“Ứng dụng công nghệ, giảm phiền hà cho dân”

“Ban đầu tôi chỉ có ý định nộp hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND TP.HCM thôi. Nhưng một số người thân biết chuyện khuyến khích và tôi đã nộp hồ sơ tự ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIII ở ngày cuối cùng” - thạc sĩ quản lý công nghệ thông tin Lâm Thiếu Quân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Tiên Phong, nói.

Ổn việc riêng để lo tốt việc chung

. Đang quản lý một công ty khá quy mô, vì sao ông lại nộp đơn tự ứng cử?

+ Hiện tôi đang quản lý một tập đoàn với trên 500 nhân viên. Từ ngày lập công ty, tôi đã tâm niệm để công ty phát triển vững mạnh cần phải đảm bảo hài hòa giữa các quyền, lợi ích của nhân viên, của các cổ đông. Công ty phát triển ngày càng vững mạnh và đến nay đã trở thành một tập đoàn nhưng sự hài hòa này chỉ trong phạm vi đơn vị. Nếu sự hài hòa được mở rộng ở phạm vi lớn hơn thì tốt nhất và như vậy sẽ có được sự phát triển cộng hưởng, vừa đảm bảo quyền lợi nhân viên, cổ đông, vừa giải quyết được nhiều vấn đề của xã hội.

Từ thời còn đi học, tôi đã tham gia các phong trào đoàn của trường, lớp với mong muốn sẽ làm được những việc cụ thể gì đó cho xã hội. Tự ứng cử là mong muốn được thực hiện các nguyện vọng đó.

. Ông nói từ thời còn đi học đã có ý nghĩ sẽ “làm gì đó cho xã hội” nhưng vì sao giờ này ông mới tự ứng cử?

+ Quan điểm của tôi, trước tiên mình phải tu thân, tề gia. Ngoài ra, trước khi làm một việc gì đó thì mình phải tích lũy kiến thức, kinh nghiệm. Việc tôi đi làm thuê, mở công ty riêng cũng là để học hỏi, tích lũy nhiều kinh nghiệm về quản lý, quản trị.

“Ứng dụng công nghệ, giảm phiền hà cho dân” ảnh 1

Ông Lâm Thiếu Quân (phải) đang trao đổi với cử tri trong buổi tiếp xúc cử tri ngày 7-5. Ảnh: MP

Kỳ trước, tôi cũng định tự ứng cử. Nhưng lúc đó công việc quá bề bộn. Với tôi, một khi tham gia ứng cử thì phải chuẩn bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng và tài chính để nếu được chọn thì làm tốt nhất vai trò của mình.

Người dân cần những ứng viên độc lập

. Quốc hội khóa XII chỉ có duy nhất một người tự ứng cử trúng cử ĐBQH, ông có niềm tin sẽ được bầu chọn?

+ Theo tôi, người dân cũng rất cần những ứng viên nằm ngoài guồng máy hành chính, không bị chi phối, bị áp lực như khi họ ở trong hệ thống chính quyền. Từ đó mới có thể lắng nghe và truyền đạt, phản ánh ý kiến của cử tri một cách trung thực nhất.

Tôi cũng tin rằng với vốn kiến thức chuyên ngành về công nghệ thông tin, sự sáng tạo và sự độc lập tôi sẽ tạo ra được những hiệu quả tốt cho xã hội. Nếu tôi không trúng cử mà cử tri lựa chọn những người khác giỏi hơn thì đó là điều tốt cho xã hội, không có gì phải tiếc. Bởi người dân đã sáng suốt lựa chọn những người đại diện, nói lên tiếng nói, nguyện vọng của họ.

. Những vấn đề ông quan tâm trong vai trò một đại biểu là gì?

+ Thứ nhất sẽ tích cực tham gia và giám sát các hoạt động nhằm đảm bảo việc nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Chủ động đề xuất và giám sát nhằm xây dựng bộ máy hành chính công phục vụ người dân, doanh nghiệp với chất lượng cao, giảm phiền hà.

Ví dụ những đề xuất của chúng tôi đã được áp dụng vào thực tiễn như việc áp dụng mã vạch hai chiều trong hỗ trợ kê khai thuế, áp dụng công nghệ thu phí giao thông tự động… Do vậy, tôi sẽ đề xuất đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tin học trong quản lý nhà nước để nâng cao chất lượng phục vụ, tiết kiệm được thời gian, công sức và tiền bạc; đồng thời chi phí quản lý nhà nước sẽ giảm xuống đáng kể.

Ngoài ra, một chương trình quan trọng nữa là tham gia tích cực trong việc đề xuất các giải pháp sáng tạo và giám sát các hoạt động nhằm chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí trong quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng, mạnh dạn triển khai các biện pháp đột phá nhằm giảm tai nạn và ùn tắc giao thông.

Giữ lời hứa rất quan trọng

. Sự độc lập, sáng tạo cũng như kinh nghiệm quản lý một công ty có quy mô là một lợi thế. Nhưng ông phải điều hành, duy trì hoạt động công ty thì liệu có làm tốt vai trò người đại biểu dân cử?

+ Dĩ nhiên nếu trúng cử ĐBQH, tôi sẽ phải tổ chức, sắp xếp lại hoạt động của gia đình, của công ty để công việc trôi chảy hơn. Chuyện tổ chức, sắp xếp thì đã sẵn sàng rồi. Hơn nữa, khi được sự tín nhiệm của cử tri thì tôi ý thức rằng phải đặt lợi ích chung lên trên lợi ích của công ty và gia đình.

. Nhưng “nói và làm”, “hứa và thực hiện” có một khoảng cách lớn, cơ sở nào để cử tri tin ông sẽ thực hiện những điều đã nói, đã hứa?

+ Ngạn ngữ Ấn Độ có câu: “Trong cuộc sống cái gì dễ nhất và cái gì khó nhất? Dễ nhất là hứa một điều. Khó nhất là thực hiện lời hứa đó”. Còn trong kinh doanh, tôi học được việc giữ lời hứa là rất quan trọng. Bởi không có chữ tín thì không ai làm ăn với mình cả. Một lần thất tín vạn lần không tin. Đó cũng là cách sống của tôi. Bằng việc làm cụ thể, qua thời gian sẽ chứng minh điều tôi nói với các cử tri.

. Xin cám ơn ông và chúc ông thành công!

“Ứng dụng công nghệ, giảm phiền hà cho dân” ảnh 2

MINH PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm