Xếp hạng tham nhũng thế giới 2008: Việt Nam lên 2 bậc

Theo định kỳ hàng năm, tổ chức Minh bạch Quốc tế (International Transparency – TI) có trụ sở tại Đức khảo sát để đánh giá xếp hạng về tham nhũng ở các nước. “Chỉ số cảm nhận về tham nhũng” đánh giá cảm nhận mức độ tham nhũng trong khu vực công, được tổng hợp trên cơ sở hàng chục cuộc khảo sát ý kiến các chuyên gia và doanh nghiệp.

Bảng danh sách năm 2008 bao gồm 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mức độ cảm nhận về tham nhũng được chấm từ điểm 0 (tham nhũng cao nhất) đến điểm 10 (được coi là “sạch” nhất).

Chỉ số "cảm nhận tham nhũng" của một số nước Đông Á.

Chỉ số "cảm nhận tham nhũng" của một số nước Đông Á.

Đứng đầu bảng xếp hạng có ba nước đồng hạng nhất với 9,3 điểm, đó là Đan Mạch, Thụy Điển, và New Zealand. Đứng thứ tư là Singapore với 9,2 điểm.

Ở dưới đáy của bảng xếp hạng là Somalia (1 điểm), Iraq và Myanmar (đồng 1,3 điểm) và Haiti với 1,4 điểm.

Những thông điệp của TI sẽ được phát biểu tại phiên họp ngày 25/9 tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, cũng như tại Hội nghị sắp tới về tài trợ cho phát triển của Liên hợp quốc tại Doha, nơi các nước sẽ đưa ra những cam kết viện trợ.

Nước nghèo: Tham nhũng có thể dẫn đến thảm họa

Chủ tịch của tổ chức TI, ông Huguette Labelle cho biết trong buổi công bố xếp hạng: “Ở các nước nghèo nhất, mức độ tham nhũng có thể là sự khác biệt giữa sống và chết, khi liên quan đến tiền cho bệnh viện và nước uống. Sự kéo dài của nghèo đói và tham nhũng đã dồn nhiều xã hội đến tình trạng thảm họa nhân đạo và không thể chấp nhận”.

Ở các nước nghèo, tham nhũng tràn lan đe dọa cuộc đấu tranh chống nghèo đói toàn cầu, đe dọa tiến trình hướng đến Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ.

Theo Giáo sư Johann Graf Lambsdorff, một trong những người thực hiện bản báo cáo, “những bằng chứng cho thấy, việc cải thiện được 1 điểm trong chỉ số tham nhũng sẽ làm tăng thêm thu nhập bình quân đến 4% so với GDP”.

Nước giàu: Hối lộ ở nước ngoài

Báo cáo của TI chỉ ra một số nước châu Âu đã mất điểm trong năm 2008, chủ yếu do tình trạng doanh nghiệp hối lộ ở nước ngoài, cũng như những phương pháp “bị đặt dấu hỏi” trong việc thâu tóm và quản lý các bộ phận ở nước ngoài.

Ông Labelle cho biết: “Theo Công ước chống tham những của các nước trong tổ chức OECD, các công ty của OECD hối lộ ở nước ngoài sẽ bị xử tội hình sự ở trong nước. Tuy nhiên, Công ước này đã có từ năm 1999 nhưng đến nay việc áp dụng vẫn chưa đồng đều”.

Thêm vào đó là những mối lo ngại ở ngay trong nước về những vấn đề như vai trò của tiền bạc trong chính trị.

Vị trí của Việt Nam ở đâu?

Năm 2008, theo báo cáo của TI, chỉ số “cảm nhận tham nhũng” của Việt Nam là 2,7 điểm, cải thiện được 0,1 so với năm 2007.

ề xếp hạng, năm 2008 Việt Nam cũng cải thiện từ vị trí 123 của năm ngoái lên vị trí 121 trong tổng số 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Kết quả chấm điểm của Việt Nam căn cứ theo 9 cuộc khảo sát ý kiến các chuyên gia và doanh nghiệp được thực hiện độc lập bởi các tổ chức khác nhau. Trong các cuộc khảo sát đó, Việt Nam có điểm thấp nhất là 2,4 và điểm cao nhất là 3,1.

Tổ chức TI cũng lưu ý là kết quả năm 2008 dựa vào một số cuộc khảo sát năm 2008 và cả một số từ năm 2007, vì vậy kết quả có một độ trễ nhất định.

BÀI ĐỌC THÊM

Cảm nhận tham nhũng 2007: Không mất điểm nhưng tụt hạng

Kết quả đánh giá tham nhũng năm 2007 cho thấy, tuy điểm của Việt Nam giữ nguyên ở mức 2,6 (trên mức tối đa 10 điểm), nhưng vị trí của Việt Nam trên thế giới đã tụt từ hạng 111 vào năm 2006 xuống hạng 123 trong năm nầy.

Vị trí xếp hạng "cảm nhận tham nhũng" của Việt Nam so với các nước láng giềng từ năm 2000 đến nay.

Vị trí xếp hạng "cảm nhận tham nhũng" của Việt Nam so với các nước láng giềng từ năm 2000 đến nay.

Ngày 26/9, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI - Transparency International) đã công bố kết quả đánh giá “cảm nhận tham nhũng” năm 2007 với danh sách 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Liên tục hàng năm từ 1995 đến nay, tổ chức TI (có trụ sở tại Đức) đã đánh giá cảm nhận về tham nhũng trong khu vực công ở các nước. Định nghĩa tham nhũng của TI đơn giản là “lạm dụng vị trí công để thu lợi tư”, trong đó có hối lộ, lại quả trong mua sắm, tham ô tài sản công, và xét đến cả năng lực thi hành các chính sách chống tham nhũng.

Việc chấm điểm và xếp hạng “cảm nhận tham nhũng” của Tổ chức TI được dựa trên 14 kết quả khảo sát của 12 tổ chức quốc tế lớn, trong đó có Ngân hàng Thế giới, Liên hợp quốc, Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á… Riêng đối với Việt Nam, có 9 nguồn thông tin đã được sử dụng để chấm điểm.

Đặc điểm chung của kết quả năm nay là khoảng cách về tham nhũng giữa các nước giàu và nước nghèo ngày càng giãn xa. Đồng thời, có một mối quan hệ đồng thuận mạnh mẽ giữa thu nhập quốc dân và tham nhũng: nước càng nghèo thì tham nhũng càng cao và ngược lại.

Trong số những nước “lên điểm” mạnh nhất trong năm nay, có Cuba, Cộng hòa Séc, Italia, Rumani… Trong danh sách những nước “xuống điểm” mạnh nhất có Thái Lan và Lào.

Các nước duy trì ổn định vị trí đứng đầu của mình trong nhiều năm qua bao gồm Đan Mạch, New Zealand, Phần Lan, Thụy Điển, và Singapore. Đứng dưới đáy danh sách xếp hạng vẫn là những tên quen thuộc như Iraq, Afghanistan, Somalia, Myanmar…

Xét riêng trong khu vực láng giềng của Việt Nam, trật tự xếp hạng không có gì thay đổi. Đứng đầu vẫn là Singapore với 9,3 điểm trên điểm tối đa là 10, xếp hạng thứ tư toàn thế giới, tăng 1 hạng so với năm 2006. Tuy nhiên, tất cả các quốc gia còn lại đều tiếp tục xu thế tụt hạng từ nhiều năm nay. Thái Lan tụt mạnh mẽ cả về điểm (giảm từ 3,6 xuống 3,3 điểm) và về hạng (từ vị trí 63 xuống 84).

Vị trí của Việt Nam

Việt Nam đã có tên trong danh sách xếp hạng của TI từ năm 1997. Trong bốn năm qua, chúng ta giữ nguyên điểm 2,6 trên điểm tối đa 10, nhưng vị trí xếp hạng đã tụt từ 111 trong năm ngoái xuống 123 trong năm nay. Ở đây có một số điểm đáng nói.

Điểm và vị trí xếp hạng của Việt Nam từ năm 2000 đến nay.

Điểm và vị trí xếp hạng của Việt Nam từ năm 2000 đến nay.

Thứ nhất, có phải thực tế chúng ta tụt hạng 12 bậc? Trong số 23 nước mới được bổ sung vào danh sách năm nay, chỉ có 10 nước “chen ngang” vào vị trí đứng trước Việt Nam. Như vậy, nếu không có sự bổ sung các nước này thì Việt Nam vẫn bị tụt 2 bậc trong bảng xếp hạng.

Thứ hai, việc không mất điểm nhưng vẫn mất hạng của Việt Nam cho thấy các nước khác đã thành công trong việc nâng điểm trong mắt của cộng đồng quốc tế, còn chúng ta không thành công.

Trong mấy năm qua, cùng với sự ra đời của luật phòng chống tham nhũng và lãng phí, là những phong trào chống tham nhũng được phát động mạnh mẽ. Tuy nhiên, những nỗ lực trên dường như chỉ đủ để giữ cho điểm không bị giảm, nhưng chưa đủ để giữ cho hạng không bị tụt.

Thứ ba, nhận xét của TI “nước càng nghèo càng tham nhũng cao”có một sự trùng hợp chính xác trong trường hợp Việt Nam. Trong số 229 quốc gia và vùng lãnh thổ, Việt Nam đang xếp hạng thứ 158 về thu nhập bình quân. Trong số 180 nước, Việt Nam xếp hạng 123 về tham nhũng. Như vậy, bình quân trong 100 nước thì có 69 nước thu nhập bình quân đầu người cao hơn Việt Nam, và có 68 nước ít tham nhũng hơn Việt Nam.

Tuy nhiên, phải xét đến điểm thứ tư: Trong các năm qua, Việt Nam tự hào có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất nhì thế giới, và vị trí xếp hạng về thu nhập được nâng lên. Tuy nhiên, một điều không đáng tự hào là vị trí xếp hạng về tham nhũng lại đi xuống. Thậm chí đáng suy nghĩ, khi khoảng cách giữa chúng ta và những nước dẫn đầu ngày càng giãn xa.

Thứ năm, tổ chức TI nhận định riêng cho năm 2007: quá trình hội nhập quốc tế đã tạo thêm điều kiện tham nhũng. Trong đó, có xét đến nguồn chi hối lộ từ các tập đoàn đa quốc gia, và đặc biệt là hội nhập tài chính tăng cơ hội để rửa tiền, chuyển tiền, giấu tiền, và đầu tư tiền tham nhũng. Tuy TI không đưa ví dụ trực tiếp về Việt Nam, nhưng quá trình tăng tốc hội nhập của Việt Nam trong mấy năm gần đây có thể là một ứng nghiệm với nhận định đó.

Chống tham nhũng đang là một trong những trọng điểm hàng đầu của quốc gia. Đánh giá của tổ chức TI, cho dù chỉ mang tên "cảm nhận", cũng là một cơ hội xứng đáng để chúng ta có thêm một cái nhìn từ bên ngoài, đồng thời để thấy chúng ta đã thể hiện được mình trước cộng đồng quốc tế như thế nào.

Theo Bùi Văn (VNN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm