Chủ tịch Hà Nội: Có phó phòng 'om' hồ sơ doanh nghiệp 8 tháng

Ngày 6-5, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì Hội nghị trực tuyến giao ban công tác tháng 4-2020 của TP.

Tại cuộc họp, ông Chung đã nêu những trường hợp chậm giải quyết hồ sơ, gây khó khăn cho doanh nghiệp của một số đơn vị, sở, ngành thuộc TP. Ông yêu cầu chấn chỉnh ngay tình trạng này để đẩy mạnh cải cách hành chính, góp phần khôi phục sản xuất, kinh doanh trước ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.

“Tôi nắm được thông tin có đồng chí phó phòng "om" hồ sơ của doanh nghiệp nước ngoài đến tám tháng. Có gần 20 hồ sơ tính tiền sử dụng đất từ năm 2018 của Sở TN&MT chuyển cho Sở Tài chính nhưng các đồng chí không vào hệ thống nhập hồ sơ, xem xong lại đá qua đá lại đến sáu vòng. Đề nghị các đồng chí phải chấn chỉnh lại ngay tình trạng này” - Chủ tịch TP Hà Nội nêu rõ.

Ông Chung cũng dẫn chứng khảo sát của VCCI cho thấy doanh nghiệp nước ngoài mất 24 triệu đồng lệ phí cho một dự án xây dựng. Theo đó, ông yêu cầu Sở Xây dựng phải rà soát lại nội dung này và đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện tối đa phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Chủ tịch TP Hà Nội cũng chỉ đạo các đơn vị của TP phải tập trung tháo gỡ mọi khó khăn trong thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. “Thời gian là vàng, nếu để mất cơ hội thì chi phí sẽ tăng cao” - ông nói và yêu cầu các đơn vị tiếp tục rà soát thủ tục hành chính, cắt giảm các thủ tục không cần thiết. Theo ông, cán bộ phải thực sự nỗ lực công tâm và có nhiệt huyết làm việc, không gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng cho hay do tác động của dịch COVID-19, kinh tế - xã hội của TP bị ảnh hưởng nặng, nhiều mục tiêu không đạt kế hoạch; tình hình thu, chi ngân sách từ đầu năm đến nay đều thấp hơn so với cùng kỳ; kết quả giải ngân, chi thường xuyên cũng thấp hơn...

Trước diễn biến dịch bệnh còn kéo dài, ông Chung đề nghị bên cạnh công tác phòng, chống dịch, các đơn vị của Hà Nội cần tập trung khôi phục sản xuất, kinh doanh, hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Cụ thể, các đơn vị phải cắt giảm chi tiêu như đoàn đi công tác nước ngoài, các hoạt động lễ hội văn hóa... Sở Tài chính và kho bạc phải yêu cầu các đơn vị thống kê, có con số sơ bộ báo cáo Thường trực Thành ủy trước ngày 15-5.

Bên cạnh đó, TP sẽ thắt chặt chi tiêu và quản lý mua sắm hiệu quả và rút kinh nghiệm về tình trạng vật tư y tế thời gian qua mỗi nơi một giá.

“Chúng ta không để thị trường y tế như tình trạng hiện nay. TP Hà Nội phải tiên phong trong việc thiết lập thị trường y tế về vật tư y tế và thuốc chữa bệnh, đảm bảo công khai, minh bạch” - Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng lưu ý ngành giáo dục rà soát để môi trường giáo dục vận hành thuận lợi nhất. "Không nên chia giờ học và học sinh không cần đeo tấm chắn giọt bắn. Chỉ cần đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, rửa tay, khử khuẩn các trang thiết bị" - ông chỉ đạo.

Ông cũng yêu cầu Cục Quản lý thị trường phải tăng cường kiểm tra giờ hoạt động của các cửa hàng không thiết yếu, sau vi phạm thì phải thu giấy phép kinh doanh; cho phép các cửa hàng spa, cắt tóc có thể cho mở cửa trở lại và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh... Theo ông, thời gian này cũng là cơ hội để TP điều chỉnh giờ làm, có thể giảm được 600.000-800.000 người lao động ra đường cùng một lúc, góp phần giảm thiểu ách tắc giao thông.

Theo Sở KH&ĐT TP Hà Nội, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP bốn tháng đầu năm là 88.275 tỉ đồng, đạt 31,7% dự toán, bằng 98,4% so với cùng kỳ. Tính chung bốn tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 4.329 triệu USD, giảm 4,7% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, một số nhóm hàng duy trì kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ là hàng hóa thiết yếu, thiết bị y tế phục vụ trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng; hàng gốm sứ tăng; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng; giày dép và sản phẩm từ da tăng. Chỉ số giá tiêu dùng CPI ở Hà Nội bình quân bốn tháng tăng 4,57% (cùng kỳ tăng 4,06%).

Đáng chú ý, TP đã cấp giấy chứng nhận cho 7.165 doanh nghiệp thành lập mới, thực hiện thủ tục giải thể cho 725 doanh nghiệp (tăng 6% so với cùng kỳ), 4.877 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động (tăng 36% so với cùng kỳ).

Trong tháng 4, khách du lịch đến Hà Nội đạt khoảng 35,5 ngàn lượt khách, giảm 98,4% so với cùng kỳ. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 8.511 lượt khách, giảm 98,6% so với cùng kỳ năm trước; công suất trung bình khối khách sạn trong tháng 4-2020 ước đạt khoảng 12,8%, giảm 10,6% so với tháng 3-2020 và giảm 61,8% so với cùng kỳ.

Do tác động của dịch COVID-19, có 1.200 cơ sở lưu trú đã thông báo tạm dừng hoạt động; trước ngày 30-4, 1-5 có 1.364 doanh nghiệp lữ hành ngừng hoạt động, lượng lao động trong nhóm này có trên 35.000 người không có việc làm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm