin sai. “Có người nói đã có luật cán bộ, công chức điều chỉnh nhưng theo tôi, Luật Báo chí cũng phải có chế tài với hành vi này để có sự bình đẳng với báo chí” - đại diện báo Pháp Luật TP.HCM nói.

Được miễn trừ trách nhiệm

Ông Phạm Hiếu, Phó Tổng biên tập báo VNExpress, thắc mắc: “Điều 10 Luật Báo chí hiện hành quy định báo chí phải đưa tin đúng sự thật. Vậy khi đưa tin theo một người có trách nhiệm mà thông tin đó không đúng sự thật thì báo chí có bị xử lý hay không?”.

Ông Hiếu đưa ví dụ về vụ tranh cãi giữa tỉnh Quảng Ngãi và Trung tâm Khí tượng thủy văn trung ương cách đây hai tháng khi bão số 9 đổ bộ vào miền Trung. Tỉnh cho rằng trung tâm dự báo sai và báo chí đưa theo nguồn tin của trung tâm nên sai theo. Căn cứ thông tin đó, tỉnh đã không chuẩn bị phương án đáng kể để đối phó bão và hậu quả rất nặng nề. “Nếu theo đúng luật thì báo chí phải chịu trách nhiệm vì đã không thẩm định thông tin. Thế nhưng làm sao báo chí có thể thẩm định thông tin về dự báo bão được?” - ông Hiếu nói.

Ông Hiếu kiến nghị dự án luật sửa đổi cần quy định “quyền miễn trừ” trách nhiệm thông tin khi được cung cấp bởi nguồn chính thống. Đồng tình, đại diện báo Phụ nữ Thủ đô cho rằng nên quy định trường hợp báo chí được miễn trừ trách nhiệm về hành chính, hình sự và dân sự khi thông tin theo nguồn tin chính thống.

Nhiều điểm mới cần luật hóa

Theo ông Hiếu, Luật Báo chí hiện hành không có điều khoản nào quy định về cải chính trên báo điện tử. “Nhiều lúc chúng tôi đưa tin sai nhưng không biết phải cải chính theo hình thức nào: cải chính ngay trên chính thông tin mà mình đã đưa sai, tức là sửa lại bản tin ban đầu, hay là viết lại một bài khác? Nếu sửa lại bản tin đưa sai thì vi phạm tính nguyên bản của tác phẩm khi lưu chuyển, còn nếu viết lại thì giá trị của nó cũng không còn và người bị thiệt hại cũng sẽ không còn nhu cầu cải chính vì thời gian đã quá lâu. Dự luật sửa đổi nên có thêm quy định này” - ông Hiếu nói.

Cũng theo ông Hiếu, dự luật sửa đổi nên bổ sung quy định cụ thể về thời hiệu khởi kiện một tác phẩm báo chí. “Sau bốn năm chúng tôi nhận được khiếu nại của một người dân cho rằng báo chúng tôi đăng tin sai. Lúc này dữ liệu không còn lưu trữ nên không biết phải xử lý thế nào” - ông Hiếu dẫn chứng.

Ông Doãn kết luận những vấn đề trao đổi tại hội thảo này sẽ là cơ sở cho dự án Luật Báo chí sửa đổi tới.

Không thể đánh thuế như doanh nghiệp

Ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí, cho biết Luật Báo chí quy định rõ về khung nhuận bút, tuy nhiên vẫn có rất nhiều tờ báo, đặc biệt báo địa phương đã làm sai. Ví dụ, khung nhuận bút của tin theo hệ số từ một đến 10, theo đó tin thấp nhất là 65.000 đồng/tin nhưng thực tế có báo địa phương chỉ trả 23.000 đồng/tin.

Ngay cả vấn đề tài chính, việc đánh đồng các tờ báo đóng thuế giống nhau cũng không hợp lý. Cần phân định báo thương mại giải trí một mức thuế và báo thời sự chính trị mức thuế phải nhẹ hơn. Nhiều cơ quan báo chí cũng phản ánh không thể đánh thuế các tờ báo ngang với doanh nghiệp như hiện nay.

M.PHƯƠNG - N.LINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm