NGUYÊN CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN VĂN AN:

Tranh cử, bầu trực tiếp sẽ tạo thống nhất cao hơn

Năm 2010, khoảng 15%-20% đảng bộ cấp huyện và đảng bộ cấp tỉnh sẽ thí điểm việc đại hội trực tiếp bầu bí thư theo Chỉ thị 37-CT/TƯ của Bộ Chính trị. Từ những nghiên cứu và trải nghiệm của bản thân, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Văn An trao đổi với Pháp Luật TP.HCMnhững vấn đề ông quan tâm.

Thí điểm nhưng không phải là mới

. Thưa, từng nhiều lần nói và viết về vấn đề mở rộng và phát huy dân chủ, ông đánh giá thế nào trước việc thí điểm đại hội đảng bầu trực tiếp bí thư ở các cấp địa phương?

+ Tôi mong muốn thực hiện trước ở cấp Trung ương nhưng bây giờ Bộ Chính trị quyết định thí điểm ở các cấp cơ sở thì đó cũng là một chủ trương tích cực. Thí điểm là cách để chúng ta từng bước đưa dân chủ trực tiếp ra diện rộng. Trên thế giới, xét ở cả lý luận và thực tiễn, đây không phải là điểm mới, họ coi nó tự nhiên như hít thở vậy. Với ta, nó cũng không phải là điều chưa từng có trong tiền lệ bởi năm 1951, Đại hội Đảng lần thứ II đã bầu Bác Hồ làm Chủ tịch Đảng Lao động Việt Nam rồi.

Nhân đây tôi nói vấn đề nhất thể hóa (bí thư kiêm chủ tịch) cũng thế, bây giờ ta gọi là thí điểm nhưng điều đó đã diễn ra từ khi Bác Hồ vừa là Chủ tịch Đảng vừa là Chủ tịch nước. Đến nay thì tất cả các nước đều nhất thể hóa như thế, người đứng đầu đảng là người ứng cử chức danh đứng đầu nhà nước, đứng đầu chính phủ. Vì sao? Vì chủ tịch đảng là thủ lĩnh (leader) của đảng, thay mặt đảng đưa ra cương lĩnh, chịu trách nhiệm về cương lĩnh. Nếu cương lĩnh đó được dân chọn thì đảng đó trở thành đảng lãnh đạo và người đứng đầu đảng sẽ được lựa chọn đứng đầu nhà nước, lãnh đạo bộ máy nhà nước thực hiện cương lĩnh đó. Người lãnh đạo thực hiện cương lĩnh không tốt thì đảng đó sẽ lựa chọn lại, dân sẽ lựa chọn lại.

Tranh cử, bầu trực tiếp sẽ tạo thống nhất cao hơn ảnh 1

Nhất thể hóa sẽ tạo cho thủ lĩnh sáng tạo và có trách nhiệm cao hơn trong điều hành công việc. Ảnh minh họa: HTD

Lãnh đạo tốt thì sẽ được chọn

. Thưa ông, triết lý thủ lĩnh (leader) có mâu thuẫn gì với nguyên tắc tập trung dân chủ và mở rộng dân chủ không?

+ Người ta thường e ngại rằng trao quyền cho một người thì có nguy cơ chuyên quyền. Hiểu như vậy là chưa phân biệt được giữa thể chế “quân chủ chuyên chế” và “dân chủ cộng hòa”. Khác với vị trí một ông vua được coi là con trời, cho ai sống được sống, bảo ai chết phải chết... Trong thể chế “dân chủ cộng hòa” thì dân là chủ, dân làm chủ, dân ủy quyền cho ba cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp; dân lựa chọn cương lĩnh, lựa chọn người đứng đầu; dân có quyền giám sát và phế truất người đứng đầu theo pháp luật.

Trong đảng thì thủ lĩnh phải tuân theo cương lĩnh của đảng, nếu không sẽ mất tín nhiệm và bị đảng viên truất quyền ở kỳ bầu cử kế tiếp hoặc bất thường. Nếu thủ lĩnh đảng sang nắm quyền hành pháp thì anh ta phải chịu sự giám sát của Quốc hội, HĐND, của tòa án. Như vậy, anh vừa phải chịu trách nhiệm chính trị trước đảng lại vừa chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Thế nên, sự dẫn dắt của thủ lĩnh phải bằng cương lĩnh, bằng sự thuyết phục. Cái lợi của dân chủ trực tiếp là nó vừa mở ra không gian cho thủ lĩnh sáng tạo, phát huy, vừa tạo sự ràng buộc cao hơn về trách nhiệm. Ở trong phạm vi hẹp thì nhiều khi là tầm nhìn, là ý chí chủ quan, là quan hệ và lợi ích, rồi nể nang, dĩ hòa vi quý... Nhưng ra số đông, người ta chỉ thấy ông nói được và làm được, đức tài tốt, có triển vọng dẫn dắt thì người ta bỏ phiếu. Cho nên tất cả các nước người ta đều từ thực tiễn mà sinh ra thể chế, cơ chế, luật pháp, quy chế, quy định ngày càng mở rộng dân chủ trực tiếp như vậy. Tinh thần Cách mạng Tháng Tám 1945 và Hiến pháp 1946 cũng chính là như vậy đó.

Chuẩn bị nhiều ứng viên

. Theo tôi hiểu, trong bầu cử trực tiếp sẽ thí điểm sắp tới thì vẫn là cấp ủy khóa này giới thiệu nhân sự để khóa sau bầu. không ít người vẫn e ngại tính hình thức khi mà cấp ủy thường chỉ giới thiệu một người ra đại hội để “bầu tròn”?

+ Truyền thống của ta là cứ phải có hạt nhân chuẩn bị. Tôi thấy như vậy là đúng nhưng không nên chuẩn bị một người, mà nên chuẩn bị hai, ba người, qua vài ba vòng. Sau đó đưa ra đại hội phân tích anh A, B, C để cho đại biểu lựa chọn. Làm được như vậy sẽ là bước tiến lớn. Nhưng sẽ tốt hơn nếu từng ứng cử viên chuẩn bị chính kiến của mình (ở nhiều nước gọi là cương lĩnh tranh cử, chương trình hành động) để trình bày trước đại hội. Ngay cả khi đảng có cương lĩnh chung của đảng rồi thì mỗi ứng cử viên cũng nên chuẩn bị để phát biểu. Cương lĩnh như vậy nhưng chương trình hành động của tôi để thực hiện cương lĩnh như thế nào. Lúc đó nó bộc lộ chính kiến cá nhân để đại biểu lựa chọn.

Cần phải khẳng định vai trò chuẩn bị của hạt nhân nhưng để phòng ngừa cái hạt nhân hạn hẹp, chủ quan, chuẩn bị chưa tốt thì bổ khuyết bằng nguyên tắc số đông. Đưa ra đa số thì vừa mở rộng dân chủ trực tiếp ra số đông, vừa có sự lãnh đạo của hạt nhân lại vừa tránh được cái chủ quan, áp đặt của hạt nhân. Nếu hạt nhân mà chủ quan áp đặt, gò ép số đông phải theo thì mở rộng dân chủ cũng chỉ là hình thức. Có người nói số đông không sáng suốt, tôi nói số đông nếu không có dẫn dắt, không có sự thuyết phục thì mới không sáng suốt chứ. Còn nếu có lãnh đạo rồi, có hạt nhân rồi, có sự chuẩn bị đúng rồi mà không được chấp nhận thì vô lý quá, vì anh lãnh đạo đúng rồi thì có lý gì mà người ta không theo. Đó là cả lý luận cả thực tiễn.

Tách quyền và trách nhiệm là tối kị

. Theo ông thì tranh cử, bầu cử trực tiếp, nhất thể hóa sẽ đem lại những ích lợi nào cho đảng?

+ Phải hiểu tranh cử là quá trình đi đến thống nhất. Trong nội bộ thì tranh luận về đường lối, quan điểm. Trong tranh luận thì tôi cũng tiếp thu, anh cũng tiếp thu để hoàn thiện cương lĩnh chung của đảng. Như vậy không thể coi việc tranh cử làm phân hóa, mất đoàn kết nội bộ đảng được.

Thực hiện dân chủ trực tiếp cũng tạo sự thống nhất cao hơn về chính trị tư tưởng, về tổ chức nhân sự và hành động. Vì mọi người được bàn về cương lĩnh, được lựa chọn người đứng đầu thì nó tạo sự thống nhất cao hơn.

Nhất thể hóa cũng vậy, đảng đưa ra cương lĩnh (ở cơ sở là nhiệm vụ của đảng bộ), người đứng đầu đảng khi được bầu vào chức danh đứng đầu nhà nước thì anh đứng về mặt nhà nước anh triển khai chứ không phải anh đứng ngoài nhà nước. Đảng cầm quyền có nghĩa là đảng trực tiếp đứng trong nhà nước lãnh đạo xã hội thực hiện mục tiêu lý tưởng của mình chứ không phải chủ yếu bằng hệ thống của đảng như lúc đảng chưa cầm quyền. Về lý luận mà nói thì khi dân chọn cương lĩnh của đảng thì dân cũng sẽ chọn thủ lĩnh của đảng, chứ dân chọn cương lĩnh mà đảng lại chọn người thứ hai, nghĩa là người không chịu trách nhiệm cao nhất về cương lĩnh ra đứng đầu nhà nước thì không đúng. Quyền và trách nhiệm tách biệt nhau là điều tối kị trong hệ thống quyền lực. nó dễ sinh ra mâu thuẫn, mất đoàn kết giữa anh nắm quyền cao nhất trong đảng nhưng không phải chịu trách nhiệm về mặt nhà nước với anh phải chịu trách nhiệm cao nhất về mặt nhà nước nhưng lại không nắm quyền cao nhất trong đảng. Vừa qua ở nhiều cấp, không ít trường hợp mất đoàn kết giữa bí thư và chủ tịch, bí thư lấn sân sang cơ quan nhà nước. Nếu nhất thể hóa thì sẽ khắc phục được khuyết tật to lớn này.

. Ông tin tưởng là cuộc thí điểm lần này thành công chứ?

+ Tôi tin sẽ thành công nhưng cũng không loại trừ nơi này nơi kia không thành công như mong muốn. Cơ sở của thành công là chủ trương đúng vì nó tuân theo quy luật chung và thực tế đã chứng minh, ta làm rồi, thế giới cũng làm lâu rồi. Lý luận là đúng, khoa học là đúng, thực tiễn cũng đúng. Nhưng nhiều khi chủ trương đúng nhưng tổ chức thực hiện sai thì người ta hay đổ lỗi cho chủ trương nên quan trọng vẫn là thực hiện.

. Xin cảm ơn ông.

LÊ KIÊN thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm