Tòa án phải là chỗ dựa công lý của dân

Chiều 22-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7 Quốc hội (QH) khóa XIII, khi thảo luận về dự án Luật Tổ chức TAND sửa đổi và Luật Tổ chức VKSND sửa đổi, các đại biểu (ĐB) cho rằng: Nếu thẩm phán, chánh án vẫn bị lệ thuộc vào công tác tổ chức cán bộ thì không thể có chuyện xét xử độc lập và cán cân công lý sẽ bị ảnh hưởng.

Tòa án không được quyền từ chối dân

Đề cập đến tám quyền tư pháp tại Điều 2 của dự thảo Luật Tổ chức TAND sửa đổi, ĐB Hà Công Long - Phó Trưởng ban Dân nguyện nêu ông chỉ hiểu được ba quyền là: Xét xử những vụ án hình sự, dân sự…; áp dụng, kiểm tra, hủy bỏ việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhà nước hạn chế quyền con người, quyền công dân; xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ để bảo đảm xét xử, giải quyết các vụ việc đúng pháp luật… Còn lại những quyền như tham gia ý kiến về tính hợp hiến, hợp pháp của các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết trước khi trình QH, Ủy ban Thường vụ QH; kiến nghị QH, Ủy ban Thường vụ QH bãi bỏ văn bản của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ… thì ông không thể hiểu. “Đây là những điều rất mới và tôi thấy mọi thứ đảo lộn, không hiểu kiến thức mình học từ trước đến nay đúng hay sai?” - ông Long than.

ĐB Huỳnh Ngọc Ánh, Phó Chánh án TAND TP.HCM, thừa nhận đây là vấn đề mới và cũng hết sức phức tạp. Định nghĩa được quyền tư pháp như thế nào rất khó. Nhiều điểm trong dự thảo này chỉ là tương đối.

Theo ĐB Huỳnh Ngọc Ánh, Phó Chánh án TAND TP.HCM, quyền tư pháp là vấn đề mới và rất phức tạp. Ảnh: THU HẰNG

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cảnh báo: 500 ĐBQH ngồi đây thảo luận, thông qua luật nhưng đến khi xét xử mà thẩm phán hiểu sai luật, áp dụng sai luật thì sẽ làm vô hiệu hóa cả 500 người của QH. Theo ông Cường, việc dự thảo cóp nhặt những việc mà tòa án đang làm rồi gọi là quyền tư pháp là không phù hợp. “Hiến pháp mới ban hành đã quy định một điều rất quan trọng là “tòa án là chỗ dựa công lý của người dân”. Do vậy, không thể nào để tòa án có quyền từ chối người dân. Không thể nói pháp luật không quy định nên tôi không có thẩm quyền xét xử. Thay vào đó, tòa án phải giống như Bao Công ngày xưa, khi người dân có oan đánh trống thì tòa phải nghe và phải xử. Có như thế mới là chỗ dựa công lý. Chứ bây giờ liệt kê thế, còn những cái không quy định thì không làm hay sao? Và việc dân cứ để đấy hay sao? Nếu như thế chúng ta sẽ đi ngược lại tất cả giá trị chung của nền tư pháp thế giới” - ông Cường phân tích.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị TAND Tối cao cần tiếp tục nghiên cứu để thể hiện rõ hơn trong dự thảo luật, bảo đảm cho TAND thực hiện đầy đủ chức năng, quyền hạn theo quy định của hiến pháp mới và định hướng cải cách tư pháp.

Lệ thuộc thì không thể độc lập

Đề cập về quy định thành lập tòa án khu vực (TAKV), ĐB Đỗ Văn Đương nhận xét đây là vấn đề phức tạp. Nếu thành lập TAKV thì tốn kém không biết bao nhiêu tiền xây trụ sở, tác động biết bao nhiêu người trong ngành. Cho nên vấn đề chính không phải là việc có thành lập TAKV hay không, mà quan trọng là ở khâu độc lập trong xét xử. Hơn nữa, nếu thành lập TAKV thì ở những vùng miền núi xa xôi người dân sẽ đi lại hết sức khó khăn.

Trái với quan điểm trên, ĐB Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội lại cho rằng thành lập TAKV là phù hợp. Có như thế mới tách tòa án ra khỏi phạm vi hành chính và giảm được số lượng tòa án. Ông Hùng nói: “Một đất nước tăng thêm trường học, doanh nghiệp thì tốt chứ nhiều tòa án quá thì rất đáng suy nghĩ”. Đồng thời, ông cũng gợi ý, ở đồng bằng với các huyện gần nhau thì có thể 3-4 huyện một tòa án. Nhưng ở vùng sâu thì có thể hai huyện một tòa án...

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng ủng hộ quan điểm thành lập TAKV vì “có như thế tòa án mới không phụ thuộc vào chính quyền địa phương và mới độc lập được”. Tuy nhiên, ông Cường cũng lưu ý nếu quy định chánh án TAND Tối cao bổ nhiệm chánh án tòa án khu vực thì sẽ làm ảnh hưởng đến công tác xét xử. “Khi anh đã bị lệ thuộc vào công tác tổ chức cán bộ thì làm sao có chuyện độc lập xét xử. Khi thẩm phán đã bị ảnh hưởng, đương nhiên cán cân công lý sẽ bị ảnh hưởng theo” - ông Cường bình luận.

Tương tự, đối với các quy định trong dự thảo Luật Tổ chức VKSND, ông Cường cũng cho rằng phải tạo sự độc lập cho kiểm sát viên khi tham gia các vụ án. “Ở các nước, viện trưởng muốn chỉ đạo kiểm sát viên buộc tội này, tội kia thì bắt buộc phải bằng văn bản để sau này còn chịu trách nhiệm. Còn khi không có văn bản thì kiểm sát viên, công tố viên sẽ hoàn toàn độc lập…”. Tuy nhiên, ở nước ta đây lại là điểm yếu. “Vì xin lệnh của viện trưởng rồi nên khi ra tòa kiểm sát viên chẳng tranh tụng gì. Luật sư tốn công, tốn sức để bào chữa nhưng kiểm sát viên chỉ nói tôi giữ nguyên quan điểm, thế là chẳng còn chuyện gì để nói nữa” - ông Cường cho hay.

THÀNH VĂN - THU HẰNG

 

Đề nghị xem lại quy định án lệ

Việc TAND Tối cao đề nghị quy định án lệ trong dự thảo luật là chưa phù hợp. Bởi trong hệ thống pháp luật nước ta, quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Ngay cả các quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao nhiều khi còn bị xem xét lại. Hơn nữa nếu áp dụng án lệ chúng ta sẽ làm mất đi tính độc lập của thẩm phán. Khung hình phạt trong luật của chúng ta quy định rất rộng, thẩm phán có thể xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để quyết định bản án.

ĐB DƯƠNG NGỌC NGƯU,
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp

Không nên phân bậc thẩm phán

Thẩm phán là từ cấp huyện trở lên do Chủ tịch nước bổ nhiệm, không có cớ gì phân ra sơ cấp, trung cấp... Nếu quy định như vậy thì cần phải phân cấp tòa nào thẩm phán sơ cấp được xử, tòa nào thẩm phán trung cấp được xử…

ĐB LÊ THỊ NGUYỆN (Vĩnh Phúc)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm