Có dấu hiệu buông lỏng quản lý thủy điện Đạ Dâng

Chiều nay (22-12), chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng sẽ chủ trì cuộc họp đánh giá sự cố sập đường hầm dẫn nước Nhà máy thủy điện Đạ Dâng để báo cáo Chính phủ cùng các bộ liên quan để có hướng xử lý các vấn đề liên quan.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài việc thi công không an toàn, cơ quan chức năng có dấu hiệu buông lỏng quản lý ở công trình hầm thủy điện này.

Biện pháp thi công không an toàn

Là người thường xuyên ra vào đường hầm để kiểm tra, bàn phương án đào hầm cứu hộ, ông Dương Minh Nghĩa, Trưởng phòng Giám định 2 thuộc Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), khẳng định biện pháp thi công đường hầm này có nhiều vấn đề không đảm bảo an toàn.

Theo ông Nghĩa, nhiều đoạn hầm không hề gia cố, chỉ đào chệch rồi để không. Trong khi về nguyên tắc, thi công hầm bắt buộc phải có các bước gia cố tạm để đảm bảo an toàn. Đơn vị thi công phải khoan neo, treo vỉ khung thép chữ y để dùng lưới thép móc lên rồi phun bê tông. Ở các vùng địa chất yếu, nứt nẻ mạnh, đơn vị thi công phải gia cố bằng cách dựng những vỉ khung cửa sổ để chống chèn, phải tính loại vỉ, kích cỡ thép, mác bê tông… để đảm bảo chịu lực.

“Trong đường hầm thủy điện Đạ Dâng có một số đoạn gia cố bằng thép vỉ hình chữ y nhưng cần phải xem xét có hợp lý không so với địa chất vùng. Về nguyên tắc, dù địa chất tốt, thi công như thế vẫn không an toàn bởi đá sẽ bị nứt, biến động trong quá trình khoan mỏ, thi công. Trong hầm này, nhiều đoạn địa chất bình thường mà không gia cố là chưa cẩn trọng. Cũng cần phải kiểm tra, đánh giá độ an toàn, chất lượng của đường hầm bởi trước đây Công ty CP Xây dựng Công trình ngầm (Vinavico) đào xong, bỏ đó gần hai năm mới giao cho Công ty CP Sông Đà 505 bọc bê tông gia cố, đồng thời cũng phải kiểm tra cả thiết kế, thi công” - ông Nghĩa nói.

Hố sâu trên đỉnh hầm thủy điện Đạ Dâng do sụt đất. Ảnh: NGUYỄN ĐỨC

Theo các chuyên gia, ở các hầm thủy điện, khi đào đến đâu phải có cửa thông gió đến đó để hạn chế thiệt hại nếu xảy ra sự cố. Tuy nhiên, đường hầm thủy điện Đạ Dâng không hề có cửa thông gió. Do đó khi hầm thủy điện Đạ Dâng bị sập, các nạn nhân hoàn toàn bị nhốt trong đoạn hầm không hề có ôxy, ánh sáng.

Không ai giám sát chất lượng

Ông Đỗ Đức Quân, Vụ trưởng Vụ Thủy điện (Bộ Công Thương), cho biết khu vực xây dựng thủy điện Đạ Dâng có địa chất phức tạp nên cần phải điều tra lại. Ông cũng cho hay trách nhiệm kiểm tra, giám sát chất lượng công trình đối với thủy điện Đạ Dâng thuộc UBND tỉnh Lâm Đồng, trong đó hai sở Công Thương, Xây dựng là những cơ quan quản lý về chất lượng.

Trong khi đó, ông Huỳnh Ngọc Cảnh, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng, cho rằng trách nhiệm kiểm tra, giám sát chất lượng công trình trên là của Sở Xây dựng. Còn ông Nguyễn Hữu Tâm, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, thì phân bua: “Chủ đầu tư giữ hồ sơ hết rồi. Sở Xây dựng đâu có hồ sơ nên đâu biết ông nào giám sát, ông nào thiết kế, ông nào thi công, chỉ biết mỗi chủ đầu tư là Công ty Long Hội!”.

Theo tài liệu chúng tôi thu thập được, dự án thủy điện Đạ Dâng - Đachomo do Viện Thiết kế thủy lợi thủy điện Nam Ninh (Trung Quốc) tư vấn thiết kế, Công ty CP Tư vấn Nhật Thăng - VNT6 (Hà Nội) làm giám sát. Trước đây, dự án này do Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 làm chủ đầu tư, khởi công từ tháng 12-2003 nhưng không triển khai. Tháng 3-2006, dự án đổi chủ đầu tư sang Công ty CP Đầu tư Xây dựng điện Long Hội (thuộc Tổng Công ty CP Thương mại Xây dựng Viettramex, Hà Nội), theo kế hoạch phải hoàn thành vào năm 2011. Do dự án chưa hoàn thành, tháng 3-2014 tỉnh Lâm Đồng cấp đổi giấy chứng nhận đầu tư, điều chỉnh thời gian hoàn thành, đưa vào phát điện đến quý IV-2014.

Ông Nguyễn Tiên Phong, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Xây dựng điện Long Hội, cho biết hôm nay sẽ báo cáo, giải trình về công trình trên cho Bộ Xây dựng theo yêu cầu. Ông Phong thừa nhận trước đây một số vị trí của đường hầm đã bị sạt xuống và công ty đã xử lý. “Công trình vẫn đảm bảo an toàn. Chúng tôi sẽ đề nghị một công ty có uy tín đánh giá rồi đưa ra biện pháp, khi được Bộ Xây dựng phê duyệt sẽ triển khai lại”.

Các nạn nhân đã ổn định về tâm lý

Ngày 21-12, BS Hồ Trường Bảo Long, Phó khoa Nội tổng hợp BV Đa khoa Lâm Đồng, cho biết sức khỏe của các công nhân bị nạn đã hồi phục. Trong số 11 trường hợp nhập viện có hai bệnh nhân nam mắc bệnh lý là anh Phạm Viết Nam bị suy tim, viêm phế quản, rối loạn nhiệt; anh Nguyễn Đình Thịnh bị hen suyễn, ho, phải có phương án điều trị riêng. Hiện cả hai người không có những dấu hiệu xấu. Chị Đặng Thị Hồng Ngọc - nạn nhân nữ duy nhất và trường hợp nặng nhất - cũng đã bình phục, đã ngồi dậy trò chuyện với người thân, tiếp xúc xung quanh. Theo BS Long, hầu hết các nạn nhân đều sớm ổn định tâm lý và các y, bác sĩ cũng tiến hành làm tâm lý đối với từng nạn nhân. “Các bệnh nhân phải điều trị vài ngày nữa để sức khỏe thật tốt rồi mới xuất viện”.

Có dấu hiệu buông lỏng quản lý thủy điện Đạ Dâng ảnh 2

Sức khỏe chị Đặng Thị Hồng Ngọc tiến triển tốt. Ảnh: XUÂN NGỌC

Theo ông Lưu Công Tới, Phó phòng Tổng hợp Công ty CP Sông Đà 505, chị Ngọc là một trong ba người (trong số các nạn nhân) là lao động thời vụ, không có bảo hiểm. Trả lời câu hỏi “Vì sao lại đưa phụ nữ vào làm việc trong đường hầm là nơi nguy hiểm?”, ông Tới nói: “Chị Ngọc là lao động đơn giản, chỉ làm vệ sinh hầm, không phải là công việc nguy hiểm”.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng lại yêu cầu làm rõ vì sao cho phụ nữ vào làm việc trong đường hầm. Bà Trương Thị Mai nói: “Hiện nay đã ban hành danh mục lao động nặng nhọc, nguy hiểm. Tôi đề nghị các cơ quan nhà nước phải kiểm tra việc bạn nữ này làm việc trong đường hầm, phải xem lại tính chất công việc của bạn nữ này. Cùng với việc chăm sóc sức khỏe các nạn nhân, tôi đề nghị các cơ quan nhà nước phải xem xét trách nhiệm những việc này”.

____________________________________________

Trách nhiệm kiểm tra, giám sát, dù nhà nước hay tư nhân, tất cả đều phải chấp hành pháp luật. Khi xảy ra sự cố nghiêm trọng như thế này, cần phải xem xét trách nhiệm một cách đầy đủ dù cơ quan đó là ai. Tôi đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước phải tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật, đặc biệt là an toàn lao động đối với những công trình rủi ro rất cao như thế này. Ủy ban Về các vấn đề xã hội cũng đang dành sự quan tâm đặc biệt để đưa vào dự án luật sẽ trình Quốc hội thông qua vào tháng 5-2015 về những vấn đề đảm bảo an toàn cho người lao động.

TRƯƠNG THỊ MAI, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.