Chuyên gia Mỹ: Đã đến lúc bán vũ khí cho Việt Nam

Theo WSJ, việc Trung Quốc lai dắt và hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển thuộc Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã một lần nữa cho thấy Bắc Kinh bất chấp luật pháp quốc tế và tìm cách mở rộng diện tích hoạt động trên Biển Đông. Sự ngang ngược của Trung Quốc đã buộc Mỹ và các quốc gia châu Á lên tiếng phản đối mạnh mẽ. 

Chuyên gia Mỹ: Đã đến lúc bán vũ khí cho Việt Nam ảnh 1
Tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc ngang ngược bắn vòi rồng vào tàu Việt Nam ngay trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam hồi tháng Năm.

Tuy nhiên, Mỹ luôn quan tâm tới việc chống lại sự áp đặt của Trung Quốc tại Thái Bình Dương và thúc đẩy một hệ thống khu vực dựa trên các luật lệ và sự cởi mở nhằm mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho các quốc gia châu Á. Nhưng hành động Trung Quốc điều động các tàu tuần tra, tàu quân sự và tàu cá tới hỗ trợ bảo vệ cho giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, đã khiến căng thẳng trong khu vực không ngừng leo thang. 

Đặc biệt, sau sự kiện một tàu cá của Việt Nam bị nhiều tàu cá Trung Quốc bao vây và đánh chìm ngay trên vùng biển của Việt Nam, chuyên gia đã phải đặt câu hỏi vậy Mỹ sẽ phản ứng như thế nào trước những hành động mang tính ép buộc của Trung Quốc theo cách hiệu quả nhất?

Câu trả lời nằm trong mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam. Khả năng tự vệ để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đang bị đe dọa trước sức mạnh vượt trội của Trung Quốc. Trong khi, Washington và Hà Nội mới chỉ có những bước tiến khá khiêm tốn để bình thường hóa các mối quan hệ quân sự thông qua những cuộc tập trận chung và đối thoại chiến lược. 

Do đó, Mỹ nên đưa ra những bước tiến bổ sung để tăng cường khả năng tự vệ của Việt Nam. Mà quan trọng nhất là Mỹ nên gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.

Theo hai chuyên gia Mỹ, phạm vi và chủng loại hỗ trợ quân sự trực tiếp từ Washington cho Việt Nam nên được giới hạn ở những loại vũ khí phòng thủ hữu ích nhất trong việc đối phó sức mạnh tấn công từ bên ngoài như hệ thống cảnh báo hàng hải, tàu hộ vệ cùng các loại tàu thuyền khác và vũ khí chống hạm.

Mới đây, trong phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, ứng cử viên Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Ted Osius đã hé lộ rằng khả năng chính quyền của Tổng thống Barack Obama đang cân nhắc việc gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. 

Hiện, bản dự thảo này đang được lưu hành ở Quốc hội Mỹ. Ngoài ra, chính quyền của ông Obama cũng có thể tự dỡ bỏ lệnh cấm này. Song, với một quyết định chính thức từ Quốc hội Mỹ, hành động này sẽ mang tính mạnh mẽ hơn.

Gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí cũng sẽ giúp tăng cường năng lực của Việt Nam trước Trung Quốc. Điển hình, hồi năm 2007, chính quyền cửa cựu Tổng thống Geogre W. Bush đã cho phép xuất khẩu các mặt hàng quốc phòng phi sát thương cho Việt Nam.

Chuyên gia Mỹ: Đã đến lúc bán vũ khí cho Việt Nam ảnh 2
Tàu cá của ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm gần Hoàng Sa.

Ngoài ra, việc gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí sẽ giúp tăng cường mối quan hệ song phương Mỹ - Việt bao gồm các chuyến viếng thăm của Hải quân Mỹ và mở rộng hợp tác ngoại giao với các nước có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông như Malaysia và Philippines. 

Vào năm 2013, Washington và Hà Nội đã ký kết hiệp ước "Đối tác toàn diện Mỹ - Việt Nam", nhằm nâng cao năng lực hàng hải và thắt chặt mối quan hệ kinh tế song phương. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã gia nhập nhóm các nước đàm phán Hiệp định thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Việt Nam còn ủng hộ giải pháp hòa bình để giải quyết những tranh chấp trên Biển Đông cũng như tiến tới mối quan hệ quốc phòng gắn bó hơn với Washington.

Hai chuyên gia Mỹ cho rằng việc đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển của Việt Nam từ Trung Quốc sẽ chưa thể là hành động cuối cùng. Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục đưa các giàn khoan dầu, tàu cá, lực lượng hải quân và không quân ra Biển Đông. Bắc Kinh sẽ tiếp tục khai thác tài nguyên, áp đặt các luật lệ riêng của mình, đưa ra yêu sách chủ quyền và biến những tuyên bố trắng trợn sở hữu Biển Đông trở thành hiện thực.

Do đó, Mỹ cần thi hành một phương thức tiếp cận ngoại giao mạnh mẽ hơn để đưa ra cái giá phải trả cho những hành vi tồi tệ. Một phần trong phương pháp tiếp cận này liên quan tới việc cộng tác chặt chẽ hơn với Việt Nam - một trong số ít các nước tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông quyết tâm bảo vệ lợi ích quốc gia.

Mặc dù, Mỹ và Việt Nam đều tìm kiếm các mối quan hệ tốt đẹp với Bắc Kinh nhưng phản đối mạnh mẽ những hành vi thái quá của Trung Quốc. Trong đó, cả Mỹ và Việt Nam đều công nhận rằng năng lực tự vệ là điều sống còn trong khi đối mặt với sự quyết đoán của Trung Quốc. Và giờ là lúc Mỹ giúp Việt Nam tự vệ. 

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin The Wall Street Journal (WSJ) là một nhật báo có ảnh hưởng lớn trên thế giới, xuất bản tại Thành phố New York, tiểu bang New York , Mỹ với lượng phát hành rất lớn trên toàn thế giới.

Theo MINH THU /Infonet

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm