Từ 1-1-2010: Công chức làm sai, nhà nước bồi thường

Hôm qua (2-7), Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật: Lý lịch tư pháp, Trách nhiệm bồi thường của nhà nước; sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự; Nghị quyết về việc thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự. Cả ba luật đều được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ năm vừa qua.

Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước: Có hiệu lực từ ngày 1-1-2010. Luật này quy định cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, tổn thất về tinh thần do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án có quyền yêu cầu nhà nước bồi thường. Đây là lần đầu tiên pháp luật Việt Nam quy định rõ 11 hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra mà nhà nước phải bồi thường. Trong đó có những hành vi phổ biến như trong ban hành quyết định xử phạt hành chính; cấp, thu hồi giấy chứng nhận kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư và một số giấy tờ có giá trị khác; áp dụng thu phí, lệ phí, thuế, tiền sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng...

Người thi hành công vụ nếu phạm lỗi cố ý thì buộc phải trả lại một phần kinh phí nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự: Có hiệu lực từ ngày 1-1-2010. Theo đó, Quốc hội quyết định bỏ hình phạt tử hình ở các điều 111, 139, 153, 180, 197, 221, 289 và 334 Bộ luật Hình sự.

Điểm mới rất đáng chú ý của luật này là việc bổ sung các quy định liên quan đến tội phạm về kinh tế và môi trường. Hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan có thể bị phạt tiền đến 200 triệu đồng và phạt tù ba năm. Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp có thể bị phạt một tỷ đồng và phạt tù ba năm. Trong lĩnh vực chứng khoán, phạm tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật; sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán; thao túng giá chứng khoán có thể bị phạt tù đến bảy năm và phạt tiền đến 500 triệu đồng.

Tại khoản 1 Điều 248 về tội đánh bạc, luật sửa đổi quy định người được thua bằng tiền hoặc hiện vật tối thiểu hai triệu đồng (quy định hiện hành là 500 ngàn đồng) mới bị coi là phạm tội.

Luật Lý lịch tư pháp: Lý lịch tư pháp nhằm chứng minh cá nhân có hay không có án tích, có bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị tòa tuyên bố phá sản. Lý lịch tư pháp còn dùng để ghi nhận việc xóa án tích, tạo điều kiện cho người đã bị kết án tái hòa nhập cộng đồng.

Luật giao Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý về lý lịch tư pháp và sẽ thành lập Trung tâm Lý tịch tư pháp quốc gia. Tòa án, viện kiểm sát, cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Công an, cơ quan thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng... có trách nhiệm cung cấp thông tin lý lịch tư pháp đầy đủ, chính xác, đúng trình tự, thủ tục cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp.

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2010.

LÊ KIÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm