Thí điểm điều trần tại cơ quan của Quốc hội: Truy trách nhiệm đến cùng

Tại phiên họp thứ 26 của Ủy ban (UB) Thường vụ Quốc hội ngày 15-12, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (QH) Trần Đình Đàn cho biết sẽ “từng bước thí điểm việc điều trần tại Hội đồng Dân tộc  và các ủy ban của Quốc hội”. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại biểu QH Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh), thành viên UB Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, ủng hộ việc thí điểm này nhưng ông cho rằng cần làm ngay chứ không phải “từng bước”.

Thí điểm điều trần tại cơ quan của Quốc hội: Truy trách nhiệm đến cùng ảnh 1

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng phát biểu ý kiến tại buổi họp. Ảnh: TTXVN

Vụ SCIC có thể mang ra điều trần

. Thưa, ông bình luận gì về chủ trương này?

+ Theo tôi, điều trần ở đây mang ý nghĩa là một hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc và các UB của QH đối với những chức danh được QH bầu hoặc phê chuẩn.

Quốc hội chúng ta mỗi năm chỉ họp hai kỳ, giữa hai kỳ họp QH có một khoảng trống thời gian rất lớn và xảy ra nhiều việc cử tri quan tâm, hoặc những vấn đề mới phát sinh cần giải quyết kịp thời. Việc chất vấn tại UB Thường vụ QH hoặc điều trần tại Hội đồng Dân tộc và các UB của QH là cần thiết.

Điều trần tại UB của QH có điều kiện đi sâu vào 1-2 vấn đề hơn là chờ phiên chất vấn của QH. Ví dụ như việc trả lương tại Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đang được dư luận rất quan tâm hiện nay có thể điều trần ở quy mô một UB của QH.

. Theo ông, điều trần tại các UB của QH cần làm ngay hay phải “từng bước” thí điểm?

+ Tôi cho rằng có thể làm được ngay nhưng cũng mang tính chất thận trọng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm vì luật chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về điều trần tại các UB của QH. Chẳng hạn, điều trần xong thì hậu quả pháp lý như thế nào, có ra nghị quyết hay không... Tôi lưu ý rằng theo Luật Hoạt động giám sát của QH, Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của QH có thể bỏ phiếu tín nhiệm hoặc bất tín nhiệm đối với thành viên Chính phủ, các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn.

Nên diễn ra công khai

. Vậy điều trần có gì khác với chất vấn tại kỳ họp của QH, thưa ông?

+ Chất vấn tại QH là hoạt động giám sát tối cao của QH và hậu quả có tính pháp lý. QH ra một nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn có giá trị ngang một luật. Như vậy, chất vấn tại QH có giá trị pháp lý cao hơn.

. Điều trần mới chỉ thí điểm trong phạm vi các cơ quan của QH, vậy theo ông có nên công khai để cử tri theo dõi?

+ Mục tiêu của điều trần là để làm rõ được trách nhiệm của chức danh QH bầu hoặc phê chuẩn. Đây cũng là dịp để giải trình những vấn đề cử tri quan tâm. Cho nên những phiên điều trần này theo tôi nên diễn ra công khai, trừ những trường hợp liên quan đến bí mật quốc gia.

Thí điểm xong phải đưa vào luật

. Thí điểm điều trần có gì vướng về mặt luật pháp không, thưa ông?

+ Đúng là trong hệ thống pháp luật Việt Nam chưa có văn bản nào quy định về “điều trần”. Tuy nhiên, theo Điều 38 Luật Tổ chức QH, Hội đồng Dân tộc  và các UB của QH có quyền yêu cầu các thành viên Chính phủ, chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao và những viên chức nhà nước hữu quan cung cấp tài liệu hoặc đến trình bày những vấn đề mà hội đồng hoặc UB xem xét, thẩm tra. Người nhận được yêu cầu phải đáp ứng yêu cầu đó.

Trong những phiên thảo luận về xây dựng pháp luật, nhiều lần UB Khoa học Công nghệ và Môi trường của QH mời các vị bộ trưởng tham dự với tư cách là cơ quan soạn thảo. Nhưng trường hợp đó theo tôi chưa gọi là điều trần mà chỉ là một sự trao đổi, cung cấp thông tin. Ở quy mô điều trần, phải đi vào những vấn đề cụ thể gắn với trách nhiệm của bộ trưởng. Ví dụ, có thể mời bộ trưởng Bộ Công thương, bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổng giám đốc của Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều trần tại UB Khoa học Công nghệ và Môi trường về vấn đề xả lũ và quy hoạch thủy điện. Với một UB và nhiều người chuyên sâu thì thảo luận tập trung hơn, mổ xẻ vấn đề và kết quả này được báo cáo cho QH.

Theo tôi, sau khi thí điểm, UB Thường vụ QH cần tổng kết, xem xét, bổ sung nội dung điều trần tại Hội đồng Dân tộc  và các UB của Quốc hội vào Luật Hoạt động giám sát của QH.

. Cảm ơn ông.

Theo đại biểu QH Nguyễn Đình Xuân, ở nước ngoài, các nghị sĩ điều trần rất linh hoạt, trong đó không nhất thiết là một UB. Một nhóm nghị sĩ cũng có quyền yêu cầu quan chức chính phủ điều trần về vấn đề nổi cộm cử tri quan tâm. “Nhưng cơ bản tôi thấy hậu quả pháp lý cũng không cao lắm và họ cũng phải thông qua nghị viện để ra nghị quyết” - ông Xuân cho biết.

VĂN TIẾN thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm