Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Chúng ta phải chuẩn bị tất cả các khả năng

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi với các cử tri quận Tây Hồ (Hà Nội) tại buổi tiếp xúc sáng 1-7.

Theo Tổng Bí thư, vấn đề Biển Đông là vấn đề rất lớn, hệ trọng và nhạy cảm. Có thể nói trên thế giới rất nhiều nước quan tâm. Nó liên quan tới sự ổn định và phát triển của đất nước, giữ gìn độc lập chủ quyền quốc gia, giải quyết quan hệ với Trung Quốc.

“Trung Quốc là một nước láng giềng lớn. Muốn ra sao cũng phải ăn đời ở kiếp với nhau, có ai không có láng giềng đâu? Vậy thì phải xử lý thế nào cho đúng. Việc này không phải bây giờ mới xảy ra mà đã xảy ra nhiều lần rồi. Chúng ta phải tìm cách làm sao chung sống hoà bình song cũng đồng thời phải giữ được độc lập, chủ quyền” - Tổng Bí thư nói.

Theo Tổng Bí thư, trong kỳ họp QH vừa qua, ngay từ những ngày đầu tiên bổ sung vào chương trình nghe báo cáo, thảo luận, sau đó, QH đã ra thông cáo, tuyên bố việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế là vi phạm luật pháp quốc tế, chúng ta phản đối, kịch liệt lên án và đòi Trung Quốc phải rút giàn khoan khỏi vùng biển Việt Nam.

“Chúng ta chủ trương đấu tranh một cách toàn diện cả trên thực địa, cả bằng chính trị, ngoại giao. Nhưng với tinh thần tỉnh táo, kìm chế, không để xảy ra xung đột, chiến tranh. Nếu xảy ra chiến tranh sẽ trái với mục tiêu hoà bình ổn định để xây dựng và phát triển đất nước” - Tổng Bí thư bộc bạch.

Tổng Bí Thư cũng cho rằng Trung Quốc muốn hiện thực hoá đường lưỡi bò, độc chiếm biển Đông, muốn khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc. Ta nói rằng Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Hoàng Sa thì trên thực tế Trung Quốc đang chiếm giữ, họ đã hai lần đánh chiếm Hoàng Sa và lần gần nhất là năm 1974 khi chúng ta chưa giải phóng miền Nam. Do đó, chúng ta tiếp tục khẳng định chủ quyền, đấu tranh để lấy lại Hoàng Sa. Chúng ta chủ trương đấu tranh bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và thoả thuận cấp cao giữa hai nước. Chúng ta sử dụng tất cả các biện pháp, kể cả đấu tranh pháp lý.

“Có ý kiến nói rằng, nhỡ xảy ra chiến tranh thì sao? Thì chúng ta cũng phải chuẩn bị tất cả các khả năng. Mong cho nó đừng xảy ra và làm cho nó không xảy ra. Trong thời buổi bây giờ, không ai muốn chiến tranh. Cho nên mọi hành động, lời nói, việc làm cần tính toán tổng thể, phối hợp nhịp nhàng trên các mặt trận”- Tổng Bí thư nói. 

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm