Tìm lối ra cho dự án “treo”

“Hiện đã có kết quả kiểm tra, rà soát và phân loại quy hoạch “treo” trên địa bàn TP. Tuy nhiên, cần làm rõ định nghĩa quy hoạch “treo”, dự án “treo” thì mới có giải pháp cụ thể” - ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, nhấn mạnh tại cuộc họp (ngày 7-12) của Sở TN&MT với các sở, ngành, quận, huyện về xử lý dự án “treo”.

Hai nội dung chính được tập trung thảo luận tại cuộc họp là tiêu chí phân loại và biện pháp xử lý dự án “treo”; công tác bồi thường hỗ trợ đối với nhà ở, công trình được cấp phép xây dựng tạm.

Định nghĩa chi tiết dự án “treo”

Theo quan điểm của Sở TN&MT, dự án “treo” là những dự án có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và giao cho chủ đầu tư tổ chức bồi thường giải phóng mặt bằng để chuẩn bị thực hiện dự án. Tuy nhiên, chủ đầu tư thực hiện chậm (quá 24 tháng) hoặc chưa thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng. Điều này làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế-xã hội. Nguyên nhân do chủ đầu tư năng lực kém, thiếu hợp tác với cơ quan nhà nước để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng hoặc cơ quan nhà nước chậm hỗ trợ thủ tục pháp lý cho chủ đầu tư.

Tìm lối ra cho dự án “treo” ảnh 1

Dự án công viên đa năng tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh đã “treo” hơn 10 năm nay. Ảnh: HTD

Qua kết quả rà soát các dự án chậm triển khai, Sở TN&MT đề xuất ba tiêu chí phân loại dự án. Đó là: Dựa vào tỉ lệ phần trăm đã bồi thường, giải phóng mặt bằng; Tình hình triển khai đầu tư xây dựng; Kết quả lập thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư thực hiện dự án.

Theo Sở TN&MT, dự án đã bồi thường dưới 50% diện tích đất dự án thì theo chỉ đạo của TP là không tiếp tục gia hạn thời hạn chủ trương đầu tư. Đối với dự án đã bồi thường từ 50% đến dưới 80%, nếu chủ đầu tư đảm bảo tiến độ thì quận, huyện hỗ trợ giải quyết các vướng mắc. Nếu không tiếp tục thỏa thuận, bồi thường giải phóng mặt bằng phần diện tích đất còn lại thì kiến nghị UBND TP xem xét điều chỉnh giảm quy mô dự án.

Đối với dự án đã bồi thường từ 80% đến dưới 100%, Nhà nước sẽ hỗ trợ chủ đầu tư thực hiện thủ tục thu hồi phần đất còn lại theo quy định đối với các dự án thuộc diện Nhà nước thu hồi để sớm hoàn tất dự án. Các trường hợp có diện tích nhỏ, hiệu quả xã hội thấp thì kiến nghị cho rà soát điều chỉnh quy hoạch, giảm diện tích thực hiện dự án.

Đối với dự án đã bồi thường 100% nhưng do chủ đầu tư thiếu vốn hoặc do tình hình thị trường bất động sản không có đầu ra, Sở TN&MT kiến nghị TP cho tạm ngưng, hỗ trợ lãi vay hợp lý, giãn tiến độ đầu tư hoặc chuyển sang sử dụng tạm vào mục đích khác.

Xây dựng tạm có thể được hỗ trợ

Theo Nghị định 64/2012, các trường hợp cấp phép xây dựng tạm không được bồi thường, hỗ trợ khi thực hiện dự án. Đây là vấn đề phần lớn các quận, huyện đều cho rằng nên tháo gỡ để người dân đỡ thiệt hại.

Đại diện quận Bình Thạnh đề nghị đối với trường hợp nhà trong quy hoạch đã đập đi và xây mới thì cần lật lại hồ sơ để bồi thường nhà cũ với mức giá vật liệu xây dựng như nhà mới. Điều này để tránh trường hợp, nhà người dân trong quy hoạch đã hư hỏng, nếu không sửa chữa hoặc xây mới thì ảnh hưởng đến đời sống người dân. Nếu xây mới thì do nằm trong quy hoạch nên chỉ được cấp phép xây dựng tạm (có nghĩa không được bồi thường khi thực hiện dự án).

Quận Thủ Đức cũng đề xuất đối với các quy hoạch “treo” không biết khi nào thực hiện thì nên mạnh dạn cấp phép xây dựng tạm cho người dân. Quy mô xây dựng bao nhiêu tầng sẽ do cấp quận, huyện quy định theo quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc. Huyện Bình Chánh cũng đề nghị trong thời gian chưa thực hiện quy hoạch nên cho người dân được khai thác tạm bằng một số hình thức phù hợp như san lấp để xây nhà trọ, bãi xe, sân bóng…

Ông Đào Anh Kiệt đánh giá đề xuất của các quận, huyện là những gợi ý hợp lý để Sở xây dựng dự thảo trình TP về biện pháp xử lý đối với dự án “treo” trong thời gian tới.

Theo Sở TN&MT, có ba trường hợp không bị liệt vào dự án “treo”: 1. Dự án mới được chấp thuận chủ trương đầu tư; 2. Dự án chủ đầu tư đã bồi thường, giải phóng mặt bằng 100% diện tích nhưng chưa triển khai xây dựng và không ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng đất; 3. Dự án chủ đầu tư đã bồi thường trên 80% diện tích đất nhưng còn một số ít người sử dụng đất trong dự án bất hợp tác. Chủ đầu tư đã đưa ra nhiều phương án bồi thường nhưng vẫn không được chấp nhận.

VIỆT HOA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm