Xử tham nhũng: Sao “treo” nhiều thế?

“Trong ba năm trở lại đây số lượng vụ án thuộc nhóm tội tham nhũng mà tòa phải thụ lý, giải quyết hằng năm đều tăng. Loại án tham nhũng không những tăng về số lượng mà tính chất, mức độ phạm tội ngày càng nghiêm trọng, số tiền tham nhũng ngày càng lớn, trong đó tội tham ô và nhận hối lộ chiếm đa số”. Chánh án TAND TP.HCM Bùi Hoàng Danh cho biết như trên tại buổi giám sát của Ủy ban Tư pháp của QH với TP.HCM về việc “Chấp hành pháp luật trong việc xử lý tội phạm về tham nhũng và chức vụ”, sáng 5-7.

Nhiều vụ xử nhẹ, xử “treo”

Liên quan đến việc xét xử tội phạm tham nhũng và chức vụ, điều được nhiều đại biểu (ĐB) trong đoàn giám sát quan tâm là độ chênh giữa mức án VKS đề nghị và mức tòa tuyên. “Tôi hết sức bất ngờ về kết quả xét xử của TAND TP.HCM. Mức án tòa tuyên so với đề nghị của viện chênh lệch quá nhiều” - ĐB Nguyễn Văn Hiến, Ủy viên Ủy ban Tư pháp, đặt vấn đề và dẫn chứng có vụ VKS đề nghị mức án 7-8 năm tù giam, xử còn hai năm tù treo; đề nghị 4-5 năm tù giam, xử còn ba năm tù treo; đề nghị 17-18 năm tù giam, xử còn bảy năm…

Xử tham nhũng: Sao “treo” nhiều thế? ảnh 1

Buổi làm việc của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội với TP.HCM về việc chấp hành pháp luật trong việc xử lý tội phạm về tham nhũng và chức vụ, sáng 5-7. Ảnh: Minh Cường

“Tổng hợp lại cho thấy tỉ lệ bị cáo được xử dưới khung hình phạt và áp dụng án treo chiếm tỉ lệ khá cao. Mặt khác, các vụ án do tòa cấp quận, huyện xử khi chuyển lên TAND cấp TP xử phúc thẩm, tỉ lệ trường hợp giảm án và cho hưởng án treo cũng rất cao. Xin giải thích vì sao lại thế và trách nhiệm kháng nghị của VKS trong những trường hợp này thế nào?” - câu hỏi ông Hiến đặt ra với các cơ quan tố tụng của TP cũng được nhiều ĐB khác của đoàn giám sát chia sẻ.

Luật chưa chặt, dễ lạm dụng

Trả lời vấn đề này, ông Bùi Hoàng Danh nói: “TAND TP.HCM luôn bám sát quy định của pháp luật trong quá trình xét xử và phán quyết của mình. Tuy nhiên, quy định pháp luật hiện nay chưa chặt. Cụ thể, luật liệt kê hàng loạt tình tiết giảm nhẹ nhưng kèm thêm ở phần sau nội dung tòa có thể coi “các tình tiết khác” là tình tiết giảm nhẹ. Vậy cụ thể “tình tiết khác” ở đây là gì? “Có khả năng các nhà làm luật chưa dự liệu được nên để câu đó nhưng việc để như vậy dẫn đến khi vận dụng dễ bị lạm dụng”.

Còn việc vì sao có nhiều bị cáo được hưởng án treo, ông Danh lý giải: Nhìn vào bảng thống kê (theo tên bị cáo) thấy số bị cáo hưởng án treo nhiều nhưng nếu tính theo số vụ thì không phải vậy vì một vụ có thể có nhiều bị cáo được hưởng án treo.

Phó Viện trưởng VKSND TP Nguyễn Ngọc Điệp cũng cho hay: “Khi tòa phán quyết mức án thấp hơn so với mức VKS đưa ra, có những trường hợp VKS xét thấy các tình tiết giảm nhẹ mà tòa áp dụng là thỏa đáng thì chấp nhận. Còn những vụ chênh lệch nhiều giữa mức giam và treo, viện đã kháng nghị. Cụ thể, viện đã kháng nghị tám trường hợp, đề nghị tăng hình phạt. Trong số đó, tòa đã xử bảy vụ, chấp nhận kháng nghị sáu vụ”.

Cần mở rộng tội danh tham nhũng

Tại buổi giám sát, có ý kiến cho rằng cần mở rộng tội danh tham nhũng. Cụ thể như các hành vi: lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhà nước; nhận tiền, quà giá trị lớn và rất lớn; trốn thuế (đều có yếu tố vụ lợi cá nhân)... cần phải xem xét đưa vào tội danh tham nhũng.

Chánh án TAND TP Bùi Hoàng Danh cũng kiến nghị cần có hướng mở rộng, xác định rõ chủ thể của nhóm tội phạm về tham nhũng. Vì qua thực tế xét xử có bị cáo không phải là người có chức vụ, quyền hạn nhưng giữ vai trò chủ mưu, vạch ra kế hoạch phạm tội. Do vậy không nên bó hẹp phạm vi chủ thể của nhóm tội phạm này là người có chức vụ, quyền hạn. Ông Danh cũng kiến nghị trong giai đoạn hiện nay chưa nên bỏ tử hình với nhóm tội phạm này.

Trong khi đó, Công an TP kiến nghị tăng thời hạn giải quyết tin báo tố giác tội phạm vì trong tình hình hiện nay, quy định hiện hành (hai tháng) không còn phù hợp và khó có thể đáp ứng.

Không được phép thua

TP.HCM là trung tâm kinh tế, giao dịch lớn… nên các vi phạm về quản lý kinh tế, tham nhũng cũng xảy ra nhiều và tính chất rất phức tạp. Vì vậy, áp lực đối với các cơ quan điều tra, truy tố và xét xử của TP về vấn đề này là rất căng. Tuy nhiên, Công an TP xác định trong án tham nhũng thì không được phép thua.

Hiện nay án tham nhũng ở TP xảy ra nhiều nhất ở lĩnh vực ngân hàng và đất đai; có nhiều vụ đan xen giữa hai lĩnh vực này. Cá biệt, có ngân hàng có đến 2/3 chi nhánh trên địa bàn TP dính án hình sự liên quan đến tội tham nhũng. Quản lý nhà nước ở các ngân hàng này có vấn đề phải xem xét. QH cần tổ chức giám sát chặt ở lĩnh vực này.

Thiếu tướng PHAN ANH MINH, Phó Giám đốc Công an TP.HCM

MINH CƯỜNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm