Tàu Trung Quốc lại ngang ngược uy hiếp tàu cá Việt Nam

Chiều 1-6, Đại tá Nguyễn Trọng Huyền, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Phú Yên, cho biết lúc 10 giờ 5 phút cùng ngày, Trạm kiểm soát biên phòng Đà Rằng nhận được tin báo khẩn cấp từ ông Lê Văn Giúp, thuyền trưởng tàu cá PY-92305TS, báo cáo bốn tàu cá trong nhóm của ông bị ba tàu quân sự Trung Quốc tấn công.

Bảy phút tấn công bằng súng AK

Bốn tàu cá trong nhóm này đều là của ngư dân phường 6, TP Tuy Hòa (Phú Yên) gồm tàu PY-92305TS do ông Lê Văn Giúp làm thuyền trưởng cùng các tàu PY-92105TS, PY-92017TS, PY-92223TS. Trên mỗi tàu này có 10 ngư dân.

Theo nguồn tin báo trên, chiều 31-5, bốn tàu cá Việt Nam đang khai thác cá ngừ đại dương trên vùng cách đảo Đá Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam 15 hải lý về phía đông nam. Bất ngờ ba tàu quân sự của Trung Quốc có số hiệu 989, 27, 28 từ xa chạy đến với tốc độ rất nhanh. Sau một hồi áp sát, bao vây, ba tàu quân sự Trung Quốc dùng súng AK bắn liên tục vào các tàu cá Việt Nam. Riêng tàu của ông Giúp bị bắn với khoảng cách gần nhất, chỉ gần 40 m. Họ bắn sát vào mũi, thân tàu cá Việt Nam và bắn xuống biển, đường đạn đi rất gần. Sự việc diễn ra liên tục trong gần bảy phút. Sau đó, ba tàu quân sự Trung Quốc càng áp sát các tàu cá Việt Nam, liên tục quần đảo, chạy lướt trên biển để gây sóng lớn khiến các tàu cá Việt Nam phải vất vả giữ thăng bằng để khỏi bị chìm. Các ngư dân Việt Nam phải bẻ mạnh bánh lái mới không đâm trúng tàu Trung Quốc.

Qua điện đàm với bộ đội biên phòng, thuyền trưởng Lê Văn Giúp kể: “Sau cuộc tấn công uy hiếp trên, suốt chiều tối và đêm 31-5, ba tàu quân sự Trung Quốc liên tục áp sát, kìm kẹp bốn tàu cá của chúng tôi, có nhiều lúc họ còn chĩa nóng súng về phía tàu chúng tôi. Họ nói tiếng Trung Quốc nên chúng tôi không hiểu”.

Đại úy Nguyễn Ngọc Ry, Đội phó Đội Kiểm soát biên phòng Đà Rằng, cho biết dù bị tấn công, uy hiếp, cả bốn tàu cá Việt Nam nói trên vẫn tiếp tục đánh bắt ở ngư trường Trường Sa của Việt Nam.

Tàu Trung Quốc lại ngang ngược uy hiếp tàu cá Việt Nam ảnh 1

Đại úy Nguyễn Ngọc Ry, Đội phó Đội Kiểm soát Đà Rằng, điện đàm với các ngư dân. Ảnh: TẤN LỘC

Tàu Trung Quốc lại ngang ngược uy hiếp tàu cá Việt Nam ảnh 2

Khu vực mà tàu vũ trang Trung Quốc bắn vào tàu cá Việt Nam thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Dấu khoanh tròn (đỏ) là nơi ba tàu vũ trang Trung Quốc nổ súng. Ảnh: TẤN LỘC

Biên phòng bảo vệ ngư dân

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Đại tá Nguyễn Trọng Huyền khẳng định: “Vùng biển mà các tàu Trung Quốc nổ súng vào các tàu cá Việt Nam là vùng không có tranh chấp mà hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Chúng tôi đã báo cáo khẩn cấp sự việc này lên các cơ quan chức năng trung ương; đồng thời đề nghị có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn cấp thiết để bảo vệ ngư dân và chủ quyền biển đảo”.

Ngay trong ngày 1-6, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Phú Yên đã chỉ đạo các đồn biên phòng thông báo sự việc trên đến tất cả ngư dân đang đánh bắt trên biển để cảnh giác, chủ động ứng phó. Các đồn biên phòng thường xuyên giữ liên lạc với ngư dân, kịp thời hỗ trợ bà con xử lý các tình huống bất trắc, hướng dẫn bà con phương pháp đấu tranh để đảm bảo an toàn trong quá trình đánh bắt và bảo vệ chủ quyền của tổ quốc.

Chiều tối 1-6, nhiều người dân tập trung tại Trạm kiểm soát biên phòng Đà Rằng bày tỏ sự bất bình trước hành động trên. Ông Lưu Quang Vũ, chủ tàu PY-90117TS, bức xúc: “Trước đây tàu của tôi cũng đã nhiều lần bị các tàu cá và tàu quân sự Trung Quốc uy hiếp, xua đuổi khi chúng tôi đánh bắt ở gần đảo Đá Đông của Việt Nam. Chiều nay, tôi đã bảo các con mình liên lạc qua bộ đàm với các tàu đang đánh bắt ngoài biển để cùng bảo vệ nhau, quyết không bỏ ngư trường”.

Hai vụ việc tàu Trung Quốc quấy nhiễu tàu thăm dò dầu khí của Philippines và Việt Nam ở biển Đông:

- Đầu tháng 3, Philippines triển khai hai máy bay chiến để bảo vệ tàu thăm dò dầu khí của mình, sau khi tàu này đánh tín hiệu báo cáo việc bị hai tàu tuần tra Trung Quốc quấy nhiễu ở một khu vực tranh chấp tại biển Đông. Tàu Trung Quốc sau đó bỏ đi. Chính phủ Philippines sau đó đã yêu cầu Trung Quốc giải thích về vụ việc này.

- Sáng 26-5, trong khi đang tiến hành khảo sát tại lô 148 trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam, tàu Bình Minh 02 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã bị ba tàu hải giám của Trung Quốc cắt cáp thăm dò. Vị trí mà ba tàu hải giám Trung Quốc phá hoại thiết bị của tàu Bình Minh 02 chỉ cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) khoảng 120 hải lý, nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

TẤN LỘC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm