Tranh cử để chọn người tốt nhất

Vị trí người đứng đầu cơ quan gánh nhiệm vụ quy hoạch thủ đô mở rộng quan trọng đến mức Hà Nội phải điều một phó chủ tịch UBND TP kiêm nhiệm giám đốc Sở trong khi chọn người.

Để chọn được người xứng đáng, Thành ủy Hà Nội đã phải vào cuộc, “ra đề”: Ngoài tiêu chuẩn theo quy định của TP, ứng viên giám đốc Sở phải xây dựng được đề án quản lý nhân sự, thực hiện chức năng tham mưu quy hoạch thủ đô, quản lý đô thị… Thành ủy nhấn mạnh, đề án của ứng cử viên phải đưa ra trình bày trước toàn bộ lãnh đạo TP và cán bộ, viên chức Sở, có chất vấn, đối thoại về tính khả thi, sau đó lấy phiếu tín nhiệm. Những kết quả này sẽ dùng làm căn cứ để bổ nhiệm. Kết quả, một phó giám đốc đã “chiến thắng” trong cuộc “tranh cử” này do có đề án tốt, được tín nhiệm cao.

Được biết, từ kết quả chọn giám đốc Sở Quy hoạch–Kiến trúc, Thành ủy Hà Nội sẽ sử dụng cách này để chọn người đứng đầu chính quyền và các sở khác. Có lẽ đây là tiền lệ hiếm hoi về “tranh cử” do Đảng tiến hành.

Thành ủy Hà Nội cũng vừa chọn bảy đảng bộ Tây Hồ, Hà Đông, Từ Liêm, Gia Lâm, Phúc Thọ, Mỹ Đức, Ứng Hòa và bốn đảng bộ các tổng công ty: Vận tải, Xây dựng công trình giao thông I, Sông Hồng và Bưu chính-Viễn thông thực hiện thí điểm đại hội bầu trực tiếp bí thư cấp ủy. Đây là bước cụ thể hóa chủ trương lớn từ trung ương nhằm chọn ra được người có uy tín cao nhất để đứng đầu cấp ủy một đảng bộ. Các đảng viên dự đại hội sẽ được thảo luận và tự mình bầu ra người lãnh đạo cao nhất.

Hy vọng những kinh nghiệm hay từ việc bầu giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc như có nhiều ứng viên để lựa chọn, các ứng viên phải trình bày “đề án tranh cử”… sẽ được tiếp nối trong các đại hội thí điểm này. Bởi khi có nhiều sự lựa chọn và lá phiếu của số đông quyết định thì người được chọn nhiều khả năng là người tốt nhất.

PHAN MAI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm