Chủ quyền quốc gia và hòa bình

Đó là ý kiến của phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong buổi đối thoại với các nhà khoa học ngày 17-5.

Cuộc đối thoại với nhà khoa học tại lễ trao giải Tạ Quang Bửu do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức sáng 17-5 đã trở thành cuộc trò chuyện đầy thân tình và thẳng thắn giữa Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với các nhà khoa học về vấn đề biển Đông, về lòng yêu nước, về đấu tranh bảo vệ chủ quyền trong lúc Trung Quốc đang ngang ngược xâm phạm đến vùng biển của Việt Nam.

“Độc lập, tự do” là quý giá nhất

Trả lời câu hỏi của một đại biểu đến từ Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM: “Với tình hình phức tạp ở biển Đông như hiện nay, Phó Thủ tướng có tin tưởng rằng chúng ta đủ khả năng để đương đầu, giải quyết hay không?”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói: “Sự kiện lần này không phải lần duy nhất, trong quá khứ và tương lai chúng ta đều phải đối phó. Chúng ta đã đứng vững và nhất định sẽ đứng vững, nhất định sẽ bảo vệ được độc lập, chủ quyền. Tôi khẳng định như vậy. Tôi tin rằng tất cả chúng ta ở đây, các nhà khoa học, 90 triệu người dân Việt Nam, cả miền xuôi, miền ngược, cả trong Nam ngoài Bắc, cả người Việt Nam ở nước ngoài và thậm chí là rất nhiều người nước ngoài yêu chuộng hòa bình cũng tin như vậy”.

“Đương nhiên mỗi khi đất nước có việc thì đó cũng chính là động lực lớn để chúng ta vượt qua khó khăn, vượt qua chính mình, biến trách nhiệm, biến lòng yêu nước thành hành động. Nhất định Việt Nam phải giàu thì mới mạnh được” - Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời câu hỏi các nhà khoa học đặt ra. Ảnh: NGHĨA NHÂN

Liên quan đến các ý kiến chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, ông Đam nói rõ: “Hoàng Sa là của Việt Nam. Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa, chúng ta nhất định phải đòi lại. Đời tôi, đời các bạn chưa đòi lại được thì đời con cháu chúng ta phải tiếp tục đòi theo đúng luật pháp quốc tế”.

Trước câu hỏi rất hóc búa liên quan đến phương châm “4 tốt” và “16 chữ vàng” trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, nhất là việc có nên xem xét thay đổi mối quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam và Trung Quốc hay không khi Trung Quốc hành xử kiểu bá quyền nước lớn, ông Đam nói: “Chính sách đối ngoại của chúng ta rất rõ. Đối với nước bạn láng giềng Trung Quốc, phương châm quan hệ giữa hai nước đã được lãnh đạo Đảng và Nhà nước hai nước đưa ra phương châm “4 tốt” và “16 chữ vàng”. Bây giờ chúng ta có thay đổi phương châm ấy không thì tôi đã nói với các bạn là chúng ta phải phấn đấu hướng tới cái đó”. Ông Đam tiếp: “Nói đó là những chữ vàng vì chắc có ý muốn so sánh là quý như vàng. Nhưng vàng chưa phải là quý nhất, kim cương còn quý hơn vàng. Nhưng rồi có thứ còn quý hơn cả kim cương nữa, các bạn biết là gì không? Bác Hồ đã dạy, bốn chữ thôi, “độc lập, tự do”. “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” - giọng ông Đam đầy khẳng khái.

Chuẩn bị mọi phương án

Một đại biểu từ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam hỏi: “Xin Phó Thủ tướng cho biết Việt Nam có chủ trương kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế hay không?

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Tất cả các biện pháp chúng ta đã làm từ trước đến nay và từ nay về sau luôn luôn vì mục đích đó và dựa theo luật pháp quốc tế. Chúng ta có chính nghĩa vì chúng ta chỉ giữ gìn những gì của mình. Giải quyết tranh chấp có rất nhiều giải pháp nhưng đều theo luật pháp quốc tế. Nhưng trước hết chúng ta phải dùng biện pháp hòa bình. Trước đây trong các cuộc chiến tranh chống xâm lược, nếu không thể dùng giải pháp hòa bình thì mới phải chiến đấu. Trong việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam và trước sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 đặt trái phép vào vùng kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam cũng như nhiều sự cố khác, chúng ta kiên định dùng giải pháp hòa bình. Trong giải pháp hòa bình, chúng ta có nhiều giải pháp nhưng trước hết bằng con đường ngoại giao, trao đổi với nhau. Hiện nay chúng ta vẫn thường xuyên trao đổi.

Có bạn nói kiện ra tòa cũng là giải pháp hòa bình, điều đó hoàn toàn đúng. Hai láng giềng với nhau, anh lớn hơn tôi, anh không phải với tôi nhưng cần nói chuyện với nhau đã, rồi nhờ hàng xóm, mọi người cùng có ý kiến. Còn cùng cực không thể nói chuyện với nhau được mới mang nhau ra tòa. Hai nhà hàng xóm đã mang nhau ra tòa rồi thì “bát nước đổ xuống” như người Việt ta nói sẽ rất khó lấy lại. Vì thế chúng ta kiên định, kiên trì, bằng con đường trao đổi ngoại giao để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình. Chúng ta đều có chuẩn bị mọi phương án, lúc nào làm phương án nào chúng ta phải tính toán rất kỹ, rất trí tuệ”.

Theo Phó Thủ tướng, sự kiện Trung Quốc kéo giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là trái pháp luật quốc tế. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng có chỉ đạo cụ thể, trên tinh thần phải giữ vững chủ quyền quốc gia và giữ được môi trường hòa bình. “Đương nhiên không thể đánh đổi chủ quyền quốc gia lấy hòa bình, nhưng phải kiên trì đấu tranh bằng biện pháp hòa bình, tỉnh táo, trí tuệ” - ông Đam nhấn mạnh.

THU HẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm