VSATTP: Cần luật hóa quy chế công bố thông tin

Đó là các đề xuất được Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) TP.HCM đưa ra trong buổi giám sát thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP tại TP.HCM chiều 19-2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Kháng sinh tồn dư trong sản phẩm: Chưa phạt được!

Ông Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế, Phó ban chỉ đạo liên ngành VSATTP TP.HCM, cho biết một số văn bản về VSATTP đang chồng chéo, có cái lại thiếu, chưa quy định. “Bộ Y tế ban hành Quyết định 11 năm 2006 về quy chế cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại ban hành Quyết định 117 năm 2008 về quy chế kiểm tra và công nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản đủ điều kiện đảm bảo VSATTP. Cả hai quyết định này trùng lắp, gây không ít khó khăn cho cơ quan y tế khi thẩm định cấp giấy chứng nhận cho cơ sở” - ông Giang ví dụ.

Theo ông Giang, hiện chưa có quy định cụ thể về điều kiện vệ sinh thú y đối với cơ sở chăn nuôi tập trung an toàn, quy trình xử lý động vật, sản phẩm động vật không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh thú y. Cũng chưa có quy định xử lý trường hợp vi phạm có các chất kháng sinh tồn dư trong sản phẩm động vật khiến cơ quan chức năng lúng túng khi kiểm tra, xử phạt. Nghị định 45 năm 2005 về xử lý vi phạm trong lĩnh vực y tế còn nhiều điểm có mức xử phạt chưa hợp lý, cần sửa đổi. Quy chế hoạt động của thanh tra chuyên ngành VSATTP hiện vẫn chưa ban hành nên công tác thanh tra vẫn còn nhiều điểm chưa thống nhất.

Cần có quy chế công bố thông tin

Theo Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP TP.HCM, nhằm đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, thành phố đã hình thành các chuỗi thực phẩm để có thể quản lý tốt chất lượng từ khâu nuôi trồng đến bàn ăn. Dự kiến trong quý I-2009, thành phố sẽ thẩm định cấp giấy chứng nhận chuỗi thịt heo, chuỗi trứng gà, chuỗi thịt gà... đủ điều kiện vệ sinh an toàn của một số cơ sở.

Để công tác quản lý chất lượng VSATTP hoàn thiện hơn, ông Giang đề nghị Quốc hội nghiên cứu ban hành Luật Thực phẩm thay cho Pháp lệnh VSATTP. Chính phủ và các cơ quan chức năng cần ban hành các quy chuẩn kỹ thuật về VSATTP theo Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; danh mục cấm tồn dư hóa chất độc hại trong sản phẩm thịt tươi, thịt đông lạnh; quy trình xử lý vệ sinh thú y đối với nơi tập trung thu gom, mua bán sản phẩm động vật.

Đặc biệt, ông Giang kiến nghị Quốc hội ban hành quy định cụ thể việc công bố thông tin các cơ sở vi phạm và các hành vi vi phạm về VSATTP. “Như vụ sữa bột thiếu đạm vừa qua, do không có quy chế thông tin nên Sở Y tế TP.HCM mang tiếng oan khi bị cho là ém nhẹm thông tin” - ông Giang nói.

Năm 2010: Sẽ thông qua Luật VSATTP

Báo cáo với đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Nguyễn Thành Tài - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng với trên tám triệu dân, hàng trăm ngàn khách vãng lai... nên TP.HCM rất dễ có nguy cơ xảy ra dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm. “Với nỗ lực hết mình, TP.HCM đã hạn chế thấp nhất những tình huống xấu xảy ra” - ông Tài nói. Theo ông Tài, các cơ sở sản xuất cần nâng cao tính tự giác đưa ra thị trường sản phẩm đảm bảo chất lượng.

Nhận định về thực trạng VSATTP trên địa bàn TP.HCM, ông Đặng Vũ Minh - ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát cho rằng thành phố đã tổ chức được vùng rau an toàn, tổ chức được những cơ sở giết mổ tập trung, tổ chức các bếp ăn tập thể cho công nhân... đáng hoan nghênh. “Dự kiến tháng 11-2009, Quốc hội sẽ có dự án Luật VSATTP và năm 2010 sẽ thông qua. Quốc hội cũng sớm xem xét những đề nghị của thành phố để kịp thời sửa đổi, bổ sung những chính sách, pháp luật liên quan đến VSATTP” - ông Minh nói.

TRẦN NGỌC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm