PHÁT BIỂU CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI LHQ:

Tư duy mới về Việt Nam trong các vấn đề quốc tế

Mỗi năm một lần, Đại hội đồng LHQ lại nhóm họp. Tại diễn đàn quốc tế lớn nhất hành tinh ấy, Việt Nam thường cử bộ trưởng ngoại giao tham dự, phát biểu. Chỉ với các sự kiện lớn hoặc phiên họp vào năm chẵn, cấp tham dự mới nâng lên cỡ nguyên thủ. Chẳng hạn, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã dự lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập LHQ (1995) với món quà tặng mang theo là chiếc trống đồng biểu tượng cho nền văn hóa lâu đời của đất nước hình chữ S, hiện được lưu giữ tại sảnh của trụ sở LHQ. Năm 2000, Chủ tịch nước Trần Đức Lương tham dự Hội nghị thượng đỉnh, thông qua và ký kết văn bản Mục tiêu thiên niên kỷ của LHQ mà giờ Việt Nam là một trong số ít nước đã cơ bản hoàn thành, được quốc tế đánh giá cao.

Trách nhiệm nặng nề của cộng đồng quốc tế

Với thực tiễn ấy, việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự Đại hội đồng LHQ lần này có thể coi là một “phá lệ”. Và “phá lệ” ấy được thể hiện rất rõ qua bài phát biểu của Thủ tướng rạng sáng 28-9, giờ Việt Nam.

Trước nay, bài phát biểu tại phiên toàn thể Đại hội đồng của đại diện các quốc gia thành viên LHQ thường rất dài. Chúng ta cũng không ngoại lệ. Bài chuẩn bị sẵn thường dẫn dắt các vấn đề theo dòng chảy sự kiện, theo lối “vái tứ phương”, “thừa còn hơn thiếu”. Lần này, phát biểu của Thủ tướng văn phong bay bướm, câu chữ trong sáng, ý tứ ngắn gọn, súc tích, là sự hòa quyện nhuần nhuyễn giữa quá khứ - cái đã qua, tương lai - cái sắp tới với hiện tại là những gì Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt.

Tư duy mới về Việt Nam trong các vấn đề quốc tế ảnh 1

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon.

Nội dung xuyên suốt trong phát biểu của Thủ tướng phản ánh sâu sắc và sinh động ước muốn cháy bỏng của Việt Nam cũng như các dân tộc trên trái đất là hòa bình, phát triển và thịnh vượng, vốn đã được đề cập xuyên suốt các kỳ họp của LHQ. Phát biểu được xây dựng với cấu trúc hoàn toàn mới, trong đó các nội dung, sự kiện được sắp đặt trong các cặp phạm trù mang tính đối nghịch như “hòa bình” với “xung đột”, “chiến tranh”; “phát triển” với “đói nghèo”; “công nghệ” tiến bộ với các “vấn đề an ninh phi truyền thống”, “điều tốt đẹp” đối nghịch với “hiểm họa tiềm tàng”, “ước mơ còn xa vời” phía trước... Tất cả làm rõ thêm bối cảnh quốc tế khó lường hiện nay, làm rõ trách nhiệm cao cả và hết sức nặng nề của cộng đồng quốc tế, đòi hỏi các quốc gia phải hành động một cách có trách nhiệm hơn.

Bài phát biểu vốn được chuẩn bị kỹ càng, được thông qua ở tập thể lãnh đạo cao nhất cho thấy tư duy mới của Đảng, Nhà nước về Việt Nam cùng các vấn đề khu vực và quốc tế. Khác với trước, phần đề cập tới tình hình Việt Nam chỉ có bốn khẩu hiệu ngắn, nhưng đủ để làm nổi bật lên rằng Việt Nam không chỉ là tên một cuộc chiến tranh xâm lược đẫm máu mà còn là nghị lực của một dân tộc yêu chuộng hòa bình, trải qua mấy chục năm đổi mới, đã tích cực tham gia và có nhiều đóng góp vào công việc chung của cộng đồng các quốc gia thế giới.

Cấu trúc hợp lý, cô đọng, súc tích cũng làm nổi bật lên giá trị nhân văn Việt Nam trong thế giới văn minh. Dẫn lại một đoạn ngắn từ Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ và cũng là Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam - “tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng…”, phát biểu cũng nhấn mạnh thêm rằng mạng sống con người trong vụ khủng bố 11-9 ở Mỹ hay bất cứ nơi hẻo lánh nào đó trên trái đất thì đều quý như nhau, đều là mất mát thương đau. Chiến tranh Việt Nam với hậu quả nặng nề của bom đạn và dioxin chỉ được đề cập trong một đoạn ngắn. Nhưng lồng ghép với các điểm nóng trên thế giới, từ bạo lực ở Trung Đông, Bắc Phi, Syria, những diễn biến khó lường ở bán đảo Triều Tiên, tranh chấp chủ quyền ở biển Hoa Đông, Biển Đông, tất cả khẳng định một lần nữa, ở cấp cao nhất, tại diễn đàn quốc tế rộng lớn nhất, quan điểm nhất quán của Việt Nam luôn mong muốn hòa bình, giải quyết tranh chấp, theo luật pháp quốc tế.

VN góp phần bảo đảm an ninh lương thực thế giới

Bài phát biểu có nhắc đến trách nhiệm của các cường quốc phải là “những tấm gương trong kiến tạo hòa bình”. Đây không phải là lời cầu xin, mà là yêu cầu chính đáng của các quốc gia thành viên LHQ. Mạnh vì gạo, bạo vì tiền, những năm qua năm nước Thường trực Hội đồng Bảo an gồm Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc đã thực thi tiếng nói quyết định (quyền veto) trong các nghị quyết liên quan đến hòa bình, an ninh, giải quyết xung đột quốc tế. Nhưng kiến tạo hòa bình không chỉ đơn thuần là ngăn chặn xung đột thông qua lá phiếu phủ quyết hay không phủ quyết của nhóm P5. Khi mà toàn cầu hóa đã “là phẳng” thế giới này thì trách nhiệm kiến tạo hòa bình còn đòi hỏi các nước lớn góp sức vào việc giúp các nước nhỏ yếu hơn phát triển kinh tế, từ đó họ có thể đóng góp hòa bình, an ninh khu vực và thế giới.

Việt Nam đã nhiều lần khẳng định trách nhiệm của mình với các công việc quốc tế nhưng phát biểu lần này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã làm nổi bật lên những đóng góp cụ thể của Việt Nam, chẳng hạn như với thế mạnh về sản xuất lúa gạo đã góp phần đảm bảo an ninh lương thực thế giới, giúp nhiều quốc gia phát triển nông nghiệp. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên tại diễn đàn quốc tế rộng lớn này, lãnh đạo Việt Nam tuyên bố sẵn sàng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ - một cam kết vừa mang tính biểu tượng cao, vừa là một nghĩa vụ thực tế mà phải đủ “chín tháng mười ngày” thai nghén, một đất nước vốn là nạn nhân của chiến tranh xâm lược giờ mới đủ thế và lực để gánh vác.

Giá trị Việt Nam không chỉ được khẳng định qua cuộc kháng chiến hào hùng chống lại thực dân, đế quốc mà còn được chứng minh bằng những thành công của công cuộc đổi mới. Bằng việc tham gia tích cực và có trách nhiệm vào các công việc của khu vực và thế giới, Việt Nam có vị thế mới, đóng góp hiệu quả hơn vào xây dựng hòa bình, thịnh vượng chung.

Trong tình hình quốc tế phức tạp hiện nay, bài phát biểu của lãnh đạo cao cấp Việt Nam, với tư duy và cách tiếp cận mới, gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng, mỗi quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều cần có trách nhiệm trong mọi công việc của cộng đồng các quốc gia thế giới. Chỉ có như vậy mới bảo đảm cho tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh này có thể thực thi vai trò giải quyết hòa bình các vấn đề nảy sinh trong quan hệ quốc tế trong khuôn khổ của Hiến chương LHQ. Chỉ có vậy, mỗi quốc gia mới có thể tự bảo vệ được chính mình trong một thế giới đang đầy biến động, với thách thức, cơ hội đan xen.

Việt Nam muốn là thành viên tích cực của LHQ

Sáng 28-9 (theo giờ Việt Nam), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rời New York (Hoa Kỳ) về nước, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp và tham dự Phiên thảo luận cấp cao Đại Hội đồng LHQ khóa 68. Trước đó, bên lề phiên thảo luận tại Đại hội đồng LHQ, Thủ tướng đã có các cuộc gặp, làm việc với Tổng Giám đốc Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) Helen Clack, Giám đốc Điều hành Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) Anthony Lake và Giám đốc Chấp hành Quỹ Dân số LHQ (UNFPA) Babatunde Osotimehin.

Tối 27-9 (theo giờ Việt Nam), Thủ tướng cũng dành thời gian trả lời phỏng vấn các hãng thông tấn Bloomberg, ITAR-TASS, Kyodo, Yonhap... Trả lời câu hỏi của phóng viên về mục tiêu của việc Việt Nam và Hoa Kỳ đang tăng cường quan hệ hợp tác, Thủ tướng nêu rõ Việt Nam nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế. Việt Nam mong muốn là bạn, là đối tác tin cậy của các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Việc Việt Nam đẩy mạnh quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ cùng vì các mục tiêu đó, không gì khác.

Về “đạo luật nhân quyền Việt Nam” dự kiến Thượng viện Hoa Kỳ sẽ thông qua trong tháng 11 tới, Thủ tướng khẳng định nếu đạo luật đó được thông qua thì đó sẽ là một bước lùi trong quan hệ giữa hai nước.

Trả lời câu hỏi liệu một Trung Quốc trỗi dậy có làm ảnh hưởng tới quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, Thủ tướng khẳng định: Sự hùng mạnh của Trung Quốc có lợi cho khu vực và cả thế giới nhưng với điều kiện Trung Quốc cũng phải tôn trọng độc lập, chủ quyền của nước khác, tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về luật biển.

Về tranh chấp trên biển Đông, Thủ tướng cho biết mới đây tại TP Tô Châu (Trung Quốc), Trung Quốc và ASEAN đã lần đầu tiên đồng ý sẽ họp về COC. Đây là bước tiến đầu tiên đáng khích lệ nhằm mục tiêu bảo đảm hòa bình, ổn định, tự do hàng hải ở Biển Đông. COC không chỉ vì lợi ích của các bên, khu vực và thế giới, nhất là khi 1/2 lượng hàng hóa của thế giới được vận chuyển qua khu vực biển Đông. Mọi xung đột ở biển Đông đều gây ảnh hưởng tới toàn cầu…

TNT

NGUYỄN THÀNH CHÂU, Nguyên Đại sứ - Trưởng phái đoàn đại diện Việt Nam tại LHQ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm