Tiếng hát và nước mắt tiễn đưa người anh hùng dân tộc

Sáng nay 7/10, ngày thứ 2 căn nhà số 30 Hoàng Diệu mở cửa để đón tiếp đồng bào cả nước tới tiễn biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Phố Hoàng Diệu ngày thường rộng dài là thế mà hôm nay chật kín người, từng đoàn người xếp hàng một cách trật tự. Họ lặng lẽ nhích từng bước, từng bước. Không ai bảo ai tất cả đều chuẩn bị những bó hoa cúc vàng để kính viếng người Đại tướng tài ba, đức độ của toàn dân tộc. Có lẽ hiếm có một sự kiện nào lại khiến nhiều trái tim phải thổn thức, đau thương đến thế. Hàng trăm nghìn người cùng hướng ánh mắt vào số nhà 30 Hoàng Diệu với một sự kính cẩn, trang trọng, nhiều người mắt đã đỏ hoe, ngấn lệ…


Triệu trái tim đều hướng về phố Hoàng Diệu
Lặng lẽ, cẩn thận nâng niu từng bức ảnh được chụp chung với Đại tướng, bà Vân Quý - cựu chiến sỹ đoàn văn Công xung kích Thái Bình - xúc động cho biết, khoảnh khắc được hát tặng Đại tướng là những giây phút quý giá nhất trong cuộc đời mình: “Lần đầu tiên có may mắn được hát cho Đại tướng khi ấy tôi 20 tuổi nhân dịp Đại tướng tới thăm đơn vị tại Đường mòn Hồ Chí Minh. Đại tướng bắt tay và hỏi quê tôi ở đâu? Khi biết tôi ở Thái Bình, Đại tướng liền cười lớn và yêu cầu tôi hát bài Chị Hai Năm Tấn, rồi Chiếc gậy Trường Sơn, Trên Đỉnh Trường Sơn ta hát… Tôi hát xong bài nào, Đại tướng cũng vỗ tay khen hay. Sau này khi có cơ hội được hát tặng Đại tướng trong lần chúc thọ, Đại tướng vẫn yêu cầu tôi hát những bài hát cách mạng, hào hùng…”. Trong ấn tượng của bà Quý, Tướng Giáp là một người yêu văn nghệ và rất vui tính. Trước mỗi bài hát, Đại tướng đều chăm chú lắng nghe, thỉnh thoảng bác còn hát theo điệu nhạc. Nghe tin Đại tướng ra đi, bà Quý đã vội vã bắt xe từ đêm ra Hà Nội. Là người chiến sỹ thân cận, từng được may mắn ở cùng tướng Giáp trong những ngày tháng hào hùng nhất của lịch sử dân tộc, thiếu tá Nguyễn Thế Bình – Cục Tình báo (Bộ Tham mưu) - nghẹn ngào trước thông tin người anh cả của lực lượng vũ trang nhân dân qua đời. Ngay từ sáng sớm, ông Bình đã bắt xe lên Hà Nội để được vĩnh biệt người tướng tài của toàn dân tộc. Lấy khăn lau dòng nước mắt, ông Bình cho biết: “Sáng ngày 5/6 được anh Võ Hoài Nam gọi điện thông báo về sự ra đi của Đại tướng, cả tối hôm đó tôi không tài nào chợp mắt, đau đớn, nghẹn ngào như vừa mất đi thứ quý giá của mình…”. Lật dở từng mảnh ghép, ông Bình cho biết lần gặp Đại tướng mới đây nhất là chúc thọ Đại tướng tròn 103 tuổi, khi ấy Đại tướng đã yếu nhiều, không còn nhận biết được ai vào thăm. Chỉ duy có khuôn mặt vẫn hiện lên vẻ quắc thước. Từng là người được Đại tướng tin tưởng giao cho các chỉ thị mật tại chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Bình vẫn nhớ như in thời khắc trước cuộc chiến đấu lịch sử của toàn dân tộc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã họp bàn kín với các anh em chiến sỹ. Ngoài việc đưa ra kế hoạch tác chiến cụ thể, Tướng Giáp còn khẳng định: “Sau những ngày mưa này là những ngày đen tối nhất của bọn giặc…”. Không ai ngờ về sau tất cả đều đúng như dự tính của Đại tướng. Quân và dân ta đã làm nên một trận đấu giòn giã. Chiến thắng Điện Biên Phủ mở ra một trang vàng chói lọi trong lịch sử dân tộc, buộc chính quyền Pháp phải ký hiệp định Genever và lập lại hòa bình Đông Dương. Trong hàng đoàn người đang đổ về con đường Hoàng Diệu, chúng tôi bắt gặp hình ảnh một người chiến sỹ đã từng may mắn được phục vụ, chuẩn bị máy bay cho Đại tướng trong những lần đi chiến dịch. Ông tên là Trần Xuân Toản - cựu phi công sư đoàn bay Li - 2 (Sân bay Gia Lâm). Nhắc đến hình ảnh người anh Cả của lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam, người chiến sỹ già bật khóc và không kìm nén được sự xúc động. Ông Toản cho biết ngoài đời Đại tướng thân thiện và rất gần gũi, quan tâm đến các chiến sỹ. Nhưng trên chiến trướng, Đại tướng lại là một người nghiêm cẩn, thận trọng từng chút một. Mỗi khi thực hiện một nhiệm vụ quân sự nào đó, ông thường chỉ thông báo cho một người thân cận nhất. Ngay cả bản thân là người trực tiếp lái máy bay cho Đại tướng, ông Toản cũng không thể biết nội dung, múc đích của kế hoạch, chuyến đi. Nén xúc động, ông Toản nghẹn ngào cho biết, từ sáng sớm ông đã bắt xe đến căn nhà 30 Hoàng Diệu để được tiễn đưa Đại tướng lần cuối: “Dù phải xếp hàng bao lâu nữa, bằng mọi giá tôi cũng phải vào bằng được nhà Đại tướng. Từ nay tôi không còn cơ hội phục vụ con người vĩ đại ấy nữa rồi, đau đớn này tôi không biết phải diễn tả làm sao?”. “Lời cảm ơn của Đại tướng…” Quá trưa, cái nắng hanh khô của mùa thu Hà Nội vẫn không ngăn bước dòng người đổ về mỗi lúc một đông. Hai hàng, rồi ba hàng… nhiều người phải xếp tràn lên vỉa hè dài hàng km của con phố đối diện. Kiên nhẫn xếp hàng từ sáng sớm, ông Phạm Hồng Đảng (70 tuổi) mắt rưng rưng rơi lệ, nhắc lại kỷ niệm từng được bác Giáp nhấc bổng, cầm cờ giải phóng vẫy chào các chiến sỹ quân đội trong một lần Tướng Giáp tới thăm đơn vị. Nhớ về khoảnh khắc xúc động ấy, ông Đảng bồi hồi: “Khi ấy tôi tròn 17 tuổi cũng vừa được kết nạp vào Đảng. Bác Giáp đến thăm đơn vị tôi, ôm chặt lấy và nhấc bổng tôi lên. Tôi còn nhớ khi ấy Đại tướng đã ghé vào tai tôi và dặn dò: Cảm ơn tuổi trẻ của các cháu, sau này đất nước có phát triển không chính là nhờ sự vươn lên của những người trẻ…”. Bị bệnh đau chân không đi vững nhưng ông Đảng kiên quyết nhờ người cháu họ dìu đi để được vĩnh biệt vị Tổng Tư lệnh của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong dòng người lặng lẽ tới viếng Đại tướng còn có những cựu chiến binh cao tuổi, những bà nội trợ, bác xe ôm, anh công nhân, những em học sinh nhỏ tuổi chưa hiểu hết những năm tháng đau thương mà hào hùng của dân tộc... Tất cả dường như hòa vào trong không khí trang trọng, linh thiêng tiễn đưa một con người mà tất cả thống nhất hai từ "VĨ ĐẠI" để nói về ông - Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Theo Hà Trang - Trọng Trinh (Dân Trí)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm