Có hàng chục ngàn dự án vi phạm thời gian quyết toán

Sáng nay, 20-4, Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng được tổ chức. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng tham dự Hội nghị.

Đây là một trong 15 hội nghị chuyên đề được tổ chức theo kế hoạch trong năm nay. Mục đích của hội nghị hôm nay là nhận diện khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực đầu tư xây dựng để Chính phủ, các bộ, ngành đưa ra giải pháp khắc phục, tháo gỡ khó khăn. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có bài phát biểu quan trọng tại hội nghị này

Hiện nay, đầu tư xây dựng chịu sự điều chỉnh của khoảng 12 luật khác nhau. Ngoài ra là các nghị định, nghị quyết của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành và hơn 20.000 tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật.

Thời gian qua, Bộ Xây dựng đã phối hợp với nhiều bên liên quan tổ chức các hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp để hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật, nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, chất lượng công trình được nâng cao.

Bộ Xây dựng cho rằng khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng hiện nay hiện hữu ở tất cả giai đoạn của quá trình đầu tư xây dựng, từ chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án đến kết thúc dự án đưa vào sử dụng. Rất nhiều khó khăn liên quan chủ yếu tới Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách, Luật Xây dựng.

Ngoài ra Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai, cùng với các luật khác cũng có những yêu cầu, quy định chồng chéo nhau trong đền bù, giải phóng mặt bằng, đánh giá tác động môi trường… làm cho tiến độ các dự án đầu tư xây dựng bị chậm trễ hoặc bị thu hồi.

Ngay bản thân Luật Xây dựng cũng có những quy định hạn chế quá trình đầu tư xây dựng. Đơn cử như quy định cá nhân là người nước hoạt động xây dựng tại Việt Nam trên sáu tháng phải thực hiện việc chuyển đổi chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng chưa rõ; khoảng thời gian sáu tháng tính cho một lần huy động hay tổng thời gian huy động chuyên gia thực hiện gói thầu?. Điều này gây ra lúng túng cho chủ đầu tư trong quá trình quản lý điều kiện năng lực của tư vấn cá nhân là người nước ngoài.

Một vấn đề khác khá “nóng” là quy định về quyết toán hoàn vốn dự án. Thực tế, theo Bộ Xây dựng, thời gian quyết toán vốn dự án hoàn thành của nhiều dự án bị kéo dài so với quy định. Theo thống kê, năm 2016, có tới 12.255 dự án vi phạm thời gian quyết toán (chiếm trên 14% dự án hoàn thành), trong đó hơn 5.400 dự án vi phạm thời gian quyết toán trên hai năm, tăng hơn 1.100 dự án (27%) so với năm 2015.

Nguyên nhân là do nhiều dự án thiếu các cơ sở pháp lý, thành phần hồ sơ chất lượng chưa đầy đủ; chủ đầu tư, ban quản lý dự án thiếu kinh nghiệm, năng lực hạn chế; quá trình thanh toán, quyết toán hợp đồng xây dựng chưa tuân thủ chặt chẽ các thoả thuận trong hợp đồng, pháp luật về hợp đồng xây dựng.

Một vấn đề khác mà dư luận thời gian qua quan tâm chính là việc sử dụng đất đai, mua bán, cấp giấy chứng nhận một số loại hình bất động sản mới như căn hộ - du lịch (condotel), căn hộ - văn phòng (officetel), shop-house, biệt thự du lịch… Bộ Xây dựng nói những vấn đề này còn gặp khó khăn.

Từ cuối năm 2017, Bộ Xây dựng đã công bố kế hoạch sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng. Cụ thể, Bộ đã đề xuất bỏ sáu ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện. Bộ Tư pháp góp ý giữ lại hai ngành nữa. Bộ Xây dựng tiếp thu và đề xuất bỏ bốn ngành nghề.

Còn về các điều kiện kinh doanh, Bộ Xây dựng đề xuất bãi bỏ 41,3%; đơn giản hóa 43,7% và chỉ đề xuất giữ nguyên 15% điều kiện kinh doanh hiện hành.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm