Xây dựng TP.HCM phát triển, vì cả nước, cùng cả nước

Đó là một trong những chủ đề của Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 -2025 vừa được công bố trong dự thảo (lần một) báo cáo chính trị hôm 28-12.

Mục tiêu vì hạnh phúc của dân

Dự thảo khái quát mục tiêu tổng quát phát triển TP giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 là: Tăng cường xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với niềm tin của nhân dân.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, ổn định chính trị - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Xây dựng thành phố thông minh, phát triển nhanh, bền vững, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước. Đẩy mạnh phát triển văn hóa, tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc. TP.HCM là một trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ có sức lan tỏa cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á...

Lý giải mục tiêu tổng quát này, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết có năm vế chính, nội dung đầu tiên là nói về trách nhiệm của Đảng phải “xứng đáng với niềm tin của nhân dân”. “Để xứng đáng với niềm tin của nhân dân, Đảng phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình và chịu sự giám sát của nhân dân. Nhân dân mà không hài lòng, thiếu tin tưởng thì mình phải thấy có lỗi và phải kiểm tra lại. Đánh giá Đảng trong sạch, vững mạnh phải trên cơ sở đánh giá của nhân dân” - ông Nhân nói.

Còn đối với mục tiêu “vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của nhân dân”, ông cho rằng Đảng bộ lo lãnh đạo và nhân dân phải cảm thấy được hạnh phúc. Sự hạnh phúc, sự hài lòng của nhân dân là thước đo cho sự lãnh đạo của Đảng. “Phải hướng kết quả của mình vào sự đánh giá của nhân dân chứ không phải tự đánh giá, phải có ý kiến của người dân và người dân sẽ hạnh phúc” - ông Nhân nói và cho biết thêm mục tiêu phát triển tổng quát cũng nhấn mạnh đổi mới, sáng tạo, lấy năng suất lao động làm thước đo hiệu quả phát triển.

Bí Thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi lễ công bố dự thảo. Ảnh: T.LÂM

Chỉ tiêu tăng trưởng GRDP bình quân 8,5%

Theo dự thảo báo cáo chính trị, TP.HCM đề ra 24 chỉ tiêu phát triển trong nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó có tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn (GRDP) bình quân hằng năm khoảng 8,5% (nhiệm kỳ trước đặt chỉ tiêu 8%-8,5%); tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 35% GRDP (tăng 5% so với nhiệm kỳ trước); tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 7%/năm.

Một chỉ tiêu chưa đạt ở nhiệm kỳ trước là GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2020 đạt 9.800 USD/người thì chỉ tiêu nhiệm kỳ này đã giảm xuống, đến cuối năm 2025 đạt trên 8.500 USD/người. TP.HCM cũng phấn đấu nằm trong nhóm năm địa phương dẫn đầu cả nước về xếp hạng chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số cải cách hành chính (PAR-index).

Tỉ lệ người dân hài lòng với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước ở từng lĩnh vực đạt 95% trở lên. Tất cả người đứng đầu cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân lý giải về mức phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hằng năm khoảng 8,5%, cao hơn nhiệm kỳ trước và trong bối cảnh những năm gần đây có xu hướng sụt giảm.

“Bởi chúng ta xác định thời cơ cách mạng 4.0, nếu làm tốt thì cơ hội tăng trưởng cao hơn. Tiếp nữa từ bài học bảy chương trình đột phá, sắp tới sẽ có hiệu quả hơn nữa. Ngoài ra, nếu tỉ lệ điều tiết ngân sách để lại cho TP cao hơn thì chúng ta có điều kiện đầu tư cho hạ tầng, giao thông, chống ngập tốt hơn” - ông Nhân nói.

Phát triển kinh tế nhanh và bền vững

Để thực hiện các chỉ tiêu trên, TP.HCM đưa ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp, trong đó nhấn mạnh phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và năng suất lao động.

Để làm được điều này, một trong những giải pháp được đưa ra là TP sẽ phát huy vai trò của khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông TP, là vùng động lực mới để phát triển kinh tế trong thời kỳ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. TP cũng sẽ tập trung phát triển nhanh các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao như ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng, du lịch, thương mại, logistics... cùng các ngành công nghiệp - xây dựng có hàm lượng khoa học - công nghệ cao.

TP.HCM cũng sẽ phát huy hiệu quả mọi nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ. Các giải pháp là đẩy mạnh chỉnh trang các khu nhà lụp xụp, đồng thời thu hút đầu tư xây dựng các khu đô thị mới như khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu đô thị mới Nam TP, khu đô thị Tây Bắc, khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa và khu đô thị lấn biển Cần Giờ.

TP.HCM cũng đưa ra các giải pháp chống ngập nhưng điều chỉnh quy hoạch tổng thể thoát nước kết hợp quy hoạch thủy lợi chống ngập úng phù hợp với quy hoạch vùng và quy hoạch xây dựng. TP cũng mời gọi các nguồn lực xã hội tham gia triển khai các giải pháp xóa, giảm ngập, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để có những giải pháp chống ngập phù hợp.

Còn với giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, TP.HCM cũng đưa ra nhiều giải pháp mạnh mẽ, trong đó có việc xây dựng các cơ chế, chính sách để huy động tối đa các nguồn lực, kêu gọi đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, đặc biệt là đầu tư phát triển giao thông liên vùng, khai thác hiệu quả giao thông đường thủy, phát triển đường sắt về phía tây, phát triển các đường vành đai, kiểm soát sử dụng xe cá nhân...

Ba đột phá và một chương trình trọng điểm

Nếu như Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM khóa X (nhiệm kỳ 2015-2020) đưa ra bảy chương trình đột phá đã góp phần vào sự phát triển của TP thì dự thảo báo cáo chính thị khóa XI xây dựng và thực hiện ba chương trình đột phá và một chương trình trọng điểm (gọi là bốn chương trình phát triển TP.HCM giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn 2030).

Ba chương trình đột phá gồm: Đổi mới quản lý TP.HCM; phát triển hạ tầng TP.HCM; phát triển nhân lực và văn hóa TP.HCM. Chương trình trọng điểm là phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực TP.HCM.

Trong mỗi chương trình đột phá và chương trình trọng điểm đều có rất nhiều đề án cụ thể, như trong đột phá đổi mới quản lý TP.HCM có các đề án như chính quyền đô thị, xây dựng thành phố thông minh, đề án chuyển đổi số. Hay trong chương trình trọng điểm có các chương trình cụ thể như phát triển giống cây, liên kết phát triển du lịch, đề án hợp tác các ngân hàng.

2 triệu dân số TP.HCM tăng thêm sau mỗi 10 năm. Điều này gây sức ép khủng khiếp lên hạ tầng giao thông, nhà ở, trường học và hàng loạt vấn đề khác. 

Chống lối sống cơ hội, thực dụng

Một trong những nội dung quan trọng của nhiệm kỳ tới là TP.HCM sẽ tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng, chính quyền, nâng cao chất lượng công tác dân vận, tăng cường gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân.

Để thực hiện, nhiều nhiệm vụ và giải pháp được đưa ra, trong đó TP kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII; đẩy mạnh đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; chống tham nhũng, lãng phí, lối sống cơ hội, thực dụng, nói không đi đôi với làm. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi lệch lạc, vi phạm đạo đức, lối sống. Thực hiện tốt quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu.

TP.HCM cũng sẽ kiên quyết ngăn chặn những hiện tượng cục bộ, bè phái, gây mất đoàn kết trong Đảng; nắm tình hình và giải quyết những vấn đề như “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Đối với những tổ chức Đảng và đảng viên vi phạm, TP sẽ xem xét, xử lý triệt để, nghiêm minh và công khai kết quả xử lý này.

Mong đón nhận đóng góp ý kiến của nhân dân

Trong tháng 2-2020, TP.HCM sẽ tổ chức lấy ý kiến các ban Đảng, các bộ ngành, chuyên gia, nhà khoa học, văn nghệ sĩ... góp ý cho dự thảo báo cáo chính trị.

Trong tháng 5 và 6-2020 sẽ lấy ý kiến rộng rãi của các cán bộ cấp cao nghỉ hưu, người dân TP.

Trong tháng 7-2020 sẽ trình xin ý kiến Bộ Chính trị và đến tháng 9-2020 sẽ trình Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM để hoàn chỉnh trình Đại hội đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM sẽ tiếp nhận những ý kiến đóng góp của nhân dân TP, của cán bộ, đảng viên cho dự thảo (lần một) báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

 Mọi thông tin xin gửi về Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, địa chỉ: 127 Trương Định, phường 7, quận 3 hoặc email: vp.btgtu@tphcm.gov.vn

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm