Tăng GDP nhưng chất lượng cuộc sống chưa tăng

Sáng qua (4-12), kỳ họp thứ 12 HĐND TP (khóa VII) đã khai mạc. Phát biểu tại phiên khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: “HĐND TP cần bám sát ba vấn đề để thảo luận. Đó là: cải cách hành chính; phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, có hàm lượng khoa học công nghệ cao; nâng cao chất lượng sống của người dân. Từ đó có những giải pháp thiết yếu nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, xứng đáng là TP đi đầu của cả nước”.

Tại phiên thảo luận tổ vào chiều qua, các đại biểu đặc biệt quan tâm vấn đề: GDP của TP tăng cao nhất trong 10 năm qua nhưng chất lượng cuộc sống người dân có tăng?

Không thể chạy theo GDP bằng mọi giá

Theo Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Nguyễn Thành Tài, tất cả 14 chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2007 TP đều đạt và vượt kế hoạch. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) trên địa bàn TP năm 2007 tăng 12,6%, cao nhất trong vòng 10 năm qua.

Đại biểu Nguyễn Văn Minh nhận định: “GDP tăng nhưng đã ai tính xem chất lượng cuộc sống người dân có tăng? Với tình trạng kẹt xe, ngập nước, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm... kéo dài như hiện nay thì không thể nói chất lượng cuộc sống người dân TP tăng được”. Đại biểu Nguyễn Việt Dũng cũng đồng tình: “Nhìn vào mức tăng trưởng kinh tế của TP mừng đâu không thấy, chỉ nghe dân “rên”! Con số tăng trưởng kinh tế bao nhiêu, người dân đâu thể sờ, nhìn thấy được mà chỉ thấy trước mắt môi trường sống đang ngày càng đi xuống. TP cần đưa ra một chương trình tổng thể về hạ tầng cơ sở để giải quyết những búc xúc của dân”.

Đại biểu Võ Văn Sen bổ sung thêm: “Không thể vì chạy theo tăng trưởng GDP mà bỏ qua chất lượng cuộc sống người dân. Nói cách khác, không thể chạy theo chỉ tiêu phát triển kinh tế bằng mọi giá”. Đại biểu Lê Thượng Mãn đặt vấn đề: “Nhiều khu công nghiệp ô nhiễm kéo dài mấy năm trời mà vẫn tồn tại. chẳng lẽ chúng ta không có cách giải quyết? Tại sao nhiều bệnh viện lớn của TP mà không có hệ thống xử lý nước thải?’.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu (thứ ba từ trái sang) trao đổi với lãnh đạo TP. Ảnh: TT

Ở một khía cạnh khác, đại biểu Nguyễn Đăng Nghĩa tính toán: Mỗi năm, khoảng 150.000 tấn rau không an toàn được bán cho dân. “Chưa nói huyện Bình Chánh có tới 10/13 xã không có đủ nước sạch sinh hoạt thì làm sao có thể trồng rau an toàn? Việc này rất nguy hiểm đến vệ sinh an toàn thực phẩm cho người dân.”

Có tiếp tục “năm cải cách hành chính”?

UBND TP đề xuất thực hiện “Năm 2008 - Năm xây dựng nếp sống văn minh đô thị” nhằm xây dựng thành phố văn minh - sạch đẹp, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng quan hệ đối ngoại, thu hút đầu tư, phát triển du lịch, đồng thời góp phần xây dựng mô hình chính quyền đô thị.

Tuy nhiên, rất nhiều đại biểu đã không đồng tình với kế hoạch này. Theo đại biểu Võ Văn Sen, hai năm liên tục TP lấy chủ đề “cải cách hành chính” nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu, vẫn còn hiện tượng cán bộ “hành” dân... “Đề nghị tiếp tục chọn chủ đề “cải cách hành chính” cho năm 2008, chủ yếu tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, để khi TP bắt đầu áp dụng mô hình chính quyền đô thị mới đáp ứng được yêu cầu” - ông Sen đề xuất.

Đại biểu Nguyễn Việt Dũng phân tích: “Chưa có đánh giá, nhận xét qua hai năm cải cách hành chính, TP đã vội đề xuất năm 2008 là “năm xây dựng nếp sống văn minh đô thị” liệu có hợp lý? Trong khi đó, chúng ta xác định năm 2009 có thể sẽ áp dụng thí điểm mô hình chính quyền đô thị mà lại thực hiện cải cách gián đoạn dễ có tâm lý sao lãng trong cải cách hành chính”.

Dung hòa hơn, đại biểu Huỳnh Công Dũng cho rằng: “Tôi đồng tình với tinh thần năm 2008 là năm xây dựng nếp sống văn minh đô thị nhưng lại thấy băn khoăn về tiêu chí cũng như các giải pháp thực hiện. Văn minh đô thị sao được khi việc kiểm soát ô nhiễm môi trường của TP còn lỏng lẻo, làm sao có thể đảm bảo chỉ tiêu đưa ra là thu gom 100% rác thải rắn. Nói đâu xa, tại quận 8 là khu vực có nhiều kênh rạch, người dân ở đến đâu, rác thải sinh hoạt ngập đến đó. Chỉ mỗi việc nạo vét các kênh rạch trên địa bàn quận thôi mà hơn 32 năm qua không thực hiện được. Quản lý nhà nước đâu phải là phong trào mà năm này khẩu hiệu này, năm kia khẩu hiệu khác. Phải có sự thống nhất từ biện pháp đến tổ chức thực hiện. Nếu không, e rằng người dân sẽ bị “lờn thuốc”!”.

Hôm nay (5-12), HĐND TP dành cả ngày để chất vấn và trả lời chất vấn với sự tham gia của 12 sở ngành, UBND TP. Phiên chất vấn sẽ được truyền trực tiếp trên Đài truyền hình TP.HCM và Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM. Cử tri TP có thể chất vấn trực tiếp qua số điện thoại: 8248595 – 8274160 hoặc qua e-mail: gopyhdndtp@tphcm.gov.vn.

Xây dựng chính quyền đô thị:

Giúp TP chủ động trong các quyết sách

Bên lề kỳ họp HĐND TP.HCM, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Nguyễn Thành Tài - Phó Chủ tịch thường trực UBND TP về đề án chính quyền đô thị. Ông Tài cho biết TP vừa có tờ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét đề án này để trình Quốc hội có nghị quyết cho phép TP thực hiện thí điểm.

. Thưa ông, thực hiện đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị, bộ máy hành chính của TP sẽ được sắp xếp như thế nào?

Tăng GDP nhưng chất lượng cuộc sống chưa tăng ảnh 2+ So với lượng công việc hiện nay của TP thì bộ máy hiện tại chưa tương thích. Việc sắp xếp cụ thể như thế nào còn phải tính toán lại và chờ Chính phủ xem xét trình Quốc hội quyết. Theo tinh thần của đề án, bộ máy chính quyền sẽ được sắp xếp theo hướng quận, huyện, xã không còn HĐND. TP chỉ tập trung giải quyết những việc chung và lớn. Một số việc liên quan đến nhiều quận, huyện như điện, nước, làm đường, quy hoạch không thể mỗi quận mổi kiểu nên TP đề xuất tổ chức theo vùng, liên kết nhiều quận, huyện. Tuy nhiên, việc này trung ương chưa đồng ý nên trước mắt nếu thực hiện thí điểm vẫn giữ quận, huyện.

. Vì sao đề án chính quyền đô thị phải thực hiện song song với đề án thành lập công ty đầu tư tài chính nhà nước TP, thưa ông?

+ Thử hình dung trong một gia đình, muốn nuôi con cái học hành tốt cần phải có một nguồn kinh phí tự chủ chứ phụ thuộc vào người khác, phải xin từng đồng thì sao nuôi con ăn học được. Chính quyền đô thị sẽ tạo thêm sự phân cấp từ trung ương về cho TP, giúp TP chủ động hơn trong các quyết sách, kể cả vấn đề tổ chức.

Mô hình chính quyền đô thị kèm với việc cho phép TP thành lập một công ty tài chính được quyền tự chủ thu chi. TP sẽ được quyền huy động vốn, hợp vốn, quyết định đầu tư. Cầu Thủ Thiêm là một ví dụ. TP tự tổ chức thiết kế rồi mời các nhà tư vấn nước ngoài để giám sát, thi công. Như vậy chỉ tốn 50% thời gian thực hiện. Nếu TP cứ phải tích tắc điều tiết trong khuôn khổ 26% ngân sách được giữ lại thì khó lắm.

. Xin cảm ơn ông.

THU HẰNG

T.MẠNH-T. HẰNG-N.HÀ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm