Sức khỏe nền kinh tế cần được “chữa trị” ngay

Bản kiến nghị gồm 10 điều, dài hơn 40 trang, được tổng hợp trên cơ sở các ý kiến tham luận của nhiều nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, đại biểu QH… đã nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận.

Sức khỏe nền kinh tế cần được “chữa trị” ngay ảnh 1
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN Cao Sĩ Kiêm, Ủy viên Ủy ban Kinh tế (ảnh), nhận định: 10 kiến nghị của Ủy ban Kinh tế như một thông điệp vẽ ra một bức tranh toàn cục về nền kinh tế VN. Qua đó cũng nêu lên những vấn đề mà Chính phủ phải xử lý trước mắt và lâu dài. Các kiến nghị này sẽ tư vấn Chính phủ đưa ra những giải pháp cụ thể trong các hoạch định chính sách kinh tế của mình trong thời gian tới.

Điểm mặt các khuyết tật

. Theo ông, 10 kiến nghị của Ủy ban Kinh tế khóa XII đã nói lên điều gì về nền kinh tế VN hiện nay?

+ Qua 10 kiến nghị này, chúng ta có thể thấy những vấn đề bức xúc nổi lên trước mắt cũng như lâu dài của nền kinh tế VN.

Những vấn đề trước mắt đang nổi lên làm hạn chế tăng trưởng, châm ngòi cho lạm phát và là yếu tố trong sức ép lạm phát. Cụ thể như vấn đề nhập siêu, cơ cấu xuất khẩu, hiệu quả đầu tư, chỉ số Icor, bội chi ngân sách cao, vấn đề dòng vốn vào các thị trường, những ách tắc trong thủ tục…

Nhóm thứ hai có tính chất dài hạn hơn và có yếu tố bền vững. Thí dụ như vấn đề xác định mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại cơ cấu kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ), chế biến trong nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ, chất lượng cao trong dịch vụ, rồi vấn đề hạ tầng, hệ thống thể chế…

Chia ra hai nhóm nhưng phải giải quyết đồng thời, cái này làm tiền đề cho cái kia. Chúng ta giải quyết vấn đề trước mắt như bội chi, giảm nhập siêu, nâng hiệu quả trong đầu tư… là những yếu tố để chúng ta giảm lạm phát. Nhưng nếu kiềm chế lạm phát tốt mà không có các giải pháp lâu dài thì sẽ có những yếu tố không bền vững chi phối lạm phát tiếp.

Sức khỏe nền kinh tế cần được “chữa trị” ngay ảnh 2

Khuyến khích xuất khẩu, giảm nhập siêu là những giải pháp kiềm chế lạm phát. Trong ảnh: Sản xuất, chế biến đồ gỗ xuất khẩu tại Khu công nghiệp Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: CTV

DNNN là trụ cột, DNTN là nền tảng

. Trong kiến nghị về đổi mới mô hình tăng trưởng, Ủy ban Kinh tế có đưa ra hai con số khiến ai cũng giật mình: Tăng trưởng GDP giai đoạn 2006-2010 đạt 35,1% nhưng lạm phát lại tăng đến gần 60%. Rõ ràng người dân không biết mức tăng trưởng đến đâu nhưng giá cả thì ngày càng đè nặng thêm?

+ Đây là một vấn đề lớn biểu hiện toàn bộ sức khỏe của nền kinh tế, của hệ thống ngân hàng và tính bền vững của nền kinh tế. Chúng ta cũng nhiều lần nhận định cân đối vĩ mô chưa đảm bảo, nguyên nhân gây lạm phát chưa giải quyết triệt để làm hạn chế tăng trưởng. Vấn đề nhập siêu, lập lại cán cân thương mại, giảm bội chi ngân sách hay nâng cao hiệu quả đầu tư… chưa giải quyết được. Với chỉ số Icor như vậy, trình độ cán bộ, thủ tục, cách quản lý, quản trị như vậy… thì không thể trong ngày một ngày hai chúng ta có thể nâng lên được ngay.

. Trong 10 kiến nghị của Ủy ban Kinh tế có đến hai kiến nghị đề cập tới doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Một là thay đổi chiến lược phát triển công nghiệp dựa chủ yếu vào khu vực kinh tế nhà nước, hai là tái cấu trúc khu vực DNNN. Ông bình luận gì về những kiến nghị này?

+ DNNN hiện nay cần phải sắp xếp lại, cổ phần hóa, trước hết phải là các tập đoàn. Bên cạnh đó phải củng cố, quan tâm, tạo điều kiện phát huy, khai thác kinh tế tư nhân và các DN vừa và nhỏ. Nếu như các tập đoàn, DNNN là trụ cột của nền kinh tế, là những yếu tố để phát triển bền vững thì DN vừa và nhỏ với số lượng rất đông, sử dụng lao động rất nhiều sẽ góp phần cho xóa đói giảm nghèo rất tốt. Vì vậy, khu vực tư nhân là nền tảng, yếu tố để cho trụ cột đó đứng vững và nó cũng là yếu tố để cho xã hội phát triển.

Trước hết phải kiềm chế được lạm phát

. Ủy ban Kinh tế cũng kiến nghị cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại, loại bỏ những ngân hàng yếu kém. Vì sao vậy, thưa ông?

+ Hệ thống ngân hàng thương mại vừa qua phát triển rất nhanh nhưng chất lượng dịch vụ và hoạt động, đội ngũ cán bộ và công nghệ chưa theo kịp. Đặc biệt là sức cạnh tranh so với khu vực, thế giới đang ở mức rất thấp. Hiện nay, có một số đơn vị khả năng thanh toán yếu, khả năng phát triển đáp ứng không được, nợ quá hạn tăng lên… Vì vậy chúng ta phải sắp xếp lại.

Sắp xếp lại nhằm hai mục đích. Trước hết là làm sao để chất lượng hoạt động, dịch vụ của các ngân hàng này được nâng lên hoặc khắc phục những tồn tại khiếm khuyết vừa qua. Đặc biệt là đối với những ngân hàng có thể gây ra những yếu tố mất an toàn cho cả hệ thống.

Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực hoạt động, nhất là công nghệ và trình độ quản trị, quản lý của các ngân hàng để có khả năng đáp ứng yêu cầu của đất nước, hội nhập với bên ngoài, tránh được những rủi ro không cần thiết.

. Trước các kiến nghị này, theo ông, Chính phủ phải thực hiện ra sao?

+ Trước hết Chính phủ phải kềm được lạm phát đã. Lạm phát gây ra đời sống khó khăn, làm tăng trưởng chậm lại, làm giảm lòng tin của người dân. Muốn chống lạm phát thì trước hết phải thực hiện các biện pháp của Nghị quyết 11 một cách đồng bộ, kịp thời và có sự phối hợp. Thứ hai là giải quyết hậu quả của việc thắt chặt tiền tệ vừa qua một cách hài hòa, đỡ phải rủi ro. Thứ ba là lập lại kỷ luật, kỷ cương trong điều hành. Thứ tư, giải quyết tình thế lạm phát nhưng phải gắn với các giải pháp lâu dài.

Đấy là bốn vấn đề cốt lõi mà chính phủ cần kiên trì thực hiện ngay trong năm nay và cũng để tạo tiền đề tốt cho những năm sau.

. Xin cảm ơn ông.

Một số kiến nghị của Ủy ban Kinh tế

- Để nền kinh tế phát triển bền vững trong trung và dài hạn, cần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô một cách vững chắc và coi đây là ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới;

- Đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững;

- Thay đổi chiến lược phát triển công nghiệp dựa chủ yếu vào khu vực kinh tế nhà nước mà không xét tới yếu tố lợi thế so sánh; tái cấu trúc khu vực DNNN; tạm dừng thành lập tập đoàn kinh tế nhà nước mang tính hành chính;

- Kiên quyết cắt giảm đầu tư công và tăng cường kỷ luật tài khóa để giảm thâm hụt ngân sách và ổn định nợ công;

- Trong trung và dài hạn, phát triển nông nghiệp, nông thôn cần được coi là chính sách ưu tiên trong các chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội tổng thể…

THU HẰNG thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm