“Chuyện lạ” tại dự án nâng cấp cảng Hải Phòng

Dự án cải tạo nâng cấp cảng Hải Phòng giai đoạn khẩn cấp và giai đoạn hai được Thủ tướng phê duyệt có tổng số vốn hơn 2.400 tỉ đồng triển khai từ năm 1995 do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) làm chủ đầu tư. Đại diện chủ đầu tư thực hiện dự án là Ban Quản lý dự án (BQLDA) Cảng Hải Phòng.

Dùng số liệu cũ

Để triển khai dự án, BQLDA Cảng Hải Phòng đã thuê Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) thuộc Bộ GTVT lập dự án khả thi giai đoạn khẩn cấp với số tiền 400 triệu đồng. Tuy nhiên, TEDI chỉ dự báo lượng hàng hóa thông qua cảng Hải Phòng giai đoạn này có 2,8 triệu tấn/năm. Trong khi đó, theo khảo sát của Bộ GTVT, lượng hàng thực tế qua cảng đạt 6 triệu tấn/năm. Việc sử dụng số liệu cũ này đã khiến sau đó Bộ GTVT phải trình Thủ tướng điều chỉnh quy mô của dự án từ việc gia cố 66 m cầu cảng lên thành 150 m, đầu tư thêm hai cần cẩu xếp dỡ container, tăng diện tích cảng Chùa Vẽ từ 10 ha lên 12,6 ha.

Mặc dù tháng 12-2000, Bộ GTVT mới trình Thủ tướng kế hoạch đấu thầu nhưng từ trước đó, tháng 5-1999, BQLDA đã tổ chức đấu thầu gói thầu tư vấn này. Nhà thầu Nippon Kyoei (Nhật Bản) trúng thầu gói tư vấn cả hai giai đoạn dự án với giá trị hơn 177 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo kết luận mới nhất của Thanh tra Chính phủ, Nippon Kyoei đã không khảo sát mà sử dụng kết quả khảo sát về địa hình, địa chất, thủy văn, chỉnh trị dòng do Công ty Tư vấn quốc tế Việt-Nhật (VIC) lập trước đó hai năm.

“Chuyện lạ” tại dự án nâng cấp cảng Hải Phòng ảnh 1

Bãi cảng Chùa Vẽ, một trong những gói thầu của dự án nâng cấp cảng Hải Phòng. Ảnh: KIM LINH

Trong hồ sơ mời thầu, BQLDA yêu cầu chỉ  dùng tiếng nước ngoài mà không dùng tiếng Việt là vi phạm quy định. Ra điều kiện ngặt vậy nhưng có tới 11/15 cán bộ BQLDA không thể đọc, hiểu hồ sơ mời thầu!

Kiến nghị công an điều tra vào cuộc

Việc khảo sát, thiết kế không chính xác như trên đã dẫn tới hậu quả là nhiều hạng mục phải điều chỉnh so với thiết kế kỹ thuật được duyệt. Cụ thể, hệ thống cột điện qua kênh Hà Nam đã phải đổi từ móng bè sang móng cột. Thiết kế tuyến luồng đoạn Hà Nam-Lạch Huyện phải điều chỉnh cục bộ do thiết kế ban đầu không đề cập đến tĩnh không thông thuyền tại vị trí đường điện cao thế từ đảo Cát Hải sang đảo Cát Bà. Ngoài ra, việc thiết kế hệ thống kè sông Bạch Đằng, hệ thống đường điện cao thế qua kênh Hà Nam, hạng mục chập tiêu luồng Lạch Huyện-Hà Nam cũng phải điều chỉnh, làm tăng vốn đầu tư thêm hơn 29 tỉ đồng so với dự toán ban đầu.

Một số hạng mục còn có sự chênh lệch lớn về khối lượng thực hiện và khối lượng thiết kế ban đầu như nạo vét luồng tàu trước bến đã phải giảm 40%, khối lượng đóng cọc thép giảm 22%, hạng mục kè đá bảo vệ mái dốc gần các bến số 4, số 5 tăng 10%, khối lượng bê tông cốt thép tại cầu tầu tăng 30%. 

Ngoài ra, nhà thầu Nippon Kyoei dự toán trọn gói giá các gói thiết bị hai giai đoạn gồm tàu lai dắt, xuồng cao tốc, thiết bị xếp dỡ và hệ thống quản lý bến container nhưng không có hồ sơ, tài liệu của các nhà cung cấp thiết bị làm căn cứ để xác định giá thị trường tại thời điểm đó. Nippon Kyoei vừa là nhà thầu tư vấn thiết kế, vừa là nhà thầu giám sát các gói thầu cũng là vi phạm Luật Đấu thầu.   

Theo Thanh tra Chính phủ, BQLDA ký hợp đồng mua ba tàu lai dắt, hai xuồng cao tốc với Công ty TNHH Sahasant (Thái Lan) có tổng giá trị hơn 70 tỉ đồng. Nhưng chỉ riêng với ba tàu lai dắt, cơ quan thanh tra đã phát hiện hơn 22 tỉ đồng chênh lệch chưa được làm rõ. Ngoài ra BQLDA còn mắc sai phạm trong một số gói thầu đã dẫn tới lãng phí vốn đầu tư, tăng chi phí dự án, làm lợi cho nhà thầu một khoản tiền lớn.

Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Bộ GTVT và Bộ Tài chính xử lý số tiền hơn 170 tỉ đồng do sai phạm của BQLDA gây nên. Đồng thời, Thanh tra Chính phủ kiến nghị cơ quan công an điều tra, xử lý các sai phạm trong quá trình thực hiện dự án.

KIM LINH 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm