Thủy điện nhỏ gây hại: Trách nhiệm của ai?

Không có phương án phòng, chống lụt bão, xem nhẹ đánh giá tác động môi trường, việc quản lý chất lượng công trình xây dựng hầu như được giao hoàn toàn cho chủ đầu tư… Đó là thực trạng của các thủy điện (TĐ) hiện nay, đặc biệt là các TĐ vừa và nhỏ, được Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường (KH-CN&MT) đánh giá trong báo cáo thẩm tra quy hoạch tổng thể về TĐ trình bày trước QH sáng 30-10.

Nhiều nhưng đóng góp không bao nhiêu

Báo cáo quy hoạch tổng thể về TĐ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết cả nước có 1.239 dự án TĐ, qua rà soát đã loại bỏ 424 dự án. Đồng thời, không xem xét đưa vào quy hoạch 172 vị trí tiềm năng, tạm dừng có thời hạn 136 dự án và tiếp tục rà soát, đánh giá 158 dự án.

Về dự án TĐ Đồng Nai 6, 6A, sau khi các nhà khoa học, các đại biểu QH và dư luận lên tiếng phản đối, hai dự án này đã được loại khỏi quy hoạch. Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN&MT Phan Xuân Dũng, báo cáo của Chính phủ cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc để hạn chế thất thoát và lãng phí cho người dân, DN và xã hội. “Qua hai dự án này, cần thiết phải nghiên cứu, xem xét, sửa đổi quy định về quy trình lập, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho phù hợp” - ông Dũng đề nghị.

Thủy điện nhỏ gây hại: Trách nhiệm của ai? ảnh 1

Trong thời gian qua, một số công trình TĐ vừa và nhỏ khu vực miền Trung, Tây Nguyên đã xảy ra sự cố, gây thiệt hại về người và tài sản. Trong ảnh: TĐ Đăk Rông 3 (Quảng Trị) bị vỡ tường chắn bê tông. Ảnh: TT

Theo ông Dũng, gần 90% số dự án trong quy hoạch là TĐ nhỏ nhưng đóng góp về tổng công suất của các dự án này chỉ chiếm khoảng 26%. “Mục tiêu, lợi ích kinh tế của TĐ thường được đặt lên hàng đầu trong quá trình lập quy hoạch. Chất lượng quy hoạch TĐ, đặc biệt là TĐ nhỏ, trong thời gian qua còn hạn chế. Khoảng 34% tổng số dự án TĐ vừa và nhỏ phải loại bỏ khỏi quy hoạch. Nếu tính thêm số các dự án tạm dừng, tiếp tục đánh giá thêm tác động môi trường, kinh tế xã hội và hiệu quả đầu tư thì quy hoạch TĐ nhỏ sẽ bị điều chỉnh khá nhiều” - ông Dũng nói.

An toàn phải đặt lên hàng đầu

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho hay trong số các công trình TĐ nhỏ, gần 30% số đập chưa được kiểm định; khoảng 66% đập chưa có phương án bảo vệ được phê duyệt; gần 55% số chủ đập chưa có phương án phòng, chống lụt bão… Ủy ban KH-CN&MT cũng đánh giá việc quản lý chất lượng công trình xây dựng hầu như được giao hoàn toàn cho chủ đầu tư, thiếu sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước. Công tác quản lý an toàn tại các công trình TĐ nhỏ chưa thực sự tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định, tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường.

“Trong thời gian qua, một số dự án, công trình TĐ vừa và nhỏ khu vực miền Trung, Tây Nguyên đã xảy ra sự cố, gây thiệt hại về người và tài sản. Cụ thể như TĐ Đăk Rông 3 (Quảng Trị) bị vỡ tường chắn bê tông; TĐ Đăm Bol - Đạ Tẻl (Lâm Đồng) vỡ đường ống áp lực gây chết người; TĐ Đăk Mêk 3 (Kon Tum) đổ tường phía thượng lưu đập khi đang thi công gây chết người; TĐ Ia Krêl 2 (Gia Lai) vỡ đập khi bắt đầu tích nước... Đáng chú ý là TĐ Sông Tranh 2 (Quảng Nam) có hiện tượng thấm nước qua thân đập và xảy ra động đất kích thích gây hoang mang, lo lắng, hư hại tài sản của người dân trong khu vực…” - ông Dũng dẫn chứng và nhấn mạnh nhiệm vụ bảo đảm yêu cầu chất lượng, an toàn đối với công trình TĐ, đặc biệt là TĐ vừa và nhỏ, phải được đặt lên hàng đầu. Trong không ít trường hợp, an toàn đập, hồ chứa công trình TĐ còn gắn với an ninh quốc gia.

Từ kết quả rà soát quy hoạch tổng thể TĐ, Ủy ban KH-CN&MT đề nghị Chính phủ làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc loại bỏ các dự án TĐ khỏi quy hoạch gây tốn kém, lãng phí nguồn lực; không thực hiện nghiêm ngặt quy định pháp luật về đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình TĐ gây sự cố, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân...

Thủy điện nhỏ gây hại: Trách nhiệm của ai? ảnh 2
Thủy điện nhỏ gây hại: Trách nhiệm của ai? ảnh 3

THU HẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm