Chúng em bảo vệ biển, đảo quê hương

Việt Nam có tài nguyên biển vô cùng phong phú với đường biển trải dài từ Bắc chí Nam. Đấy cũng là nguồn mưu sinh của nhiều thế hệ gia đình. Đặc biệt, các nguồn lợi từ biển phục vụ cho các nhu cầu về nguyên-nhiên liệu, năng lượng, thực phẩm… đã đóng góp to lớn vào quá trình phát triển đất nước.

Sân chơi náo nhiệt cho trẻ

Với những sản vật quý báu ấy, chúng ta đang đứng trước nhiều thách thức trong vấn đề bảo vệ, khai thác tài nguyên và môi trường biển, hải đảo, suy giảm các nguồn lợi thủy sản, đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường biển. Do vậy, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, hải đảo cần thực hiện lâu dài, thường xuyên. Trong đó, đối tượng ưu tiên hàng đầu là các em học sinh. Chính vì vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.HCM đã tổ chức Hội thi vẽ tranh tuyên truyền bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, hải đảo cấp TP năm 2013. Chương trình mong muốn tạo sự gắn kết để khuyến khích các em tích cực tìm hiểu, học hỏi nâng cao kiến thức, cùng chung tay tham gia vào hoạt động bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, hải đảo bằng những hoạt động thiết thực. Đồng thời, đây cũng là hoạt động hưởng ứng ngày Đại dương Thế giới, hưởng ứng Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam.

Chúng em bảo vệ biển, đảo quê hương ảnh 1

Hội thi là dịp để các em học hỏi kiến thức, bảo vệ môi trường biển, hải đảo. Ảnh: NGỌC CHÂU

Ở vòng sơ loại, BTC đã nhận được 385 bức tranh tham dự từ đại diện của 19 quận, huyện trên địa bàn TP. Qua đó, 90 bức tranh xuất sắc đã được lựa chọn để trưng bày triển lãm và tranh tài ở vòng chung kết diễn ra tại Cung Văn hóa Lao động TP.HCM. Ngay từ sáng sớm, các đội thi đã rục rịch có mặt để sắp xếp, chuẩn bị bài thi của mình. Xuyên suốt hội thi là không khí giao lưu cực kỳ hào hứng. Đặc biệt, không chỉ các thí sinh mà thầy cô giáo và các bạn cổ động viên còn được tham gia những trò chơi rất vui nhộn. Phần thưởng hấp dẫn, những trận cười nghiêng ngả, sự hồi hộp trong từng màn thi… hòa quyện với nhau khiến khu vực tổ chức chương trình thêm phần náo nhiệt.

Ý nghĩa từ nét vẽ trẻ thơ

Ngoài phần thi vẽ tranh cá nhân, các thí sinh còn tranh tài sôi nổi ở phần thuyết trình tranh vẽ tập thể Thông điệp từ nét vẽ xanh và phần vẽ trên chất liệu tự chọn Bền vững với thời gian.

Đại diện quận Bình Thạnh, em Hoàng Minh Trâm, học sinh lớp 8 Trường THCS Nguyễn Văn Bé, chia sẻ ở bài thi của đội, bức tranh thứ nhất thể hiện nỗi khao khát được ra thăm đảo Trường Sa, nối kết thêm tình bằng hữu giữa hải đảo và đất liền. Ở bức tranh thứ hai, bằng những bàn tay đầy nhiệt huyết, các em cùng các chú hải quân biến mảnh đất khô cằn trở nên đầy sức sống, sạch đẹp và ngập tràn niềm yêu thương, xây dựng Trường Sa xanh, sạch, đẹp. Bức tranh thứ ba nói lên ước mơ Trường Sa sẽ có thêm trường học, đẩy mạnh giáo dục để các bạn nhỏ đang sinh sống trên đảo được cắp sách đến trường, vui chơi giải trí trong môi trường lành mạnh, bền vững.

Với tác phẩm Cùng chung tay bảo vệ biển đảo, đội tuyển đại diện huyện Hóc Môn lại truyền tải nội dung em làm sạch biển, đảo; thể hiện chủ quyền bằng lá cờ Tổ quốc; bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, đảo; kêu gọi người dân cùng chung tay ngăn chặn nạn tràn dầu trên biển.

Thật vậy, mỗi tác phẩm dự thi đều chứa đọng những giá trị nhân văn rất sâu sắc. Qua ánh mắt trẻ thơ, nét vẽ hồn nhiên của trẻ nhỏ, chúng ta phải nhìn nhận rằng mình vẫn chưa hoàn thành trách nhiệm bảo vệ cuộc sống của chúng ta và bảo vệ quê hương, đất nước. Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, chia sẻ: “Tôi hy vọng những thông điệp từ nét vẽ của các em sẽ biến nhận thức thành ý thức tự giác và hành động cụ thể, chung tay góp phần bảo vệ biển, đảo quê hương. Đây cũng là dịp để mọi người đoàn kết với nhau, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tầm quan trọng của biển, hải đảo Việt Nam. Qua đó, mỗi cá nhân ý thức hơn trong việc bảo vệ tài nguyên, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển”.

NGỌC CHÂU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm