Cơ chế đặc thù: Băn khoăn về việc đánh thuế tài sản

Như Pháp Luật TP.HCM thông tin sáng nay 20-11, Quốc hội thảo luận dự thảo Nghị quyết về cơ chế chính sách phát triển TP.HCM. Các đại biểu (ĐB) đồng ý với dự thảo Nghị quyết về nội dung này nhưng lại băn khoăn về việc tăng thuế và cho TP.HCM chủ động trong chính sách thu nhập cho công chức, viên chức. 

Thuế tài sản sẽ giảm lợi thế cạnh tranh

Đặc biệt là thuế tài sản, ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) nói cần phải thận trọng bởi sắc thuế này sẽ ảnh hướng tính công bằng trong chính sách. “Trên thực tế có nhiều người là đại gia về đất trên nhiều địa phương khác mà không phải nộp thuế trong khi có những người lao động bình thường chỉ có nhà đất để ở mà lại phải chịu thuế”, ĐB Mai nói.

ĐB Vũ Thị Lưu Mai

Theo ĐB Mai, các cơ chế chính sách phát triển cho TP.HCM như Chính phủ trình là nhằm tăng cường tính hấp dẫn và khắc phục hạn chế thu hút đầu tư cho TP. Tuy vậy, nếu thuế tài sản được thí điểm áp dụng thì thị trường bất động sản sẽ bị ảnh hưởng, lợi thế cạnh tranh của TP cũng vì vậy mà bị ảnh hưởng theo.

“Đặc biệt cần phải chuẩn bị tâm lý đối với người nộp thuế. Thực tế, thuế tài sản đối với nhiều người dân vẫn còn xa lạ”, ĐB Mai nói.

ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cho rằng Chính phủ cho phép TP.HCM thí điểm đánh thuế tài sản cũng chưa ổn về mặt lập pháp, bởi khi Quốc hội ban hành luật về thuế tài sản thì phải áp dụng cả nước. Từ đó, ĐB Đặng Thuần Phong cho rằng: “Nghị quyết chỉ nên cho phép TP.HCM thí điểm để hoàn thiện luật thuế tài sản”.

Cần cân nhắc tăng thuế, phí chưa có trong danh mục

Mặt khác, ĐB Phong cũng lưu ý việc TP.HCM được cho phép mở rộng đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt bởi điều này, cùng với việc áp dụng một số phí, lệ phí chưa có trong danh mục... sẽ ảnh hưởng tới lợi thế cạnh tranh của TP.HCM.

ĐB Đặng Thuần Phong nói TP.HCM cần cân nhắc áp dụng các loại thuế, phí chưa có trong danh mục bởi điều này ảnh hưởng tới lợi thế cạnh tranh

Theo ĐB Mai Hồng Hải (Hải Phòng) dự thảo Nghị quyết đề nghị chính sách về thuế, phí và lệ phí đều theo hướng tăng lên và mở rộng.

“Về thuế thì chỉ tăng không quá 25% đối với thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường so với mức hiện hành. Tuy nhiên, TP sẽ phải nghiên cứu, trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Chính sách thuế, phí nên mở rộng đối tượng thu hơn là tăng mức thuế. Nguyên tắc đưa ra là phải đảm bảo ổn định xã hội, khuyến khích TP phát triển”, ĐB Mai Hồng Hải nói.

Về bổ sung thu nhập cho công chức và viên chức của thành phố, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) đề nghị nên thực hiện theo bảng lương cơ bản. Còn thu nhập tăng thêm thì giao cho HĐND TP.HCM quyết định mức tăng thêm cho cán bộ, công chức viên chức của TP trên cơ sở năng suất, chất lượng công việc, từ nguồn thu của TP để khuyến khích thu hút nhân lực chất lượng cao.

Tuy nhiên, theo ĐB Bé, quy định trong dự thảo khống chế mức trần là 1,8 lần rất khó cho TP. ĐB Bé đề nghị Quốc hội, Chính phủ nên giao cho TP tự chủ quyết định chi mức tăng này. Nhưng ĐB Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) đề nghị không chỉ tăng thu nhập cho công chức, viên chức mà cần tăng thu cho đối tượng lao động.

“Bởi nhiều người dân ở TP không phải là công chức, viên chức nhưng họ là người lao động, có đóng góp rất lớn cho sự phát triển chung của TP”, ĐB Tuấn nói.  

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy