TP.HCM: Ban hành chính sách, phải hỏi ý dân

Sáng 24-12, đề án Cơ chế lấy ý kiến nhân dân đối với những chủ trương, chính sách quan trọng của Thành ủy, UBND TP có liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của nhân dân được Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM đưa ra lấy ý kiến của các sở, ngành và đoàn thể.

Chính sách liên quan đến dân cũng bị giấu

Theo ông Võ Ngọc Châu, Phó Trưởng Ban Dân vận Thành ủy, thời gian qua việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân có nơi, có lúc còn hình thức, người góp ý chưa tích cực và có tâm lý coi việc xây dựng văn bản là của cơ quan soạn thảo... Từ đó dẫn tới việc một số chủ trương, chính sách, hoặc văn bản quy phạm pháp luật của TP chưa sát với thực tế nên vừa mới ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung, hoặc không thể đi vào cuộc sống, gặp sự phản ứng gay gắt của nhân dân như Quyết định 64/2009 phê duyệt quy hoạch kinh doanh nông sản, thực phẩm; Quyết định 88/2008 về thu phí vệ sinh và phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn thông thường; chủ trương cổ phần hóa BV Bình Dân...

TP.HCM: Ban hành chính sách, phải hỏi ý dân ảnh 1

Ban hành văn bản, chính sách cần hỏi ý kiến dân để tránh thiếu thực tế, bất khả thi.

“Cái khó là thời gian quá gấp, trong khi đó chúng tôi phải nghiên cứu đối tượng để lấy ý kiến cho sát với nội dung. Nếu cơ quan soạn thảo cứ làm từ từ rồi còn mấy ngày cuối cùng mới kêu MTTQ cho ý kiến thì chúng tôi chỉ đọc cũng không đủ thời gian” - ông Phạm Văn Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP, góp ý.

Theo bà Ung Thị Xuân Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, nhiều sở, ngành còn chưa công khai thông tin trên trang web cơ quan mình để lấy ý kiến người dân. Thậm chí có những chính sách liên quan đến người dân mà khi báo chí xin thông tin, cơ quan đó không những không cho mà còn giấu giếm.

Ý kiến cần được phản hồi

Ông Hải nói rằng không thấy cơ quan soạn thảo văn bản phản hồi những ý kiến đóng góp. “Có người nói anh mời tôi đến lấy ý kiến nhưng tôi có thấy tiếp thu gì đâu. Phải phản hồi để chúng tôi hiểu không tiếp thu ý kiến đó là vì cái gì”.

Ông Phạm Gia Hòa (Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Tài nguyên môi trường và Đăng ký nhà đất) góp ý: “Văn bản tiếp thu ý kiến người dân cần được công bố trong cuộc họp báo giới thiệu văn bản quy phạm mới, nếu chỉ nằm trong hồ sơ thì không ai biết. Việc công bố cả văn bản tiếp thu ý kiến sẽ làm cho mọi người thấy góp ý của mình được ghi nhận thế nào trong văn bản mới ban hành. Còn không, họ sẽ thấy góp ý chỉ là hình thức và họ sẽ không mặn mà”.

Bà Hương cho biết vừa qua có lấy ý kiến sở, ngành về việc nếu trong năm mà sở, ngành nào có từ hai lần trở lên không lấy ý kiến nhân dân thì phải bị nhắc nhở, kiểm điểm nhưng không sở nào đồng ý. Nhiều ý kiến thống nhất nguyên tắc chung: nếu không có ý kiến của nhân dân đối với những việc quy định phải lấy ý kiến thì chính sách đó sẽ không được UBND TP xem xét.

Những văn bản cần lấy ý kiến dân

- Quyết định, chỉ thị trên lĩnh vực nhà, đất; giá cả đền bù giải tỏa, tái định cư; phí, lệ phí thuộc thẩm quyền TP như giá nước, học phí...

- Kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế dài hạn từ năm năm trở lên. Quy hoạch ngành thương mại, giao thông, công trình phúc lợi...

- Quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết; quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất.

- Dự án đầu tư có liên quan đến di dời, giải tỏa; dự án đầu tư có ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của người dân.

- Việc xây dựng các tượng đài, biểu trưng văn hóa.

(Trích dự thảo đề án)

NHẪN NAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm