Có nước nào nhiều tố cáo như Việt Nam không?

Thực trạng quá tải tố cáo, đơn tố cáo gửi lòng vòng, 80% tố cáo sai, có chấp nhận tố cáo qua điện thoại, thư điện tử hay không… đã được các đại biểu nêu ra tại phiên họp ngày 17-8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về dự án Luật Tố cáo sửa đổi.

Cần quy định điểm dừng cho tố cáo

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết việc chưa quy định về việc chấm dứt giải quyết tố cáo đã dẫn tới tình trạng tố cáo kéo dài, lòng vòng. Ông Định dẫn chứng dự thảo luật quy định Thủ tướng Chính phủ, chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao, UBTVQH là cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo cao nhất nhưng chưa quy định việc chấm dứt giải quyết tiếp đối với trường hợp đã được cơ quan có thẩm quyền cao nhất giải quyết là không phù hợp.

“Trên thực tế, nhiều vụ việc tố cáo đã được cơ quan có thẩm quyền cao nhất giải quyết nhưng người dân vẫn tiếp tục tố cáo, dẫn đến tố cáo kéo dài, gây khó khăn, lúng túng cho các cơ quan nhà nước và gây bất ổn cho xã hội. Vì vậy, luật cần quy định rõ điểm dừng của tố cáo gắn với điểm dừng của thẩm quyền giải quyết tố cáo” - ông Định nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng cần quy định rõ điểm dừng của tố cáo gắn với điểm dừng của thẩm quyền giải quyết tố cáo. Ảnh: TP

Đồng tình, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng việc quy định điểm dừng trong giải quyết tố cáo là cần thiết. “Số liệu dẫn 60% là tố cáo sai. Tôi vừa đi sáu tỉnh, đều có tới 80% tố cáo sai, tỉnh thấp nhất là 70% tố cáo sai. Vì vậy tố cáo sai gây mất thời gian, ảnh hưởng an ninh trật tự, ảnh hưởng công việc chung” - bà Hải nói. Trong khi đó, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển nêu băn khoăn không hiểu trên thế giới có nước nào nhiều tố cáo, khiếu nại như Việt Nam không? Cách họ giải quyết, xử lý vấn đề này như thế nào? “Tôi từng ở địa phương thì biết rồi, nếu ban hành luật không cẩn thận thì tình hình không diễn biến theo chiều hướng tốt mà thậm chí còn tạo ra phức tạp” - ông Hiển lưu ý.

Chấp nhận tố cáo bằng điện thoại, email?

Hình thức tố cáo bằng điện thoại, email tiếp tục nhận được nhiều ý kiến thảo luận tại UBTVQH. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, dự luật vẫn giữ hình thức tố cáo như dự thảo luật trình QH là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp nhưng có bổ sung quy định riêng về việc tiếp nhận, xử lý tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại.

Ông Định cho rằng dự thảo luật tuy có tiếp thu một phần ý kiến đại biểu QH nhưng còn chưa rõ ràng. “Bởi vì vấn đề căn bản, mấu chốt là xác định được nội dung tố cáo có căn cứ, chính xác, rõ địa chỉ, họ tên người tố cáo là điều kiện đủ để thụ lý giải quyết. Việc tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại thực chất cũng chỉ là các phương thức thể hiện khác nhau của hai hình thức tố cáo mà dự thảo luật đã quy định là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp” - ông Định nói.

Theo đó, đại diện Ủy ban Pháp luật đề nghị dự thảo chỉnh lý theo hướng: Quy định hình thức tố cáo bằng đơn và các hình thức tố cáo khác theo quy định của pháp luật (hình thức khác có thể bao gồm thư điện tử, fax, điện thoại mà các luật khác đã quy định).

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Mai Trực lại có ý kiến khác. Ông cho rằng trong bối cảnh hiện nay chỉ nên giữ hai hình thức tố cáo vì quá trình xử lý đơn tố cáo phải gặp trực tiếp người tố cáo để đối chất, giải thích pháp luật để họ thấy không phù hợp thì rút nội dung. “Chứ nếu theo nội dung tố cáo, khắp đất nước này, điểm này, điểm kia, cả đoàn bay đi thì tốn kém kinh khủng. Nếu chỉ nhận một chiều thì rất khó. Trong bối cảnh hiện nay không đối chất thì không giải quyết được. Ngay số điện thoại vẫn mạo danh của người khác. Ngay thư điện tử họ vẫn dùng mạo danh hình ảnh của người khác kia mà, cái đó có cơ sở không?” - ông Trực nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm