Xử phạt vi phạm hành chính: Nhiều quy định là để phòng ngừa

Bộ Công an đang đưa ra Dự thảo nghị định xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) trong một số lĩnh vực mà ngành này quản lý. Dự thảo có một số điểm mới như tăng mức tiền phạt, phạt bổ sung, khắc phục hậu quả… cho phù hợp với Luật XLVPHC có hiệu lực từ ngày 1-7-2013.

Nhiều người cho rằng nhiều quy định xử phạt trước đây hiếm khi được cơ quan chức năng mang ra áp dụng với người vi phạm, liệu dự thảo lần này có khắc phục việc này? Đại tá Trần Thế Quân, Vụ phó Vụ Pháp chế Bộ Công an, trao đổi với chúng tôi về vấn đề này…

. Phóng viên: Dự thảo lần này có gì khác so với những quy định đã có sẵn không, thưa ông?

+ Đại tá Trần Thế Quân: Về cơ bản, khách thể điều chỉnh của dự thảo nghị định không khác mấy so với các quy định sẵn có trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội. Dự thảo lần này chỉ điều chỉnh một số hành vi và mức phạt cho phù hợp với tình hình hiện nay mà thôi.

Xử phạt vi phạm hành chính: Nhiều quy định là để phòng ngừa ảnh 1

Một chiếc xe tải chở bùn rơi vãi dọc đường vừa mới bị xử phạt và buộc phải khắc phục hậu quả. Ảnh: HTD

. Nhưng những quy định xử phạt trước đây như văng tục chửi thề tại nơi công cộng và nhiều quy định khác hiếm khi được thực thi. Vậy dự thảo lần này có khắc phục được các nhược điểm đó?

+ Với những điều không khả thi, sẽ có cơ quan thẩm định. Nếu không khả thi thì sẽ sửa đổi cho phù hợp. Dù sao đây cũng chỉ mới là quá trình dự thảo. Tuy nhiên, phải nhìn nhận một thực tế là có những quy định mang tính giáo dục, phòng ngừa, ngăn chặn. Cũng giống như trong Bộ luật Hình sự, có những tội hầu như thực tế chưa xử. Tương tự như vậy, có những hành vi người ta đưa ra luật chỉ mang tính phòng ngừa. Trong các quy định cũ cũng tính đến trường hợp đó. Ví dụ những khu vực công cộng như Bảo tàng Lịch sử, nơi đền thờ tôn nghiêm, di tích văn hóa… mà anh lại mặc quần áo lót vào đó thì rõ ràng anh làm ảnh hưởng đến người khác nên hành vi này bị cấm. Việc tổ chức xử phạt không phải là chính vì một khi Nhà nước đã cấm đoán, buộc mọi người phải quan tâm để ứng xử cho phù hợp. Có một số quy định phải đặt vào hoàn cảnh nhất định mới xác định khi nào là đến mức vi phạm. Quy định cấm nói tục, chửi thề chẳng hạn. Trong trường hợp quá đáng, cơ quan chức năng vẫn có cơ sở để xử phạt.

Tuy nhiên, việc tổ chức xử phạt cũng không hẳn khó. Nếu quyết tâm thì sẽ làm được. Nhưng như tôi đã nói, việc đưa ra các quy định cấm đoán là để giáo dục, ngăn ngừa.

. Xin cảm ơn ông.

Chưa xử phạt theo Luật XLVPHC đến 1-1-2014

“Dự kiến Chính phủ sẽ đề xuất cho áp dụng các nghị định (NĐ) hiện hành đến ngày 1-1-2014 để có thời gian ban hành đầy đủ các NĐ quy định chi tiết Luật XLVPHC 2012” - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nói tại cuộc họp liên ngành rà soát tiến độ xây dựng văn bản quy định chi tiết thi hành Luật XLVPHC vào ngày 6-6.

Theo Bộ Tư pháp, Luật XLVPHC 2012 sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2013 nhưng đến nay chỉ có 8/57 dự thảo NĐ thi hành luật này trình Chính phủ; trong 47/57 dự thảo NĐ đã đưa ra lấy ý kiến Hội đồng Tư vấn thẩm định, một số dự thảo phải quay về chỉnh lý để trình thẩm định lại lần hai.

Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) cũng cảnh báo do soạn thảo chậm tiến độ nên sẽ phát sinh vấn đề là các NĐ ban hành sắp tới sẽ không thể có hiệu lực cùng thời điểm với Luật XLVPHC, ảnh hưởng đến hiệu lực thực thi các quy định.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã đề nghị các bộ, ngành cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự thảo NĐ.

 BÌNH MINH

NGUYỄN DÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm