CÁC NHÀ TÀI TRỢ:

Tạo chuyển biến thực tế trong chống tham nhũng

“Thành tích phát triển của Việt Nam từ trước đến nay và cam kết chính trị của Chính phủ về chống tham nhũng sẽ không tạo được tiến bộ lâu dài, nếu cam kết đó không đi kèm với hành động mạnh mẽ và theo dõi đánh giá. Các nhà tài trợ mong muốn rằng Luật Phòng chống tham nhũng được ban hành năm năm qua, giờ cần tạo được chuyển biến thực tế mà người dân cảm nhận được” - đại sứ Thụy Điển Stafan Herrstrom, đồng chủ trì cuộc đối thoại, nhấn mạnh.

Dịch vụ phi chính thức…

Đại sứ Thụy Điển Stafan Herrstrom cho biết theo kết quả nghiên cứu của các nhà tài trợ quốc tế, 86% hộ gia đình được khảo sát nói rằng cảm nhận thấy rõ ràng về tham nhũng trong đất đai. 33% doanh nghiệp nói phải có quà lót tay hoặc chi phí không chính thức khi xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Kết quả nghiên cứu này hoàn toàn ăn khớp với một nghiên cứu khác của Thanh tra Chính phủ được công bố tại buổi đối thoại. Tập trung phân tích vào hoạt động cấp và sang tên giấy đỏ, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Viện trưởng Viện Khoa học thanh tra, cho biết 84% số hộ gia đình trong cuộc nghiên cứu nói hồ sơ chuyển nhượng đất của họ có trục trặc; còn 27% cán bộ trực tiếp xử lý hồ sơ nhận xét dân không hiểu luật, 20% nói trục trặc do không đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc đất.

Phân tích sâu hơn thì thấy thủ tục gắn với gia sản ấy của người dân thực sự phức tạp bởi mới 17 năm thôi (từ năm 1993), nhà nước đã liên tục sửa luật, để lại năm loại hình, thủ tục giấy đỏ khác nhau. Đất đai thì quản lý lỏng lẻo, biến động nhiều mà không có giấy tờ chứng minh và phổ biến là mua bán ngầm.

Tạo chuyển biến thực tế trong chống tham nhũng ảnh 1

Đại diện các tổ chức quốc tế tham dự buổi đối thoại. Ảnh: TTXVN

Hậu quả là trước sự rắc rối, phức tạp của thủ tục và thực tế mảnh đất của mình, 46% hộ dân được hỏi lựa chọn dịch vụ trung gian để làm giấy đỏ.

… Tạo cơ hội tham nhũng

Cũng theo khảo sát này, 75,6% cán bộ địa chính nói rằng họ thích công việc này vì có thông tin nhanh về đất đai. Tiếp cận thông tin sớm, họ có thể là công bộc tận tụy, giúp dân vô vụ lợi. Nhưng thông tin có lúc lại là tiền và cán bộ ngoài công vụ ăn lương ngân sách, lại có thể “chân ngoài” kiếm thêm. Khảo sát cho thấy 7,9%-24,4% cán bộ địa chính nói họ có nhận môi giới một số việc như cung cấp thông tin mảnh đất, giải thích quy trình thủ tục, giới thiệu đến người có trách nhiệm… tới dịch vụ trọn gói, giúp kết quả nhanh, hay tư vấn thuế.

Thu nhập từ nguồn này có vẻ khá đáng kể với số cán bộ địa chính làm dịch vụ trung gian. Khảo sát ở 167 gia đình thuê dịch vụ làm thủ tục cấp mới giấy đỏ cho thấy 51% chọn dịch vụ của cán bộ địa chính hoặc bộ phận một cửa. Chi phí cho loại dịch vụ này tính trung bình (và cao nhất) là khá lớn so với chi phí luật định: 2,19 triệu đồng (10 triệu đồng) với dịch vụ hoàn thiện hồ sơ; 3,42 triệu đồng (15 triệu đồng) với nộp và theo dõi quá trình thụ lý hồ sơ và 8,9 triệu đồng (50 triệu đồng) với dịch vụ trọn gói…

Mặt trái của chính sách hai giá

Ở khía cạnh bao quát hơn, thảo luận bàn tròn do Ngân hàng Thế giới, Đại sứ quán Thụy Điển, Đại sứ quán Đan Mạch tổ chức trước cuộc đối thoại này chỉ ra những nguyên nhân khác khiến tham nhũng trong đất đai phổ biến. Đó là chế độ hai giá trong đất đai: khung giá nhà nước luôn thấp hơn giá thị trường, tạo chênh lệch địa tô khổng lồ cho người được chuyển giao đất.

Dẫn lại kết quả bàn tròn, ông James Anderson - chuyên gia Ngân hàng Thế giới cho rằng lợi ích ấy tạo ra nhiều nguy cơ tham nhũng trong toàn bộ quá trình thu hồi và giao đất: Nhà đầu tư vì lợi ích thương mại có thể can thiệp làm méo mó quy hoạch; các nhà đầu tư không có cơ hội đồng đều tiếp cận thông tin quy hoạch; cán bộ nhà nước có thể chủ quan xác định giá bồi thường trong các dự án công cộng; có cơ hội thao túng cho việc kê khai đất đai cũng như kế hoạch bồi thường.

Tìm giải pháp cho tệ nạn nhức nhối

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển cho biết sẽ sửa Luật Đất đai 2003 theo hướng kiên trì đưa đất đai vào vận hành theo cơ chế thị trường, thu hẹp và tiến tới chấm dứt chế độ hai giá. Trong khi đó, thảo luận bàn tròn nói trên gợi ý trước mắt nên giải quyết các nguyên nhân căn bản dẫn đến đặc lợi lớn như phổ biến hơn hình thức đấu giá đất và đấu giá dự án sử dụng đất. Tăng cường giải phóng mặt bằng thông qua thỏa thuận giá bồi thường, mở dịch vụ độc lập định giá đất, thay vì nghiêng về biện pháp cưỡng chế bằng lực lượng công quyền.

Thực tế hơn, nhóm khảo sát của Thanh tra Chính phủ cho rằng hiện tượng dịch vụ trung gian trong cấp giấy đỏ và làm thủ tục sang nhượng đất có mặt tích cực như tiết kiệm thời gian, công sức người dân, đỡ mất công tìm hiểu rừng thủ tục, không phải trực tiếp gặp cán bộ, chuẩn hóa hồ sơ giảm tải thẩm định cho chính quyền… Vì vậy nên công nhận và kiểm soát hoạt động của tổ chức dịch vụ, hạn chế dần khả năng “chân trong, chân ngoài” của cán bộ công quyền.

Khảo sát của Thanh tra Chính phủ thực hiện trên cơ sở phỏng vấn, phát phiếu điều tra xã hội học tới 540 hộ gia đình, 83 cán bộ địa chính, 73 “cò” dịch vụ tại ba địa phương có nhiều khiếu kiện về đất đai: Hà Nội, Vĩnh Phúc, TP.HCM.

Kinh nghiệm Đồ Sơn

Nguy cơ tham nhũng trong các dự án bất động sản rất lớn. Tuy nhiên, người chống tham nhũng lại thường xuyên đối mặt với hàng loạt khó khăn, thách thức. Tham dự thảo luận bàn tròn, ông Đinh Đình Phú - người có công đầu đưa vụ tham nhũng đất đai Đồ Sơn (Hải Phòng) ra pháp luật cho biết khi vụ việc xảy ra, các cửa hàng photocopy địa phương đều bị cấm in tờ rơi, tuyên truyền. Chính quyền, cấp ủy Đồ Sơn còn cho phát thanh trên loa công cộng vu cáo nhóm chống tham nhũng, đồng thời tìm mọi cách cản trở báo chí tham gia đưa tin.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm