Thu phí bảo trì đường bộ: Xăng cõng phí, dân oằn lưng cõng giá

“Nếu thêm phí bảo trì đường bộ nữa và rồi tiếp đến là thuế môi trường, thuế tài nguyên thì 1 lít xăng phải cõng trên lưng không biết bao nhiêu loại phí và thuế. Thực chất, khi giá xăng cõng các khoản thuế và phí ấy chính là người tiêu dùng cõng và chắc chắn là quá sức chịu đựng của họ” - PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, băn khoăn xung quanh đề xuất của Bộ GTVT về quỹ bảo trì đường bộ.

Doanh nghiệp sẽ mất sức cạnh tranh

. Thưa ông, theo đề xuất của Bộ GTVT, phương án thu phí bảo trì đường bộ qua giá xăng sẽ với mức 1.000 đồng/lít. Với xe chạy dầu diezel, sẽ phải lắp thêm thiết bị tính phí theo km - tối đa là 800 đồng/km. Theo ông, đề xuất này được duyệt thì sẽ ảnh hưởng như thế nào đến giá xăng dầu trong nước?

+ Thực tế theo tôi, ta cần có quỹ bảo trì đường bộ nhưng thu theo cách nào, thời điểm thu, mức bao nhiêu là điều cần bàn. Trong bối cảnh hiện nay, giá xăng dầu của Việt Nam đang cao hơn so với không ít nước có nền kinh tế thị trường khác. Các loại thuế và phí chiếm đến 35% giá xăng và giá dầu là trên 30%. Nếu nay ta thêm phí bảo trì đường bộ nữa và rồi sắp tới là thuế môi trường, thuế tài nguyên bám vào thì 1 lít xăng sẽ phải cõng trên lưng không biết bao nhiêu loại phí và thuế. Giá xăng cõng phí chính là người tiêu dùng cõng giá. Nếu đề xuất này được áp dụng thì chắc chắn giá xăng dầu trong nước sẽ tăng.

. Nếu như vậy thì không chỉ giá xăng tăng mà giá các mặt hàng khác cũng sẽ tăng theo?

+ Trong bối cảnh hiện nay, nếu giá xăng tiếp tục tăng thì chắc chắn mặt bằng giá sẽ bị tác động rất lớn. Xăng dầu là nguyên liệu đầu vào của nền kinh tế. Nhiều lần giá xăng dầu chỉ tăng có 500 đồng cũng đã khiến hàng loạt mặt hàng khác từ mớ rau, quả trứng, thậm chí đến dịch vụ cắt tóc vỉa hè cũng ăn theo.

Thu phí bảo trì đường bộ: Xăng cõng phí, dân oằn lưng cõng giá ảnh 1

Chất lượng đường kém, gây hư hỏng thế này, thu phí có thông? Ảnh: MP

Thế nên từ tháng 3 đến nay, dù giá xăng dầu nhập về tăng cao nhưng vì mục tiêu kiềm chế lạm phát nên Chính phủ đã có những giải pháp, trong đó yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu tạm thời không điều chỉnh giá xăng dầu trong nước. Do vậy, cơ quan quản lý phải hết sức thận trọng khi áp dụng mức thu cũng như thời điểm thu phí duy tu, bảo dưỡng đường bộ qua xăng dầu.

Thứ hai, trong điều kiện kinh tế còn hết sức khó khăn, giá nguyên liệu thế giới dự báo có xu hướng tăng, nếu chi phí sản xuất kinh doanh phải cộng thêm một loại phí bảo trì đường bộ nữa thì giá sản phẩm, dịch vụ chắc chắn tăng. Khi đó, sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước và năng lực cạnh của doanh nghiệp Việt Nam sẽ không thể tăng, thậm chí còn đi giật lùi.

Thu linh hoạt, thậm chí miễn thu

. Vậy theo ông, làm thế nào để chúng ta vẫn có tiền bảo trì đường mà lại không tác động đến mặt bằng giá cả?

+ Nguồn vốn để bảo trì đường sá đang được lấy từ ngân sách. Theo thông tin của người đứng đầu ngành giao thông trả lời báo giới thì mỗi năm việc duy tu đường bộ lấy ngân sách 2.000 tỉ đồng, đáp ứng 40%-50% nhu cầu.

Lượng xăng tiêu thụ trong cả nước theo năm 2009 là 3 tỉ lít. Theo tôi, trước mắt để có nguồn thu cho quỹ này, thay vì mức thu đề xuất là 1.000 đồng/lít xăng thì chỉ nên thu 300 đồng/lít xăng. Với mức này, tôi nghĩ hợp lý, hợp tình vì tương ứng với mức thu nhập của người dân nói chung; hơn nữa  cũng không tác động quá lớn đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Đồng thời, nhà nước vẫn có nguồn thu và điều quan trọng là cần tạo thói quen cho mỗi người dân có trách nhiệm đóng góp với xã hội để duy tu, bảo dưỡng đường bộ.

. Ông có đề cập đến thời điểm thu, vậy nên thu lúc nào là hợp lý?

+ Giá nhiên liệu thế giới luôn biến động, do vậy tôi đề xuất là nếu có thu thì cũng nên cân nhắc mức thu với từng giai đoạn cụ thể. Nếu giá xăng dầu thế giới tăng cao, doanh nghiệp nhập khẩu tăng giá bán lẻ trong nước, lúc đó các loại phí, thuế trong đó có phí bảo trì đường bộ cũng nên giảm, thậm chí có lúc nhà nước phải tạm miễn thu, hy sinh quyền lợi của mình để mà khoan sức dân. Đây là điều mà các nhà làm chính sách cần điều chỉnh chính sách một cách linh hoạt chứ không chỉ nghĩ đến việc thu như thế nào cho dễ, cho gọn.

. Xin cảm ơn ông.

Đường quá xấu, ai bảo trì?

Trong tổng chiều dài đường bộ của cả nước chỉ có 43% đường tốt, 37% trung bình và 20% là đường xấu và rất xấu. Đường hư hỏng thì đòi thu phí bảo trì. Nhưng chất lượng đường quá kém, gây hư hỏng cho các loại xe, gây ra tai nạn thì có ai bảo trì cho người dân? Trong khi đó, trách nhiệm của nhà nước là phải tạo điều kiện để người dân đi lại một cách thuận tiện và an toàn.

Cơ sở nào đề xuất mức phí 1.000 đồng/lít? Nếu so sánh với nước ngoài thì phải so sánh đầy đủ các tiêu chí và quan trọng nhất là thu nhập của người dân. Người dân đã đóng nhiều loại thuế, phí, nhà nước vẫn kêu thiếu và đặt ra mức thu đề xuất mà thiếu cơ sở tính toán chẳng khác nào thu lấy được.

Phó Giáo sư-Tiến sĩ PHẠM XUÂN MAI, Trường Đại học Bách khoa TP.HCM

Nếu nhu cầu duy tu, bảo trì là cấp bách thì sao không điều chuyển những khoản thu từ công tác phòng chống tham nhũng hoặc cân đối những nguồn khác? Vì sao ngành giao thông vận tải có thể cân đối được nguồn vốn lên đến 56 tỉ USD để đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc mà không bố trí được số vốn khiêm tốn để bảo trì, trong khi đó lại nhận định rằng hệ thống đường bộ là tài sản lớn của quốc gia?

Ông LÊ HIẾU ĐẰNG, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM

MINH PHONG ghi

LÊ THANH thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm