THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG:

Tháo gỡ ngay những cơ chế gây phiền cho dân

Công khai, minh bạch thị trường điện, than, xăng dầu; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; cải cách thủ tục hành chính để thu hút đầu tư; tái cơ cấu theo hướng tăng hiệu quả sản xuất và nâng sức cạnh tranh. Đó là những chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với Bộ Công Thương chiều 2-10.

Nhất quyết không bao cấp giá than, điện, xăng dầu

Mở đầu bài phát biểu, Thủ tướng nhắc đi nhắc lại cụm từ “công khai, minh bạch” đối với ngành công thương. Thủ tướng nhấn mạnh phải công khai, minh bạch để người dân biết và giám sát, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu như than, điện, xăng dầu.

Thủ tướng cho rằng nhất quán ngành điện, than, xăng dầu phải thực hiện theo cơ chế thị trường; đảm bảo đáp ứng được nhu cầu trong nước. Theo cơ chế thị trường thì phải minh bạch chi phí, giá thành, lợi nhuận, thuế để người dân giám sát, kể cả cổ phần hóa rồi cũng phải minh bạch.

Thị trường ở đây là phải bán đúng giá thành, nếu dưới giá thành sẽ không được gọi là thị trường. Quan điểm than, điện, xăng dầu theo hướng kinh tế thị trường thì nhất quyết không bao cấp giá. “Năm 2014, Chính phủ bỏ ra 1.300 tỉ đồng hỗ trợ 30 kWh/hộ nghèo là chính sách xã hội chứ không phải để cho ngành điện bị lỗ. Chính phủ trả tiền mua điện rất sòng phẳng theo giá thị trường, mọi cái phải rõ ràng như thế” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Bộ Công Thương. Ảnh: TTXVN

Cắt bỏ các thủ tục phiền hà, vướng mắc

Về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ rõ ngành công thương tập trung các ngành quan trọng, xương sống của đất nước. Thủ tướng nhấn mạnh việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường để thị trường cạnh tranh hơn, minh bạch hơn, bình đẳng hơn, phân bổ nguồn lực tốt hơn… Cụ thể, cần tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để ngành công thương phát triển bền vững, hội nhập, cạnh tranh trên các lĩnh vực.

“Các bộ hãy thử đặt mình là doanh nghiệp (DN), người kinh doanh xem ra sao. Có nhiều cái vướng mắc lắm. Trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phải hết sức cố gắng làm sao không để nợ đọng văn bản pháp quy. Những gì thuộc về cơ chế, chính sách đang vướng mắc, gây phiền hà cho người dân, DN phải xem xét tháo gỡ ngay; những gì vượt thẩm quyền phải khẩn trương tham mưu, đề xuất với Chính phủ xem xét, xử lý. Cái gì không còn phù hợp nữa thì phải sửa. Ai sửa? Cơ quan hành chính nhà nước sửa” - người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ và yêu cầu thủ tục gì gây khó khăn, cản trở cho DN và người dân phải rà soát, sửa đổi trên tinh thần phục vụ, đảm bảo sự phát triển.

Đừng tái cơ cấu chung chung

Về câu chuyện tái cơ cấu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu đẩy mạnh tập trung tái cơ cấu theo hướng tăng hiệu quả sản xuất, nâng sức cạnh tranh của ngành. “Từng tập đoàn đã có đề án phê duyệt hết rồi, phải làm cụ thể chứ không nói chung. Chẳng hạn Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN, năng suất mới bằng 40% Thái Lan, 60% Malaysia, 10% Singapore; ít ra như bóng đá chúng ta chỉ thua Thái Lan một bậc thôi chứ! DN cần công nghệ thì mua, mà tôi tin người Việt Nam làm được nhiều công nghệ không thua kém. Việt Nam đã hội nhập thì buộc phải so sánh bằng với bạn bè thế giới!” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh tái cơ cấu không có nghĩa là bán cổ phần để Chính phủ thu tiền về, mà mục tiêu chính là để khối DN hoạt động có hiệu quả, nền kinh tế tăng trưởng bền vững và phân bổ nguồn lực tốt hơn. Đặc biệt tái cơ cấu làm mạnh, quyết liệt nhưng phải chặt chẽ. “Tôi lấy ví dụ như một DN hóa chất trực thuộc Bộ, khi cổ phần hóa Nhà nước chỉ nắm 20% nhưng hoạt động rất hiệu quả hay như Vinamilk, Nhà nước nắm cổ phần rất ít nhưng kinh doanh cực kỳ hiệu quả. Đó là những hình mẫu để các đơn vị khác học hỏi trong quá trình tái cơ cấu” - Thủ tướng dẫn chứng.

TRÀ PHƯƠNG

Nhiều tập đoàn thoái vốn quá chậm

Theo báo cáo của Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, hiện quá trình tái cơ cấu, thoái vốn ở một số tập đoàn còn hạn chế. Tính chung đến nay mới có 27/96 đơn vị, chiếm 1/3 số tập đoàn, tổng công ty nhà nước trực thuộc ngành hoàn thành xong thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Trong đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng Công ty Giấy Việt Nam và Tổng Công ty Máy và Thiết bị công nghiệp mới chỉ thoái vốn ngoài ngành một đơn vị. Theo ông Hoàng, đây là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trực thuộc đang khá ì ạch trong việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết dẫn đầu về thoái vốn trong chín tháng đầu năm là Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, khi hoàn thành thoái vốn tại năm đơn vị thu về 1.437 tỉ đồng. Kế đến là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam hoàn thành thoái vốn ở bốn đơn vị, thu về 247,7 tỉ đồng, thặng dư 14,3 tỉ đồng. EVN hoàn thành ba đơn vị, thu về 104,7 tỉ đồng, thặng dư 864 triệu đồng,... Đơn vị có tốc độ thoái vốn nhanh nhất từ trước đến nay là Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) với 12 đơn vị.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Quan hệ Việt Nam - Australia bước sang một chương mới

Quan hệ Việt Nam - Australia bước sang một chương mớiLENS

(PLO)- Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Australia Anthony Albanese thống nhất nâng cấp quan hệ Việt Nam-Australia lên Đối tác chiến lược toàn diện và trao đổi, nhất trí cùng phối hợp chặt chẽ để thực hiện sáu phương hướng lớn nhằm đưa hợp tác trên các lĩnh vực đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất hơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Campuchia Hun Manet

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Campuchia Hun Manet

(PLO)- Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Campuchia nhất trí nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư, đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế, nhất là kết nối giao thông, làm cơ sở và tạo động lực mới cho việc tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực khác.