Thanh tra nhân dân: Nhiều quyền, thiếu lực!

Đây cũng là vấn đề được Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 đặt ra cho công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay. Trong những năm qua, vai trò giám sát, phát hiện tiêu cực của người dân thông qua hệ thống thanh tra nhân dân tại xã, phường được xem như tuyến đầu phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, đây đó vẫn còn những nơi thanh tra nhân dân hoạt động chỉ mang tính hình thức, ít hiệu quả.

Được trao quyền giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật, giải quyết khiếu nại tố cáo, quy chế dân chủ cơ sở… nhưng hoạt động thanh tra nhân dân (TTND) ở một số địa bàn tại TP.HCM khá mờ nhạt.

Bị lơ đi cũng đành chịu!

Ông Nguyễn Thanh Dân (TTND xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi) nói: “Thấy sai phạm rành rành trước mắt nhưng phản ánh lên mà chủ tịch xã ngó lơ không trả lời thì cũng giậm chân tại chỗ thôi. Làm sao giám sát, làm sao có thông tin mà phát hiện tham nhũng!”.

Ông Lê Đức Châu (Trưởng ban TTND phường 15, quận 10) nhắc lại chuyện năm 2008, cũng năm lần bảy lượt phản ánh với bí thư, chủ tịch UBND phường việc một cán bộ nhà đất vòi tiền, sách nhiễu bà con. Lẽ ra phải kiên quyết xử lý sai phạm thì UBND phường lại mời người tố cáo lên “hòa giải”, dàn xếp cho nhân viên này trả lại tiền nhận hối lộ để khỏi làm lớn chuyện. Mãi sau này, người dân đấu tranh quyết liệt, cơ quan điều tra thu thập chứng cứ, cuối cùng nhân viên này mới bị tòa án xử phạt bốn năm tù về tội nhận hối lộ. “Năm 2009, nghe bà con phàn nàn chuyện cấp sổ đỏ phải có bao thư, còn thu thuế, lệ phí thì cao hơn hóa đơn ghi…, tôi đề xuất được tiếp xúc với bộ phận thuế, nhà đất để giám sát xem thực hư ra sao nhưng bị UBND phường từ chối thẳng” - ông Châu kể.

Thanh tra nhân dân: Nhiều quyền, thiếu lực! ảnh 1

Nếu hoạt động thanh tra nhân dân có hiệu quả thì những công trình dân sinh ở địa phương sẽ đảm bảo chất lượng. Ảnh: HTD

Chúng tôi nhắc lại cuộc đấu tranh với sai phạm thi công kém chất lượng ở công trình cống hộp Bắc Hải - Kim Ngân - Bao Ngạn hồi đầu năm 2000 đã đưa phường 15, quận 10 trở thành lá cờ đầu trong phong trào quần chúng tham gia giám sát chất lượng công trình công cộng. Trưởng ban TTND phường 15 Lê Đức Châu trầm ngâm: “Lúc đó được bà con, chính quyền địa phương ủng hộ thì TTND ngại gì lội xuống sình, chui xuống cống để giám sát thi công. Nhưng giám sát công tác quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở, phẩm chất đạo đức của cán bộ mà lãnh đạo UBND phường không nhiệt tình thì TTND cũng khó vào, khó tiếp cận”.

Ngại giám sát chính quyền cơ sở

Theo kết quả khảo sát của Thanh tra TP.HCM tại quận 10 và huyện Củ Chi thì có đến 26,5% TTND đánh giá “hoạt động của Ban TTND chỉ mang tính hình thức”; 33,3% nhận xét “Ban TTND không có đủ cơ sở để hoạt động và phát hiện tham nhũng”. Nhiều ý kiến khác cho rằng hầu như hoạt động của TTND chỉ đi sâu giám sát những việc dễ thấy như thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo; đền ơn đáp nghĩa; quản lý thu chi các loại quỹ do nhân dân đóng góp, công trình xây dựng... Còn việc giám sát cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, đảng viên thì chưa đạt hiệu quả.

Có một thực tế nữa là TTND thường tập trung giám sát trong cộng đồng dân cư mà e ngại, tránh né giám sát UBND cấp cơ sở và các cơ quan công quyền đóng trên địa bàn. Chính vì vậy, những sai phạm được phát hiện thường là trốn thuế, cơi nới, xây dựng trái phép, mua bán đất bất hợp pháp, tranh chấp đất... mà rất ít vụ việc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng được phát hiện.

Chia sẻ kinh nghiệm tám năm làm TTND, ông Châu trăn trở: “Theo quy định thì quyền TTND rất rộng nhưng thực tế rất khó thực hiện bởi đôi khi không nhận được sự đồng thuận, ủng hộ từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.

Bản lĩnh, năng lực chưa tương xứng

Theo ông Lê Hiếu Đằng - Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân Chủ và Pháp Luật - Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, TTND hiện chưa phát huy hết sức mạnh của mình là tai mắt giám sát của nhân dân trải rộng khắp mọi nơi, là tuyến đầu phòng ngừa, phát hiện tham nhũng. “Tuy nhiên, hiện nay TTND được trao quyền nhiều nhưng chưa thực chất, thiếu cơ chế, thiếu lực để thực thi. Ngoài ra, cũng chưa có biện pháp chế tài nghiêm khắc các cơ quan chức năng chưa đảm bảo quyền hoạt động cho TTND” - ông Đằng phân tích.

Kết quả khảo sát tại quận 10 và huyện Củ Chi của Thanh tra TP cho thấy có gần 15% TTND không biết gì về nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Điều này một phần do trình độ TTND còn hạn chế, có người chỉ mới học hết cấp một, cấp hai. Mặt khác, họ cũng chưa được quan tâm đúng mức để tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ, hoàn thiện kiến thức, nâng cao bản lĩnh. Theo quy định, TTND phải là người có hiểu biết nhất định về chính sách, pháp luật nhưng thực tế đó lại là điểm yếu nhất của lực lượng này. Đó cũng là lý do vì sao hoạt động giám sát của TTND rất mờ nhạt trong lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tố cáo, thực hiện chính sách pháp luật, dẫn đến chưa nhận được sự tin cậy từ quần chúng lẫn chính quyền địa phương.

Ngoài ra, bản lĩnh đấu tranh chống tiêu cực của TTND cũng là một vấn đề còn bất cập. Có những việc TTND phát hiện sai phạm, kiến nghị chính quyền địa phương rồi chỉ “để đó” đợi từ năm này sang năm khác. Có khi nhận được đơn thư phản ánh của bà con nhưng TTND chỉ dừng lại ở mức trao đổi với các cơ quan, chính quyền mà không đấu tranh đến cùng để có kết quả xử lý. Cứ như thế, lâu dần người dân bỏ quên người đại diện giám sát của mình đến mức Phó ban TTND phường 9, quận 10 ông Lê Huy Diệu cũng băn khoăn “vì đã làm hai nhiệm kỳ mà không hề nhận được bất kỳ đơn thư phản ánh, kiến nghị nào của người dân. Người dân trên địa bàn không có gì để phản ánh hay người dân không biết về vai trò của TTND, không tìm đến TTND?”.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban TTND

Ban TTND có nhiệm vụ giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở của cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước.

Khi cần thiết được chủ tịch UBND cấp xã, người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước giao xác minh những vụ việc nhất định.

Kiến nghị với chủ tịch UBND cấp xã, người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước khắc phục sơ hở, thiếu sót được phát hiện qua việc giám sát. Trường hợp phát hiện người có hành vi vi phạm pháp luật thì kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, xử lý…

(Theo Luật Thanh tra 2010)

BÌNH MINH

Kỳ tới: Cần nhận thức mới về thanh tra nhân dân

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm