Tham nhũng: chống chưa triệt để

LTS: Kết quả khảo sát gần 14.000 người dân ở 63 tỉnh, thành về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2012 (do Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ cộng đồng cùng với MTTQ và Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc thực hiện) cho thấy nạn tham nhũng vặt ngày càng tăng, nạn nhận hối lộ ngày càng phổ biến và có xu hướng gia tăng. Trò chuyện với Pháp Luật TP.HCM, GS Hoàng Chí Bảo (ảnh) - chuyên gia cao cấp, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương đã phân tích, mổ xẻ căn cơ vấn nạn - quốc nạn này.

. Phóng viên: Thưa giáo sư, ông đánh giá như thế nào về thực trạng tham nhũng hiện nay?

Tham nhũng: chống chưa triệt để ảnh 1
+ GS Hoàng Chí Bảo: Tham nhũng ở Việt Nam là một thực tế, thực tế này tồn tại từ rất lâu rồi chứ không phải đến bây giờ mới có. Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng hiện nay trở nên nghiêm trọng hơn, tinh vi hơn, phổ biến hơn và mức độ ảnh hưởng nặng nề hơn.

Tham nhũng đẻ ra tham nhũng

. Theo giáo sư, tham nhũng hiện nay có mấy dạng?

+ Tham nhũng có nhiều loại. Loại phổ biến mà ai cũng nhìn thấy là tham nhũng vặt. Người dân nào mà chẳng có mối liên hệ với chính quyền, nhất là các lĩnh vực bức thiết như học hành, khám, chữa bệnh, thủ tục nhà, đất… Không ít cán bộ, công chức làm khó dễ để người dân phải bôi trơn, phải lót tay mới được việc. Nói tham nhũng vặt nhưng không phải là không nguy hiểm vì nó phổ biến nên nếu cộng gộp lại thì thiệt hại không phải nhỏ.

Tham nhũng: chống chưa triệt để ảnh 2

Dùng thông tin để chống tham nhũng. Trong ảnh: Người dân quận 2 (TP.HCM) chất vấn UBND TP về thông tin quy hoạch khu đô thị mới thủ thiêm tại buổi đối thoại năm 2009. Ảnh: TH

Kế đến là tham nhũng lớn, vụ việc lớn, mức độ tiền của lớn. Tham nhũng này dễ nhận thấy và phổ biến nhất trong lĩnh vực kinh tế như tình trạng “chạy” giấy phép, dùng các thủ đoạn để thắng thầu, thậm chí trốn thuế, khai man để hưởng lợi… Loại này thường xảy ra trong các cơ quan công quyền có liên quan đến doanh nghiệp. Tham nhũng lớn có khi là một nhóm tập thể câu kết với nhau tạo ra các nhóm lợi ích để thực hiện phi vụ tham nhũng rồi cùng chia chác.

Mức độ thứ ba là tham nhũng cực lớn. Tham nhũng cực lớn là tham nhũng đẻ ra tham nhũng. Đó là tham nhũng trong chính sách, tham nhũng trong chính trị, có khi tham nhũng bằng cách dùng quyền lực để kinh doanh, lợi dụng chức vụ để làm giàu bất chính (mà nhiều người vẫn gọi là tiền đẻ ra quyền, tiền mua được quyền và quyền đẻ ra tiền…, cứ thế tạo ra một phản ứng dây chuyền). Loại tham nhũng này mới là nguy hiểm. Đối tượng này thường có ưu thế nắm được thông tin. Ví dụ như các dự án thành lập khu công nghiệp hay chủ trương đô thị hóa chỗ này chỗ kia, giải phóng mặt bằng… tại sao thường giá đất lại sốt lên vùn vụt? Bởi vì những đối tượng này nắm được thông tin, chủ trương chính sách và sẵn sàng rò rỉ thông tin cho một số đối tượng cần thiết, thực chất là mua bán thông tin, dùng thông tin để tham nhũng.

Cực lớn ở đây là về mức độ, vừa nguy hiểm về tính chất, vừa là mối đe dọa tiềm ẩn, gây mất niềm tin trong nhân dân, làm xấu hình ảnh của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Đây cũng là loại tham nhũng khó chống nhất, thậm chí còn gặp rất nhiều lực cản, đe dọa đến quyết tâm chống tham nhũng.

Nhờn thuốc vì không triệt để

. Đảng đã nhận thức và đã có quyết tâm chống tham nhũng, nhiều quy định cũng được ban hành, lập cả ban bệ để chống nhưng tham nhũng ngày càng phổ biến và phức tạp hơn. Vì sao, thưa ông?

+ Có rất nhiều nguyên nhân khiến việc chống tham nhũng gặp nhiều trở ngại. Trước hết là về mặt nhận thức, tâm lý của dân ta lâu nay vẫn coi thường luật pháp, lấy lệ thắng luật, thậm chí còn bóp méo luật pháp. Thêm vào đó, sự phát triển yếu kém của dư luận xã hội cũng là một nguyên nhân. Ai cũng bất bình với tham nhũng nhưng chưa dấy lên được luồng dư luận mạnh mẽ, chưa tận dụng triệt để các cơ quan thông tin đại chúng để tạo nên tiếng nói mạnh mẽ trong chống tham nhũng. Cái đáng lo của sự không triệt để này là tạo ra tâm lý “nhờn thuốc” với tham nhũng khiến nhiều người mất niềm tin vào việc chống tham nhũng. Có một triết lý tiêu cực từ đời xưa là “vô dược khả y tham nhũng bệnh”, nghĩa là không có thuốc nào có thể chữa được bệnh tham nhũng, từ đó tạo ra tâm lý bi quan, chấp nhận sống chung với tham nhũng.

Tham nhũng trong kinh tế làm tổn hại đến đạo đức đã đành mà còn ảnh hưởng đến cả chính trị. Tham nhũng sẽ nhập cuộc với cái gọi là tự diễn biến hòa bình. Bộ máy không trong sạch, đảng và nhà nước không vững mạnh, cán bộ, đảng viên không tu dưỡng mà hư hỏng, thoái hóa, biến từ chỗ diễn biến hòa bình thành tự diễn biến, tức là tự hư hỏng trong chính trị thì rất nguy.

Một nguyên nhân nữa là những biện pháp xử lý của chúng ta chưa đủ mạnh. Tại sao lại có thứ triết lý phạt cho tồn tại, phạt lấy lệ? Cái này là dở từ trong thể chế mà ra, chính sách không triệt để thì hành động cũng không triệt để.

Xử tham nhũng tuyệt đối không có ngoại lệ

. Theo giáo sư, làm thế nào để trị cho được căn bệnh này?

+ Theo tôi, biện pháp phải kiên quyết, triệt để và đồng bộ. Kiên quyết từ thái độ phải coi tham nhũng như một kẻ thù nguy hiểm, như một tội ác độc hại. Trừng trị tham nhũng tức là trừng trị một tội ác. Bác Hồ đã từng trừng trị như thế. Trong tác phẩm Quốc lệnh, Bác đã coi phản quốc, hại dân, tham ô, tham nhũng là tử hình hết. Phải kiên quyết trừng trị tham nhũng như loại bỏ căn bệnh ác tính có thể phá hỏng cả sự sống còn của cơ thể xã hội. Phải đối xử với tham nhũng như là đối xử với một tội ác.

Đồng thời, luật pháp không được nửa vời. Bởi chính những kẽ hở luật pháp sẽ mở đường cho tham nhũng. Trong bối cảnh chúng ta đang sửa Hiến pháp, hoàn thiện một loạt các luật hình sự, dân sự… thì phải sửa sao cho triệt để. Các chính sách phải bịt kín các kẽ hở, tạo điều kiện cho những người làm ăn chân chính, nghiêm trị những kẻ bất minh, bất chính.

Và đã chấp nhận cuộc chiến với tội ác này thì nhiều khi phải chấp nhận những giải pháp đau đớn. Nguyên tắc là mức độ gây hại đến đâu thì hình thức trừng phạt phải tương xứng đến đó. Trong việc áp dụng biện pháp trừng phạt, tuyệt đối không có ngoại lệ, không có ưu ái với người này người kia, chức vụ này, thân quen nọ. Nếu xử không cẩn thận thì dân phạm tội lại bị nghiêm trị còn quan chức phạm tội thì lại được dung dưỡng. Đấy là điều dễ gây mất lòng tin của nhân dân nhất.

Ngoài ra, các giải pháp phải chú trọng đồng bộ trên ba phương diện. Một là dùng sức mạnh kinh tế để chống tham nhũng; hai là dùng sức mạnh luật pháp và ba là dùng sức mạnh của đạo đức, danh dự, của lương tâm, nhân phẩm để chống tham nhũng. Đây là bài học của nhiều nước và của cả ông cha ta xưa nay. Ngày xưa, chúng ta có các quy định của Bộ luật Hồng Đức (thời Lê) nghiêm trị những kẻ tham nhũng, giáng chức, tịch thu cả gia sản, bắt đi đày…

Ban Nội chính Trung ương quyết tâm trị tham nhũng

. Thưa giáo sư, có ý kiến cho rằng với cơ chế hiện nay thì “không ai tự nhổ răng mình”?

+ Đó cũng là lẽ thường tình. Ai cũng có một gót chân Achilles, ai cũng có lòng tham và không dễ dàng từ bỏ lợi ích cá nhân của mình. Bên cạnh các giải pháp như tôi đã nói cần có một hệ thống các công cụ (như cơ quan kiểm toán, kiểm tra, thanh tra, giám sát…), biện pháp khả dĩ có hiệu lực chống tham nhũng. Về phương diện nhân lực thì phải có một đội ngũ chuyên gia đứng ở vị trí khách quan, không bị ràng buộc bởi bất cứ lực lượng nào thì may ra mới chống được tham nhũng.

. Và việc thành lập Ban Nội chính Trung ương vừa rồi là…

+ Là một quyết tâm đột phá trong chống tham nhũng của Đảng. Ban Nội chính đã có từ trung ương đến các tỉnh, thành thì thiết chế này phải phát huy tác dụng và tỏ rõ quyết tâm thực sự là một cánh tay đắc lực giúp Đảng phòng ngừa và trị tham nhũng. Đã đến lúc phải dùng các biện pháp mạnh để không ai được tham nhũng, cho dù có muốn tham nhũng cũng không thể tham nhũng và khi đã tham nhũng thì phải bị nghiêm trị.

. Nhưng vừa rồi hai thành viên trong Ban Nội chính lại không được bầu vào Bộ Chính trị. Theo ông, điều này có ảnh hưởng gì đến uy thế của Ban Nội chính trong việc phòng, chống tham nhũng?

+ Dĩ nhiên việc này có ảnh hưởng đến uy lực của Ban Nội chính Trung ương. Dự tính của Đảng là đưa nhân lực của ban vào Bộ Chính trị để tăng vị thế và quyền lực, để tiếng nói của Ban có sức mạnh hơn. Nhưng không được bầu vào thì Đảng sẽ có biện pháp khác để đảm bảo uy lực của Ban Nội chính Trung ương trong việc phòng, chống tham nhũng.

. Xin cảm ơn giáo sư.

THU HẰNG thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm