Tăng lương, giảm học phí...

Sửa quy định bất hợp lý

“Cả ba đối tượng chính tham gia bảo hiểm đều kêu: bảo hiểm xã hội kêu, người mua bảo hiểm kêu, cơ sở khám chữa bệnh theo bảo hiểm cũng kêu... Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị đã nêu là tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân vào năm 2010 nhưng với cơ chế hiện nay thì rất khó thực hiện được” - Bí thư Trung ương Đoàn Võ Văn Thưởng nói về sự bất hợp lý của bảo hiểm y tế tự nguyện.

Trước đó, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Đặng Ngọc Tùng bức xúc: “Đến nay, trên 40% người lao động đáng lý ra được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng họ vẫn phải đứng ngoài lề. Bảo hiểm y tế cũng vậy, người dân TP.HCM đang than phiền rất nhiều. Thông tư 06 của Bộ Tài chính và Bộ Y tế quy định tăng gấp đôi mức mua bảo hiểm y tế nhưng phải 100% người trong gia đình mua và 10% hộ gia đình trong xã mua thì mới được. TP.HCM có 323 xã thì chỉ có 17 xã bán được bảo hiểm y tế tự nguyện cho dân, chỉ có 9.123 thẻ thôi. Với dân số tám triệu người, như vậy là chưa được 1% dân số của TP”. Ông Tùng kiến nghị Chính phủ phải sửa ngay Thông tư 06.

Lương “đuổi” giá hụt hơi

Giá cả leo thang làm người có thu nhập thấp “nghẹt thở”, đặc biệt là những người hưởng lương hưu. Đại biểu Nguyễn Tấn Tuân kể: “Đi tiếp xúc cử tri thì họ nói tại sao cán bộ, công chức được tăng lương rất nhanh nhưng người đang hưởng chính sách hưu thì tăng rất chậm và ít?”.

Hưu trí khó khăn, cán bộ không chuyên trách cấp cơ sở cũng đồng cảnh ngộ. Đại biểu Bùi Quang Bền cho hay: “Số cán bộ không chuyên trách ở cơ sở giữ nhiều vị trí quan trọng như trưởng ban tổ chức, trưởng ban tuyên giáo, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra, chánh văn phòng cấp ủy, phó các ngành đoàn thể... Họ không được hưởng lương, không được hưởng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội chỉ được hưởng chế độ phụ cấp ở mức rất thấp, không đủ nuôi sống bản thân mình”.

Cán bộ đã thế, đời sống công nhân còn cực hơn nhiều. Đại biểu Trần Ngọc Vinh dẫn dụ: “Thu nhập của công nhân nhất là công nhân trực tiếp sản xuất còn thấp: 17,8% thu nhập bình quân dưới 800.000 đồng/tháng, chỉ có 23,8% thu nhập trên 1,5 triệu đồng/tháng, đáng chú ý vẫn còn 13,3% công nhân thu nhập dưới 300.000 đồng/tháng. Nếu so với thời gian, cường độ làm việc của công nhân và sự tăng lên rất nhanh của giá cả hàng hóa, dịch vụ thì thu nhập của công nhân là rất thấp. Đời sống của một bộ phận công nhân đang gặp rất nhiều khó khăn”.

Nỗi lo giáo dục

Lo lắng trước xu hướng các trường đại học “mọc” lên khắp nơi, đại biểu Trần Tiến Cảnh cảnh báo: “Chính phủ nên có giải trình về việc thành lập khá nhiều trường đại học, cao đẳng ở các địa phương trong 10 năm vừa qua. Nên xem xét kỹ về đội ngũ nhà giáo giảng dạy ở các trường mới thành lập, cơ sở vật chất của nhà trường như thế nào, nếu không chúng ta sẽ trả giá về chất lượng đào tạo”.

Khác với quan điểm của Chính phủ là cần tăng học phí, đại biểu Nguyễn Tấn Tuân kiến nghị miễn giảm học phí ở các lớp cấp hai và cấp ba vì hiện nay đang tiến hành phổ cập THPT: “Nếu như không tiến hành các biện pháp để hỗ trợ cho các cháu gia đình nghèo, cận nghèo thì rõ ràng là các cháu bỏ học. Khi phải vận động các lớp phổ cập thì lại tốn kinh phí rất lớn”.

Trước hàng loạt vấn đề bức xúc mà các đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Tài chính VŨ VĂN NINH đã giải trình:

Tăng lương, giảm học phí... ảnh 1Miễn thêm nhiều khoản phí cho nông dân!

Do tác động của tăng giá nói chung và giá lương thực, thực phẩm nói riêng, chỉ có một bộ phận rất nhỏ nông dân có lợi nhưng đại bộ phận, phần lớn nhân dân liên quan đến đời sống cũng bị ảnh hưởng như các đại biểu đã nêu.

Giải pháp sắp tới là Chính phủ tiếp tục thực hiện quyết liệt, kiên quyết các biện pháp đã đề ra. Chúng tôi đã đề nghị việc này là giải pháp rất tổng thể và phải triển khai thực hiện ở các ngành, các cấp. Đề nghị các bộ ngành và địa phương đặc biệt quan tâm tới việc triển khai kiểm tra trên địa bàn về vấn đề giá cả...

Đối với công nhân và công chức, những người nghỉ hưu chính sách, nhà nước sẽ tích cực triển khai lộ trình điều chỉnh tiền lương.

Đối với nông dân, Chính phủ đã và đang cố gắng thực hiện các giải pháp:

Thứ nhất, tìm mọi cách để giảm đóng góp thông qua các chính sách, ví dụ như các khoản phí, lệ phí. Thứ hai, Chính phủ đã công bố bãi bỏ 340 loại lệ phí không nằm trong danh mục Pháp lệnh Phí, lệ phí của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã công bố. Tiếp tục yêu cầu địa phương nếu có các khoản phí, lệ phí nằm ngoài danh mục thì phải bãi bỏ ngay... Sắp tới đây, Chính phủ sẽ miễn thêm phí an ninh quốc phòng, phí phòng chống lụt bão, đã miễn cho nông dân lệ phí về giao dịch đảm bảo.

Đối với các khoản đóng góp bắt buộc, Chính phủ tiếp tục rà soát để bỏ hoặc miễn cho nông dân. Đối với các khoản tự nguyện, Chính phủ đề nghị trên tinh thần chỉ thực hiện theo đúng nguyên tắc tự nguyện, không giao chỉ tiêu từ cấp trên cho cấp dưới, cũng không quy định mức phải huy động đóng góp.

Đối với các dự án nhà nước đã đầu tư ở trên địa bàn, ví dụ điện, đường, trường, trạm thì từ nay trở đi nhà nước cam kết không yêu cầu nông dân đóng góp. Ngân sách nhà nước, ngân sách trung ương sẽ đảm bảo tăng vốn đối ứng cho các tỉnh không tự túc, không cân đối được ngân sách để đóng góp vào việc xây dựng các công trình này, không phải huy động từ dân.

LÊ KIÊN

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Quan hệ Việt Nam - Australia bước sang một chương mới

Quan hệ Việt Nam - Australia bước sang một chương mớiLENS

(PLO)- Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Australia Anthony Albanese thống nhất nâng cấp quan hệ Việt Nam-Australia lên Đối tác chiến lược toàn diện và trao đổi, nhất trí cùng phối hợp chặt chẽ để thực hiện sáu phương hướng lớn nhằm đưa hợp tác trên các lĩnh vực đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất hơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Campuchia Hun Manet

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Campuchia Hun Manet

(PLO)- Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Campuchia nhất trí nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư, đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế, nhất là kết nối giao thông, làm cơ sở và tạo động lực mới cho việc tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực khác.