Chủ động ứng phó với bão số 9

Theo dự báo, khu vực đảo Phú Quý (Bình Thuận) sẽ hứng chịu cơn bão có cường độ giật cấp 12-13.

Từ chiều 23-11, các ngư dân kinh nghiệm trên đảo này lo lắng khi thấy những đợt sóng bạc đầu xuất hiện vì gợi cho họ nhớ tới cơn bão số 9 năm 2006 (bão Durian). Lúc đó, trước khi bão đổ bộ nhấn chìm 580 con tàu, giật mái, sập vách hàng ngàn căn nhà… thì biển cũng xuất hiện sóng bạc đầu trước khi bão đổ bộ.

Vì vậy ngư dân và chính quyền Bình Thuận đã huy động lực lượng ứng phó với cơn bão sắp đổ bộ. Đến chiều 23-11, huyện đảo Phú Quý đã huy động các đơn vị bộ đội, cơ quan, bộ đội biên phòng giúp di dời các lồng bè vào bờ, cho gần 7.000 tàu thuyền vào neo đậu an toàn ở các bến. Biên phòng Bình Thuận tiếp tục gọi gần 200 tàu, yêu cầu khẩn trương tìm nơi trú ẩn an toàn.

TP.HCM: Di dời hơn 4.000 người dân Cần Giờ

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết do ảnh hưởng của triều cường kết hợp với mưa lớn của hoàn lưu cơn bão số 9, mực nước vùng hạ lưu hệ thống sông Sài Gòn-Đồng Nai sẽ lên cao, đỉnh triều sẽ vượt báo động 3 vào ngày 24 và 25-11. Khu vực Nam bộ, trong đó có TP.HCM có thể bị ngập nghiêm trọng tại các khu vực thấp.

Từ sáng 23-11, Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP.HCM có công điện khẩn gửi các cơ quan, đơn vị, địa phương về việc cấm tàu thuyền xuất bến hoạt động trên biển, ven biển.

Theo đó, bằng mọi biện pháp thực hiện thông báo, yêu cầu ngư dân và các chủ phương tiện tàu thuyền đánh bắt thủy sản, tàu hàng, tàu vận chuyển hành khách đang hoạt động trên biển, ven biển vào bờ hoặc tìm nơi trú tránh an toàn. Chấp hành nghiêm lệnh cấm tàu thuyền xuất bến hoạt động trên biển, ven biển từ đầu giờ chiều 23-11 cho đến khi có lệnh mới. Tuyệt đối không để người trên tàu thuyền, lồng bè, sở, đáy, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản trên biển, ven biển. Các lực lượng duy trì sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để tổ chức cứu hộ, cứu nạn kịp thời khi có lệnh điều động.

Huyện Cần Giờ đã lên phương án để trong sáng nay (24-11) di dời hơn 4.000 người dân đến nơi trú tránh bão. Theo lãnh đạo huyện Cần Giờ, với cơn bão số 9 được dự báo là mạnh, vào gần bờ, di chuyển chậm, gây mưa lớn nên chính quyền địa phương rất chú ý đến mưa lớn, giông, lốc xoáy.

Quân dân đảo Phú Quý, Bình Thuận đưa tàu thuyền vào nơi tránh bão. Ảnh: PN

Bến Tre: Sẵn sàng phương án sơ tán dân

Từ 17 giờ ngày 23-11 đã nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, đồng thời kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển tìm nơi trú tránh bão an toàn, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn nhằm kịp thời ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra khi bão ảnh hưởng trực tiếp trên địa bàn. Các huyện biển: Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú sẵn sàng phương án, chủ động sơ tán dân khi có tình huống xấu. Các đơn vị liên quan tổ chức trực ban 24/24 giờ…

Tiền Giang: Bảo vệ vùng chuyên canh cây ăn trái

Chủ tịch tỉnh này họp khẩn cấp với các đơn vị, ban, ngành… chỉ đạo ứng phó với bão số 9. Lãnh đạo tỉnh đặc biệt lưu ý các huyện, thị ven biển chủ động ứng phó với bão, kêu gọi người dân chằng chống nhà cửa, rà soát đảm bảo an toàn các bến bãi, bến phà, đò ngang cũng như cơ sở vật chất những nơi dự kiến sơ tán dân đến trong trường hợp khẩn cấp. Các địa phương chuyên canh cây ăn trái đặc sản có biện pháp ứng phó với mưa to kết hợp triều cường… để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của thiên tai.

Học sinh nghỉ học tránh bão số 9

• Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Bình Thuận, hôm nay (24-11), học sinh toàn tỉnh sẽ nghỉ học tránh bão. Từ hôm qua, Văn phòng Sở đã phát thông báo, gọi điện thoại đến tất cả hiệu trưởng và Phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, TP trong tỉnh phổ biến kế hoạch của ngành giáo dục ứng phó bão số 9.

• Bà Rịa-Vũng Tàu, hôm nay học sinh các cấp được nghỉ học. “Lãnh đạo các nhà trường đảm bảo điện thoại cá nhân thông suốt, thường xuyên theo dõi diễn biến của cơn bão trên các phương tiện thông tin đại chúng; các nhà trường, cơ sở quản lý giáo dục phân công trực 24/24 giờ từ ngày 24 đến 25-11…” - công văn của tỉnh này nêu.

• Sở GD&ĐT TP.HCM đã có văn bản chỉ đạo Phòng GD&ĐT 24 quận, huyện theo dõi chặt chẽ và xử lý kịp thời các tình huống trước, trong và sau khi bão. Lãnh đạo các trường tổ chức lực lượng, phân công kiểm tra, bảo vệ hệ thống, thiết bị, cơ sở vật chất trường học và xử lý mọi tình huống; không tổ chức các hoạt động ngoại khóa tham quan, dã ngoại, tiết học ngoài nhà trường cho đến khi cơ quan chức năng có thông tin cụ thể về thời tiết đảm bảo an toàn. Các trường phải chủ động báo cáo tình hình của đơn vị về Sở GD&ĐT và Thường trực UBND các quận, huyện để có thông báo cho học sinh nghỉ học…

Riêng học sinh huyện Cần Giờ được nghỉ học từ hôm nay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm