Chống thi hành án, làm sao hạn chế?

Chấp hành viên là những người phải chịu áp lực từ nhiều phía khi thi hành bản án, quyết định của tòa. Trên thực tế, chuyện người phải thi hành án chống đối chấp hành viên đang diễn ra rất phổ biến, đa dạng. Làm sao để hạn chế được chuyện này?

Những động thái chống đối chấp hành viên, cán bộ thi hành án thông thường là lăng mạ, sỉ nhục, vu khống, kích động, tuyên truyền gia đình, họ hàng cản trở thi hành án, bao vây người thi hành công vụ để tạo áp lực. Nặng hơn là dùng gậy gộc, gạch đá đe dọa, hành hung... Ngoài ra, đương sự còn nằm ăn vạ, giả vờ ốm phải đi cấp cứu hoặc dùng thư từ nặc danh, gọi điện thoại giấu số uy hiếp người thân trong gia đình chấp hành viên…

Dùng dao, acid, mắm tôm và… phân

Tháng 5-2009, đoàn cưỡng chế thi hành án huyện Đức Huệ (Long An) đang tiến hành đo đạc diện tích đất để cưỡng chế thi hành án thì một số cán bộ bị đương sự vác dao rượt chém trọng thương. Sau đó, các thủ phạm đã bị khởi tố về hành vi chống người thi hành công vụ.

Ông Lê Hữu Hòa - Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận 10 (TP.HCM) kể tại quận này từng xảy ra một vụ tổ chức cưỡng chế thi hành án thì bị đương sự tạt acid khiến chấp hành viên bị bỏng. Rút kinh nghiệm từ vụ việc trên, mỗi lần ra quyết định cưỡng chế, cơ quan thi hành án đều lên phương án chặt chẽ để đối phó với mọi tình huống.

Chống thi hành án, làm sao hạn chế? ảnh 1

Chấp hành viên đang thuyết phục người nhà khi cưỡng chế thi hành án. Ảnh minh họa: HTD

Trước đây, cơ quan Thi hành án tỉnh Đồng Nai thi hành bản án của TAND tỉnh, buộc bà C. phải bít hai cửa sổ, dỡ bỏ phần mái tôn, máng xối lấn chiếm không gian nhà hàng xóm. Khi đoàn chuẩn bị cưỡng chế đã bị phía gia đình bà này dùng mắm tôm tấn công. Tương tự, tháng 10-2009, đoàn cưỡng chế thi hành án huyện Đông Anh (Hà Nội) đang thực hiện cưỡng chế nhà thì bị phía người phải thi hành án dùng phân súc vật hắt vào người.

“Tử thủ” bằng xăng

Tháng 4-2010, Chi cục Thi hành án dân sự TP Vũng Tàu tổ chức cưỡng chế thi hành án đối với căn nhà số 41 Trần Phú (phường 5) thì chủ nhà dùng xăng tưới trong nhà đốt. May mắn là đoàn cưỡng chế đã kịp thời khống chế đám cháy nên không xảy ra hậu quả đáng tiếc.

Những vụ dùng xăng “tử thủ” xảy ra không hiếm. Năm 2007, TAND quận 5 xử một vụ tranh chấp hợp đồng mua bán nhà thuộc sở hữu nhà nước, tuyên hợp đồng mua bán vô hiệu, buộc bên bán trả tiền, bên mua trả nhà. Dù bên bán đã trả tiền nhưng bên mua không chịu trả nhà. Nhiều lần thuyết phục không có kết quả, thi hành án quận đã ra quyết định cưỡng chế.

Khi đoàn cưỡng chế đến, đương sự đã thách thức nếu cưỡng chế thì sẽ châm lửa đốt nhà. Trong nhà đã chất rất nhiều can xăng và có mẹ già, con nhỏ. Dù đã lên phương án đối phó nhưng thấy sự việc có dấu hiệu căng thẳng, không khéo xử lý sẽ xảy ra sự việc đáng tiếc, đồng thời cân nhắc tình hình là nếu cưỡng chế xong thì căn nhà cũng sẽ được nhà nước cho thuê. Vì vậy, đoàn cưỡng chế đã ra về để chờ UBND quận xử lý việc thuê nhà trước rồi mới thi hành án sau...

Không chỉ dừng lại ở việc trữ xăng trong nhà để gây áp lực, tại huyện Khoái Châu (Hưng Yên) từng xảy ra một vụ đốt nhà. Hậu quả là căn nhà năm gian bị thiêu rụi hoàn toàn, người chống đối thi hành án cũng chết...

Phải hiểu tâm lý đương sự

Việc chống đối thi hành án xuất phát từ nhiều nguyên nhân như đương sự không đồng tình với bản án của tòa hoặc vì đụng chạm đến “nồi cơm” của họ. “Của đau con xót” nên họ chống đối thi hành án tới cùng.

Pháp luật đã quy định những hình thức xử lý với người cố tình không thi hành án, thậm chí là xử lý hình sự. Tuy nhiên, nhiều trường hợp cơ quan chức năng thẳng tay cũng không hẳn đã mang lại kết quả tốt, chưa kể còn phát sinh hậu quả đáng tiếc như một số vụ người phải thi hành án đã tự tử để bày tỏ thái độ. Vậy ngành thi hành án phải làm sao để hạn chế được hiện tượng này?

Ông Nguyễn Văn Lực, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP.HCM, nhấn mạnh: “Kỹ năng vận động, thuyết phục là quan trọng nhất”! Cạnh đó, việc nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ của chấp hành viên cũng hết sức cần thiết. Chính vì vậy, hằng tháng Cục Thi hành án dân sự TP.HCM đều tổ chức họp giao ban để nghe các chi cục báo cáo khó khăn, vướng mắc để rút kinh nghiệm và đưa ra biện pháp xử lý. Mỗi buổi họp giao ban phải được ghi rõ bằng văn bản để dùng làm văn bản hướng dẫn nghiệp vụ cho tất cả cơ quan thi hành án ở TP.

Đồng tình, ông Lê Hữu Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận 10 (TP.HCM), cho rằng để thi hành suôn sẻ một bản án thì chấp hành viên cần tạo được niềm tin đối với đương sự. Sự bức xúc của đương sự xuất phát từ nhiều nguyên nhân và có thể trút giận lên chấp hành viên bất cứ lúc nào. Vì vậy, chấp hành viên cần biết “né mũi dùi” của đương sự bằng việc mời hai bên đến để thỏa thuận với nhau. Chấp hành viên sẽ ngồi giải thích, thậm chí phải thuyết phục bên được thi hành án chấp nhận đề nghị của người phải thi hành án để đạt được kết quả có lợi cho cả đôi bên. Thông qua hình thức này, chấp hành viên sẽ không bị các bên nghi kỵ là thiên vị bên này, bên kia...

Xử lý khéo, công việc suôn sẻ

Vừa qua, Chi cục Thi hành án quận 1 (TP.HCM) thi hành bản án của TAND quận tuyên bà X. phải trả cho ông A. 15 tỉ đồng. Quá trình thi hành án gặp khó khăn vì bà X. phản đối chấp hành viên. Sau khi chi cục trưởng trực tiếp gặp gỡ, lắng nghe, kiên trì giải thích và vận động, bà X. đã chịu tự nguyện thi hành án.

Đầu năm 2009, ly hôn vợ, ông H. ngụ phường 12, quận 10 (TP.HCM) bị tòa tuyên phải dọn ra khỏi nhà và nhận một khoản tiền vì công lao đóng góp trong thời kỳ hôn nhân. Ông H. không chịu thi hành án nên Thi hành án quận 10 đã ra quyết định cưỡng chế. Sau đó, chấp hành viên nhờ cán bộ phường thuyết phục. Hôm sau, ông H. đã chủ động đến cơ quan thi hành án xin được tự dọn đi để đỡ mất mặt với bà con chòm xóm.

Theo luật thôi chưa đủ

Để thi hành suôn sẻ một bản án của tòa thì cán bộ, chấp hành viên chỉ căn cứ theo luật thôi chưa đủ. Khi cầm trên tay một bản án, cán bộ, chấp hành viên cần phải biết được đặc thù của từng loại án, tìm hiểu giới tính, độ tuổi, trình độ, công việc… của người phải thi hành án. Đánh giá được thái độ của họ đối với việc thi hành án như thiện chí hay chống đối. Bên cạnh đó, khi đương sự đang bức xúc thì cán bộ, chấp hành viên phải biết kiên nhẫn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ. Dù việc này pháp luật không quy định và rất mất thời gian nhưng chính nhờ đó mà nhiều khi sẽ giải tỏa được bức xúc của đương sự...

Ông NGUYỄN VĂN VÂN, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án quận 1, TP.HCM

Tổ chức nhiều phương án

Việc cưỡng chế thi hành án chỉ được áp dụng khi không còn biện pháp nào khác. Bên cạnh đó, khi lên kế hoạch cưỡng chế thì cần phải đưa ra nhiều phương án để đối phó kịp thời khi đương sự chống đối. Chỉ cần một sai sót nhỏ cũng có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng. Nếu xử lý không khéo thì có thể từ một vụ việc nhỏ nhưng để lại những hậu quả lớn.

Ông ĐỖ MẠNH THỦY, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án quận 5, TP.HCM

Phối hợp với chính quyền cơ sở

Trong quá trình thi hành án, cán bộ, chấp hành viên nên tích cực phối hợp với chính quyền cơ sở để thuyết phục đương sự. Việc cán bộ tư pháp cơ sở đi giải thích, vận động sẽ dễ được người dân tiếp nhận hơn vì gần gũi với họ...

Ông LÊ HỮU HÒA, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận 10, TP.HCM

TIẾN HIỂU
Chia sẻ lên LinkHay.com Email In [+]Cỡ chữ[-]

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm