BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG LÀM RÕ VỀ CÁC DỰ ÁN BAUXITE

Thí điểm phải chậm và chắc

Chúng tôi xin trích đăng lại bài phỏng vấn này từ trang web Chính phủ. Tít và tít phụ do Tòa soạn đặt.

Thí điểm phải chậm và chắc ảnh 1
Bộ trưởngVũ Huy Hoàng (̣ảnh) cho biết: Theo kết quả thăm dò, trữ lượng bauxite của Việt Nam là khoảng 10-11 tỉ tấn (là một trong số ít nước được đánh giá là có trữ lượng bauxite lớn trên thế giới) tập trung chủ yếu tại khu vực Tây Nguyên, trong đó tại tỉnh Đắk Nông là khoảng 4,6 tỉ tấn và tại tỉnh Lâm Đồng khoảng 2 tỉ tấn. Bauxite là nguồn tài nguyên lớn, là cơ sở để hình thành ngành công nghiệp luyện nhôm phát triển lâu dài, là một nguồn lực quan trọng góp phần vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trong những năm gần đây, nhu cầu nhôm kim loại tăng mạnh. Theo dự báo, nhu cầu nhôm trong nước vào năm 2020 sẽ khoảng 0,75-1,0 triệu tấn và năm 2030 khoảng 1,6-2,0 triệu tấn (nhu cầu hiện tại khoảng nửa triệu tấn và hằng năm ta phải chi trên 1 tỉ USD nhập khẩu). Hiện nay, nước ta đang phải nhập khẩu 100% nhôm kim loại nên việc triển khai các dự án thăm dò, khai thác và chế biến bauxite là hết sức cần thiết.

Việc phát triển ngành công nghiệp khai thác và chế biến bauxite là chủ trương đúng đắn, cần thiết và phù hợp, đã được Đảng, Nhà nước xem xét thận trọng, giao cho Vinacomin tổ chức triển khai.

“Dự án không thuần túy kinh doanh”

. Dự án Tân Rai chậm tiến độ hơn hai năm, dự án Nhân Cơ có thể chậm tiến độ hơn một năm, bộ trưởng có thể cho biết lý do của sự chậm trễ này?

+ Nguyên nhân chính và khách quan là các dự án có công nghệ khá phức tạp, lần đầu tiên được đầu tư ở Việt Nam và được thi công trong điều kiện hết sức khó khăn của vùng Tây Nguyên. Việc thi công hồ bùn đỏ bị kéo dài do phải rà soát, tái thẩm định thiết kế kỹ thuật và bổ sung các giải pháp để đảm bảo an toàn cho công trình.

Thí điểm phải chậm và chắc ảnh 2

Thi công hố chứa bùn đỏ quặng bauxite ở Tân Rai (Lâm Đồng). Ảnh: TTXVN

Nguyên nhân chủ quan là chúng ta chưa có kinh nghiệm trong quản lý đầu tư các dự án loại này. Tuy nhiên, chủ đầu tư cũng đã hoàn thành cơ bản việc đầu tư dự án tại Tân Rai, cuối tháng 12-2012 đã sản xuất thử thành công sản phẩm alumin đầu tiên với chất lượng được đánh giá cơ bản đạt yêu cầu. Với dự án Nhân Cơ, hiện đã thực hiện được hơn 50% khối lượng xây lắp và dự kiến nửa đầu năm 2014 sẽ đưa vào vận hành.

. Giá alumin hiện đã giảm xuống mức 326,5 USD/tấn. Và như thế, chúng ta sẽ đánh giá hiệu quả của hai dự án này trên những cơ sở nào?

+ Đúng là giá alumin hiện tại thấp hơn giá tính toán tại thời điểm phê duyệt dự án khoảng 10%. Nhưng tôi cho rằng việc xem xét hiệu quả kinh tế các dự án đầu tư, nhất là những dự án có vốn đầu tư lớn, thời hạn hoạt động dài 30-40 năm... cần phải dựa trên những tính toán dài hạn.

Thứ nhất, phải khẳng định hai dự án là thí điểm bước đầu để hình thành ngành công nghiệp khai thác và chế biến nhôm của Việt Nam. Mà đã là thí điểm thì phải có thời gian để khẳng định về mức độ chắc chắn của hiệu quả kinh tế.

Thứ hai, giá alumin trên thị trường thế giới hiện tại tuy thấp hơn giá đầu năm 2009 - thời điểm phê duyệt dự án nhưng không ai đảm bảo rằng mức giá này sẽ cố định như thế trong vòng năm hoặc 10 năm tới.

Thứ ba, hai dự án thí điểm này không thuần túy là hai dự án kinh doanh. Đối với doanh nghiệp thì hiệu quả kinh doanh là một mục tiêu chủ yếu nhưng đối với xã hội, điều lớn hơn mà tất cả chúng ta mong đợi là hiệu quả tổng hợp về kinh tế-xã hội đối với phát triển vùng, phát triển ngành và phát triển nền kinh tế. Vì vậy, quan điểm của tôi là hãy để dự án vận hành một thời gian rồi chúng ta sẽ có cơ sở hơn trong xem xét và đánh giá hiệu quả của dự án.

“Yên tâm về vấn đề môi trường”

. Việc dừng dự án cảng Kê Gà liệu có phải là bằng chứng cho thấy những tính toán trong việc triển khai các dự án bauxite là vội vã và chưa chặt chẽ?

+ Theo thiết kế ban đầu, dự án đầu tư xây dựng cảng Kê Gà được lập với quy mô công suất năm 2015: 3,5 triệu tấn/năm; năm 2020: 17,5 triệu tấn/năm; năm 2025: 27 triệu tấn/năm; năm 2030: 37 triệu tấn/năm nhằm trước hết phục vụ cho các dự án bauxite-nhôm của Vinacomin và phục vụ các dự án khai thác, chế biến titan, than cho các nhà máy điện..., có nghĩa là xây dựng một cảng tổng hợp. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, trong quá trình xem xét lại quy hoạch bauxite, Chính phủ đã chỉ đạo rà soát, điều chỉnh cho phù hợp theo hướng quy mô khai thác và chế biến nhỏ hơn trước. Tổng công suất của hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ với khoảng 1,3 triệu tấn/năm, thấp hơn nhiều so với thiết kế ban đầu.

Mặt khác, hiện nay với việc tỉnh Bình Thuận đã có cảng Vĩnh Tân và đang chuẩn bị lập dự án xây dựng cảng trung chuyển than cho khu vực phía Nam và việc khai thác titan cũng đang tạm dừng cho đến khi có dự án chế biến sâu..., thì việc dừng xây dựng cảng Kê Gà là hợp lý. Với lý do trên, theo đề nghị của Vinacomin và ý kiến của các bộ, ngành liên quan, Thủ tướng đã chấp thuận cho dừng đầu tư cảng Kê Gà.

. Liệu có xảy ra trường hợp sau khi hoàn tất việc thí điểm, chúng ta nhận ra những tác động đến môi trường là không thể sửa chữa. Đặc biệt là vấn đề bùn thải từ các dự án này ?

+Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các bộ, ngành tiến hành thận trọng các khâu có liên quan đến an toàn công trình, từ thiết kế hồ bùn đỏ đến các biện pháp bảo vệ môi trường, biện pháp xử lý hữu hiệu khi xảy ra sự cố. Ngay sau khi xảy ra sự cố vỡ hồ bùn đỏ ở Hungary, chúng ta đã cử đoàn sang khảo sát để rút kinh nghiệm cần thiết.

Hiện nay, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đang hoàn thiện đề tài ở quy mô thử nghiệm, để chuyển sang quy mô công nghiệp việc nghiên cứu xử lý bùn đỏ để thu hồi lại xút, sản xuất sắt xốp, xỉ. Nếu thành công, vừa sẽ mang lại nguồn thu bổ sung cho dự án, vừa giảm chi phí đầu tư. Với sự vào cuộc của nhiều cơ quan quản lý nhà nước, nhiều cơ sở nghiên cứu khoa học cả trong và ngoài nước, tôi cho rằng chúng ta có thể yên tâm về vấn đề môi trường tại hai dự án trên.

. Xin trân trọng cảm ơn bộ trưởng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm