Tiêu cực làm TNGT thêm trầm trọng

“Nói nguyên nhân tai nạn do ý thức của lái xe là đúng nhưng chưa đủ, chưa công bằng. Bởi ý thức lái xe không phải tự dưng có, mà phải đi kèm với việc thực thi công vụ một cách nghiêm minh” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu ý kiến tại phiên giải trình của Ủy ban Quốc phòng - An ninh về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô ngày 30-8.

Tiêu cực từ… phòng máy lạnh

Đề cập việc thực thi công vụ, bà Nga đặt vấn đề: “Tại sao một xe quá tải đi từ Nam ra Bắc, qua biết bao nhiêu trạm tuần tra kiểm soát mà CSGT và thanh tra giao thông (TTGT) không ai phát hiện ra? Theo kết quả khảo sát công bố cách đây không lâu của Tổ chức Minh bạch thế giới thì CSGT thuộc tốp đầu về tham nhũng. Nhưng chúng tôi thấy lạ là vẫn có lãnh đạo Cục CSGT phát biểu rằng “nhận của lái xe, nhận của người tham gia giao thông dăm ba chục, một vài trăm mà nói là tham nhũng thì không thỏa đáng”. Vì vậy, bà Nga đề nghị đại diện Bộ Công an, Bộ GTVT phải cho biết rõ việc xử lý tiêu cực, tham nhũng trong lực lượng CSGT, cũng như trong đăng kiểm và đào tạo lái xe.

Tiêu cực làm TNGT thêm trầm trọng ảnh 1

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng: “Không dung túng, không “bảo kê” thì ý thức của lái xe sẽ được nâng lên”. Ảnh: THÀNH VĂN

Trong phóng sự truyền hình phát tại phiên giải trình cũng cho thấy tài xế đã phản ánh thực tế là nếu báo trước cho công an thì xe quá tải hoàn toàn có thể an tâm đi đường mà không sợ bị phạt. Nhưng nếu không “làm luật” thì ra đường lập tức sẽ bị xử phạt ngay.

Thừa nhận phát biểu của bà Nga là “chính xác”, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dân chấp hành pháp luật kém nhiều khi có từ… phòng máy lạnh chứ không chỉ từ ngoài đường. “Chúng tôi xác định pháp luật thì phải nghiêm minh, người thực thi pháp luật phải nghiêm minh, không dung túng, không bảo kê” - ông Thăng nói và khẳng định sẽ chấn chỉnh nghiêm những tiêu cực trong đào tạo lái xe và hoạt động đăng kiểm.

Chưa minh bạch vì thiếu tiền

Được mời trả lời các câu hỏi đại biểu Nga nêu ra, Trung tướng Đỗ Đình Nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội, đã liệt kê hàng loạt những biện pháp, giải pháp của Bộ Công an, của CSGT trong việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông như: mở nhiều đợt cao điểm, xử lý nhiều vi phạm về tốc độ, lấn làn đường, chở quá tải…

Ngắt lời, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh đề nghị Trung tướng Nghị không nêu tình hình mà trả lời ngay vào giải pháp ngăn chặn. Đến lúc này, ông Nghị mới trả lời rằng tiêu cực của CSGT là có. Nhưng theo ông, CSGT cũng đã đáp ứng được nhiệm vụ, trong công tác có rất nhiều người hy sinh và bị thương, nhiều người không nhận mãi lộ.

Về giải pháp, theo ông Nghị, Bộ đã có nhiều giải pháp để ngăn chặn tiêu cực như đề nghị xử phạt qua tài khoản để tránh tình trạng người vi phạm thỏa hiệp với lực lượng xử phạt; đồng thời đề nghị nâng chế độ bồi dưỡng cho CSGT để đảm bảo hoạt động. Để minh bạch hơn trong việc xử phạt, Bộ cũng đã đề nghị xây dựng hệ thống giám sát giao thông trên các tuyến đường để xử phạt qua hình ảnh. Nhưng các kiến nghị trên đều chưa thực hiện được… “Việc ngăn chặn tiêu cực chúng tôi làm rất quyết tâm nhưng có lẽ không thể làm ngày một ngày mai mà phải làm thường xuyên” - ông Nghị nhấn mạnh.

Phản hồi lại ý kiến của ông Nghị, bà Nga khẳng định bà ghi nhận những đóng góp và sự hy sinh của lực lượng CSGT. Tuy nhiên, thực trạng này đã tồn tại từ nhiều khóa Quốc hội và chuyển biến không nhiều. Theo bà, Cục CSGT phải nghiêm túc, lãnh đạo phải nghiêm khắc đối với cán bộ và đừng có nghiêm khắc theo hướng “nhận vài ba chục mà nói tham nhũng là không thỏa đáng”. Mặt khác, Quốc hội cần tiến hành một đợt giám sát tối cao về tai nạn giao thông và nghiên cứu nguyên nhân kinh tế dẫn đến tai nạn giao thông. “Chi phí xăng dầu, cầu đường tăng, thêm những chi phí không chính thức, chi phí “làm luật” trên đường dễ trở thành gánh nặng khiến lái xe, chủ xe tiếp tục vi phạm” - bà Nga nêu ý kiến.

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm