Vụ voi đoàn xiếc quật chết người ở Đắk Nông

Có thể xử lý hình sự người chăn voi

Ngày 25-12, Công an huyện Đắk Mil (Đắk Nông) đang tiếp tục điều tra nguồn gốc con voi của đoàn xiếc Bình Minh đã quật chết cháu Nguyễn Văn Luật vào tối 23-12 và các vấn đề liên quan khác để xử lý.

Trao đổi với chúng tôi, đại diện đoàn xiếc cho biết con voi là đi thuê và đoàn xiếc đã hỗ trợ gia đình nạn nhân 30 triệu đồng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng chủ gánh xiếc phải bồi thường chứ không phải hỗ trợ. Ngoài ra, công an có thể xử lý hình sự người liên quan.

Voi của đoàn xiếc ở Hải Phòng

Như chúng tôi đã thông tin, ngày 23-12, đoàn xiếc Bình Minh tập trung tại sân vận động trung tâm xã Đức Mạnh, huyện Đắk Mil để chuẩn bị cho buổi diễn vào tối cùng ngày. Khoảng 18 giờ cùng ngày, đoàn xiếc chở voi đi rao quảng cáo về, để voi và xe bên cạnh cổng UBND xã. Voi được xích một chân trên thùng xe tải. Lúc này các cháu nhỏ vây quanh xe tải trêu chọc voi, người quản tượng đã cảnh báo, không cho các cháu tới gần, sau đó quản tượng bỏ đi ăn cơm tối cùng với đoàn. Lúc này cháu Nguyễn Văn Luật cầm lá chuối cho voi ăn, dùng tay vỗ vào vòi voi. Bất ngờ con voi dùng vòi quắp lấy cháu rồi quật vào thành xe, sau đó giẫm lên người cháu. Mọi người phát hiện,  đưa cháu Luật đến bệnh viện để cấp cứu nhưng cháu đã tử vong.

Con voi quật cháu bé đang bị giữ tại xã Đức Mạnh. Ảnh: MINH TIN

Được biết cháu Luật có hai em trai. Cha mẹ cháu vừa ly hôn khoảng sáu tháng, cháu sống với cha. Hằng ngày cha cháu Luật đi làm thuê. Đứa em kế của Luật được đưa đi gửi ở một trường dòng tại TP.HCM. em út của Luật sống với mẹ tại Đắk Mil.

Ngày 25-12, trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hải Bình (41 tuổi, trú tại huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình), Giám đốc Đoàn nghệ thuật xiếc Bình Minh, nói: “Hiện chúng tôi đã gửi cho gia đình 30 triệu đồng nhằm bù đắp phần nào mất mát quá lớn của gia đình. Tôi cũng có con ở khoảng tuổi của cháu nên hiểu điều mất mát này. Vì vậy hướng sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục xoay sở để bù đắp thêm cho gia đình cháu…”.

Bà Bình cho biết con voi này theo đoàn đi lưu diễn khoảng 5-6 năm nay và rất hiền. Con voi là của đoàn xiếc Sông Gấm (ở Hải Phòng), đoàn Bình Minh thuê lại đi lưu diễn. “Voi có nguồn gốc hợp pháp rõ ràng và được huấn luyện biểu diễn. Đoàn hoạt động hợp pháp, có giấy phép hoạt động xiếc thú” - bà Bình nói.

Hiện con voi được giữ tại UBND xã Đức Mạnh. Công an huyện Đắk Mil cho biết đang xác minh nguồn gốc của voi. Trường hợp voi không rõ nguồn gốc, không có giấy phép sẽ xử lý chủ gánh xiếc về hành vi mua bán, nuôi nhốt, vận chuyển trái phép động vật hoang dã (theo Điều 190 Bộ luật Hình sự). Nếu voi hợp pháp sẽ trả cho chủ.

Có thể xem xét xử lý hình sự

Bình luận về sự việc trên, luật sư Nguyễn Thế Phong, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Long An, nói: Voi dù đã thuần hóa nhưng bản chất hoang dã vẫn còn. Trong trường hợp trên, voi đã thể hiện bản năng hoang dã gây hậu quả chết người. Chủ sở hữu hợp pháp của con voi hoặc người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng voi sẽ phải bồi thường theo nguyên tắc thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Theo đó dù có lỗi hay không thì hai chủ thể trên cũng phải bồi thường cho người bị hại.

Việc bồi thường chỉ bị loại trừ trong trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại, trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết. Trong vụ này cháu bé bị voi quật không thể thuộc trường hợp loại trừ, người quản tượng lại không có mặt nên chủ sở hữu hợp pháp của con voi (pháp nhân hoặc cá nhân) phải bồi thường thiệt hại mà voi đã gây ra cho gia đình cháu chứ không chỉ hỗ trợ thiệt hại.

Còn TS Nguyễn Duy Hưng, Trưởng khoa Luật Trường ĐH Thủ Dầu Một (Bình Dương), phân tích: Vụ này phát sinh hai loại trách nhiệm hình sự và dân sự. Về dân sự, chủ sở hữu hợp pháp của con voi phải bồi thường chứ không phải hỗ trợ. Đại diện người bị hại có thể khởi kiện yêu cầu chủ sở hữu bồi thường ngoài hợp đồng do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.

Riêng trách nhiệm hình sự sẽ phát sinh sau khi cơ quan công an điều tra rõ nguyên nhân xảy ra vụ việc. Về nguyên tắc, người quản lý phải có các biện pháp bảo vệ an toàn cho người khác khi đưa voi ra chỗ đông người. Nếu chứng minh được việc con voi gây án mà không có sự quản lý theo nguyên tắc an toàn của người được giao chăm sóc thì có thể xem xét trách nhiệm hình sự của người này. Hành vi đó có dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm các quy tắc nghề nghiệp gây hậu quả nghiêm trọng.

Những tai nạn từ voi đoàn xiếc

- Tháng 10-2011, tại Lào Cai, voi của Đoàn Xiếc Việt Nam quật chết cháu Nguyễn Thảo O. (11 tuổi), học sinh lớp 6, khi cháu đến chỗ nhốt voi cho voi ăn mía. Nơi nhốt voi không hề có cũi hay nhân viên bảo vệ đứng gác để ngăn cản người ngoài tới gần.

- Tháng 4-2011, cháu T. (13 tuổi, học sinh lớp 6 Trường THCS Bình Đa, TP Biên Hòa) cùng các bạn đã trêu chọc voi đang nhốt tại khu vực gần nơi biểu diễn thì cháu bị con voi nặng hơn hai tấn quật chết. Nguyên nhân được cho là do voi bị trêu phá, cộng với thời tiết nóng bức làm voi hung dữ.

Đôi khi chỉ là thay đổi thời tiết, những lúc mệt, ức chế hay đến giờ ăn, đặc biệt là động đực mà bị bắt phải làm nhiều động tác, thú sẽ bực mình. Những lúc này, ngay cả người huấn luyện cũng có thể gặp nguy hiểm.

Ông VŨ NGOẠN HỢP, Chủ tịch Liên đoàn Xiếc Việt Nam

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.