Thêm một kiến nghị điều tra từ Kiểm toán Nhà nước

Đây là kết quả từ cuộc kiểm toán tại Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) - công ty mẹ của TNT.

Kết quả kiểm toán cho thấy năm 2011, TNT ký một số hợp đồng mua bán gạo với ba công ty ở Tiền Giang gồm Thành Phát, Hoàng Dung và Đoàn Phát. Dù không có tài sản bảo đảm, thế chấp và cũng không có bảo lãnh nhưng TNT vẫn chấp nhận vay ngân hàng, ứng trước cho các đối tác tới 90% giá trị hợp đồng, tính ra gần 145 tỉ đồng.

Cung cách làm ăn lâu nay của TNT là các đối tác bán chuyển gạo đến kho ở Tiền Giang để TNT làm thủ tục ký gửi. Đến khi có khách, TNT lại chuyển bán gạo từ kho đến đối tác mua. Nhưng đầu năm 2012, khi TNT làm thủ tục xuất bán thì phát hiện ra phần lớn số gạo mà ba công ty kia bán cho mình đều đã bị chính những công ty ấy dùng làm tài sản thế chấp vay vốn tại ngân hàng. Sau một thời gian gửi đơn tố giác, đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an và Công an tỉnh Nghệ An, Tiền Giang can thiệp, TNT mới lấy được một phần gạo đã mua của mình.

Theo KTNN, tính đến hết tháng 8-2012, tính cả số tiền ứng trước và số lãi mà TNT phải trả ngân hàng thì tổng dư nợ phải thu với ba đối tác trên lên tới gần 162 tỉ đồng. Trong khi đó, ba công ty này đã lâm vào tình trạng thua lỗ, tài sản thì đều thế chấp ngân hàng. Vì vậy, khả năng thu hồi nợ của TNT là rất khó khăn, nguy cơ mất vốn cao.

Cho rằng TNT đã vi phạm pháp luật khi dễ dãi tạm ứng số tiền lớn mà không đòi hỏi tài sản bảo đảm, thế chấp... KTNN đề nghị Tổng cục VI chỉ đạo điều tra, làm rõ trách nhiệm và xử lý tập thể, cá nhân liên quan đến sự việc này.

Trước đó, cũng từ kết quả kiểm toán, KTNN đã đề nghị Tổng cục VI điều tra sai phạm trong việc cho vay trái quy định, gây nguy cơ mất hơn 1.000 tỉ đồng tại Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm