TP.HCM: Cần cơ chế sử dụng chuyên gia theo công trình, dự án

Sáng 4-6, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đã tổ chức tọa đàm với chủ đề “Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết, cùng Đảng bộ TP xây dựng TP thông minh, phát triển nhanh, bền vững, vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của nhân dân”.

Bà Phạm Phương Thảo phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: PHƯƠNG THÙY

Phát biểu tại tọa đàm, bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, cho rằng mặc dù TP đạt được nhiều thành tựu lớn nhưng vẫn còn nhiều điều trăn trở như tình trạng ngập nước, ùn tắc giao thông, chất lượng nguồn nhân lực, những hạn chế trong cải cách hành chính, nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm...

Theo bà Thảo, vấn đề đặt ra là phải coi trọng công tác xây dựng Đảng, tăng cường giữ mối liên hệ với dân, kiểm tra, xử lý dứt điểm các vấn đề tiêu cực gây bức xúc, giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ để làm hạt nhân đoàn kết toàn xã hội.
Để tạo sự bức phá, giữ vững vai trò đầu tàu, bà Thảo cho rằng TP.HCM cần tập trung tạo đột phá về phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông (tạo sự kết nối bên trong và bên ngoài TP với khu vực và các vùng miền) và hạ tầng số với hệ thống thông tin di động 5G.
TP cũng cần nghiên cứu đề xuất những vấn đề liên quan về thể chế nhằm tháo gỡ những ách tắc, khắc phục sự chồng chéo, xung đột pháp luật và những cơ chế chính sách đặc thù... Từ đó tạo điều kiện triển khai mô hình chính quyền đô thị, thành phố thông minh, khu đô thị sáng tạo phía Đông và một số mô hình kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh...
TP cũng cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt trình độ quốc tế ở các lĩnh vực ưu tiên, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho TP và khu vực, có chính sách thu hút người tài, người giỏi đến TP làm việc. Đồng thời, có cơ chế sử dụng chuyên gia theo công trình, dự án, đề tài…

Ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: PHƯƠNG THÙY

Ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, cho rằng cần xây dựng cơ chế giải trình trực tiếp thường xuyên và định kỳ giữa nhân dân với chính quyền cũng như với các cán bộ, công chức.

“Mọi cán bộ, công chức đều có trách nhiệm giải trình trước cử tri và nhân dân. Đối với những vấn đề có liên quan đến quyền và lợi ích của nhân dân, những dự án, công trình lớn của đất nước, những chủ trương chính sách và hoạt động có ảnh hưởng đến đời sống người dân hay tác động đến môi trường sống thì cấp thẩm quyền cần tổ chức cho các giới trí thức, các nhà khoa học, chuyên gia, các đoàn thể xã hội… tham gia giám sát và được lắng nghe một cách thật lòng” - ông Trực nói.
Ông Trực cũng cho rằng cần tổ chức và huy động đội ngũ trí thức khoa học các lĩnh vực, ngành nghề tham gia phản biện khoa học các chủ trương, chính sách, các đề án, chương trình, dự án đầu tư phát triển của Chính phủ và chính quyền TP.HCM.

Ông Huỳnh Đảm, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho rằng cần đưa những cán bộ có đạo đức, năng lực tham gia công tác mặt trận. Ảnh: PHƯƠNG THÙY

Trong khi đó ông Huỳnh Đảm, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho rằng các cấp ủy Đảng, trước tiên cần thấu hiểu lòng dân rồi sau đó mới xây dựng các chủ trương, chính sách.

“Các cấp ủy Đảng cần đưa những cán bộ có đạo đức, năng lực, nhiệt huyết, gần dân, hiểu dân tham gia công tác mặt trận” - ông Đảm nói.
Ghi nhận những ý kiến tại tọa đàm, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, cho biết qua các tham luận tại buổi tọa đàm cho thấy hệ thống chính trị TP đã và đang luôn nỗ lực, phấn đấu, ra sức phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng TP thông minh, phát triển nhanh, bền vững, vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của nhân dân.

Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổng kết các tham luận. Ảnh: PHƯƠNG THÙY

Theo bà Châu, một trong những bài học kinh nghiệm trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc được rút ra là đẩy mạnh công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức các cấp “gần dân, hiểu dân, học dân, trọng dân và có trách nhiệm với dân”; gương mẫu, tận tụy với công việc, nói đi đôi với làm, thực sự là công bộc của nhân dân.

Đồng thời, đề cao vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là những người có chức, có quyền. Kiên quyết chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền vi phạm quyền dân chủ của nhân dân.
Trong thời gian tới, bà Châu cho biết các cấp của Mặt trận phải luôn là cầu nối, thường xuyên đối thoại, lắng nghe, tiếp thu, tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc, bức xúc, nguyện vọng chính đáng của người dân.
Song song đó, bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân, từ nêu sáng kiến, tham gia thảo luận, tranh luận đến giám sát quá trình thực hiện.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm