Chủ tịch Quốc hội: Thiệt hại do lãng phí hậu quả còn lớn hơn tham nhũng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 22-9, tiếp tục chương trình làm việc phiên thứ ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến một số nội dung dự thảo kế hoạch giám sát và đề cương báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”.

Đây là một trong hai chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội năm 2022.

Trình bày dự thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường (Phó trưởng đoàn thường trực) cho biết phạm vi giám sát chỉ giới hạn ở khu vực công từ 1-1-2016 đến 31-12-2021 và thời kỳ trước, sau có liên quan.

Không giám sát trong hoạt động sản xuất, kinh doanh khu vực tư nhân, tiêu dùng của nhân dân.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường. Ảnh: quochoi.vn

Nội dung giám sát tập trung vào năm lĩnh vực, gồm: quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; quản lý, sử dụng vốn nhà nước khác; quản lý tài sản nhà nước; quản lý, sử dụng lao động, thời gian lao động; quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên.

Ông Cường cũng cho hay với từng lĩnh vực cụ thể, dự thảo kế hoạch nêu cụ thể các nội dung trọng tâm, trọng điểm tập trung giám sát.

Đối tượng giám sát là Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan quản lý, sử dụng vốn nhà nước, tài sản nhà nước; TANDTC, VKSNDTC; Kiểm toán nhà nước; các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; doanh nghiệp nhà nước; HĐND, UBND các tỉnh, thành.

Phát biểu ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cơ bản đồng tình kế hoạch, đề cường giám sát. Tuy nhiên, ông Tùng bày tỏ băn khoăn về phạm vi.

“Đoàn đã chọn lĩnh vực trọng tâm để bảo đảm tính khả thi nhưng tôi vẫn cảm thấy rộng. Nếu khoanh lại được nữa thì nên cân nhắc kỹ để bảo đảm đã giám sát phải sâu, đủ thời gian, nguồn lực để làm; chỉ ra được mặt được, tồn tại, hạn chế chứ rộng quá sẽ dàn trải”- ông Tùng nói.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý chuyên đề này được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng và nhân dân quan tâm, kỳ vọng nhất.

Ông Huệ đánh giá quốc gia nào cũng chú ý đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là những nước có nguồn lực còn hạn chế.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: quochoi.vn

“Nước mình có của ăn, của để rồi nhưng vẫn là nước đang phát triển thôi. Thu nhập đầu người thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đời sống của nhân dân, công nhân viên chức, người lao động, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn rất khó khăn. Chúng ta tiết kiệm được đồng nào thì có lợi cho quốc gia đồng đó”- ông Huệ nói và cho rằng điều kiện khó khăn mà không tiết kiệm thì rất có lỗi với người dân.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý nhiều khi thiệt hại do lãng phí, không thực hành tiết kiệm còn lớn hơn cả hậu quả của tham nhũng. Ông đề nghị đoàn giám sát nêu cao tinh thần trách nhiệm, cố gắng thành đoàn giám sát kiểu mẫu.

Liên quan đến phạm vi giám sát, Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá phạm vi còn rộng. Ông đề nghị tập trung giám sát có trọng tâm, trọng điểm và cụ thể hóa.

Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng trong quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên thì đất đai là tài nguyên đặc biệt. Đoàn giám sát phải chỉ rõ cả nước có bao nhiêu diện tích đất đã giao mà chưa thu tiền sử dụng đất? Bao nhiêu diện tích đất giao rồi mà sử dụng không đúng mục đích, địa chỉ nằm ở đâu? Trách nhiệm thế nào? Bao nhiêu dự án treo?...

Cũng trong sáng nay, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về chuyên đề giám sát tối cao thứ 2: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch được ban hành”. Báo cáo giám sát chuyên đề này sẽ được Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 3, dự kiến diễn ra vào tháng 5-2022.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm